“Đời thường” của quốc hoa

Cập nhật: 21-07-2011 | 00:00:00

Kỳ 1: Hoa không chỉ là... hoa

Kỳ 2: Sen lên chùa, sen đi vào tâm thức

 Hoa sen đi vào tâm thức người Việt từ ngàn đời. Và dĩ nhiên, khi sen được bình chọn là quốc hoa thì đó còn là niềm tự hào nữa, bởi hoa sen cũng là biểu tượng chính của Phật giáo từ sơ khai đến nay. Sen trong đời sống tinh thần người Việt là sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ đời thực đến cả thế giới tâm linh, là sự kết nối cả giữa người sống với người đã khuất...

  Sen trồng tại chùa Niệm Phật (An Sơn, TX.Thuận An)

 Sen lên chùa

Lên chùa cúng hoa thường là người ta chọn hoa sen và hoa huệ. Những ngày rằm mà đặc biệt là rằm tháng tư, ngày Đức Phật đản sinh, phật tử thường dâng cúng hoa sen. Điều này mang một ý nghĩa những đóa sen nâng bước chân Đức Phật ở vườn Lâm tì ni...

Chị Thanh, nhà ở phường Phú Lợi, TX.TDM cho biết, chị thường mua hoa sen lên chùa cúng Phật. Bởi theo chị, đơn giản đó là loài hoa “vừa có sắc vừa có hương, lại thanh khiết nhưng vẫn gần gũi với mọi người”! Thường chị tìm mua hoa ở những đầm sen của Chánh Nghĩa hay Tương Bình Hiệp (TX.TDM) hoặc mua ở chợ Thủ. Theo chị Thanh, hoa sen hiện diện trong tâm linh người Việt rất sâu đậm. Người ta nghĩ đến loại hoa này như một sự thanh thoát, nhẹ nhàng.

Nhiều người khác còn... độc đáo hơn khi cho biết, họ tự trồng sen ở nhà rồi khi nào có hoa, hái dâng lên bàn thờ Phật. Theo họ, hoa sen rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều. Hiện, các vựa cây kiểng có bán giống sen đủ màu trắng, hồng, xanh, phớt tím. Nhà phố không cần diện tích sân vườn nhiều vẫn trồng được sen bởi chỉ cần một cái lu hay chậu cao, miệng rộng để đổ bùn vào, thả vào vài cây sen giống là sen có thể phát triển tốt, cho hoa, lá xanh mướt để chủ nhân... thưởng thức.

Với tâm linh của người Việt, nhiều nhà có bàn thờ Phật. Thế là chỉ cần hái vài cành hoa sen, cắm vào bình bông đặt lên bên tượng Phật và đốt thêm mấy nén nhang trầm là có cả một... không gian tâm linh vừa trang nghiêm vừa tĩnh lặng và thư thái vô cùng.

Biểu tượng của sự dung dị

Sáng sớm, khi tôi đến Trung tâm văn hóa Phật giáo tỉnh (tượng Phật nhập Niết bàn) đã thấy nhiều tăng sinh tập thể dục, đi dạo quanh hồ sen. Một khung cảnh nên thơ và bình yên. Trước đây không lâu, ở đây còn là khu đất trống nhưng với tâm huyết của Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Tỉnh hội Phật giáo, Trụ trì chùa Hội Khánh và sự đóng góp công sức của nhiều người, một hồ sen ngát hương đã hiện diện trong khuôn viên chùa làm nên một tổng thể kiến trúc hài hòa, làm mãn nhãn du khách khi đến tham quan tại đây.

Tăng sinh Thích Giác Hoằng đến từ Tu viện Toàn Giác (Trảng Bom, Đồng Nai) hiện là lớp phó học tập khóa II của trường Trung cấp Phật học tỉnh Bình Dương cho biết: “Thật thú vị khi đến nhập học ở đây thấy có hồ sen thật đẹp. Vị trí hồ sen ngay trước khu tăng xá. Tăng sinh nội trú ở đây vừa gần lớp học, gần nơi sinh hoạt lại có hồ sen để làm nơi nghỉ ngơi, thư giãn. Thường thì buổi chiều, sau giờ công phu, các tăng sinh thường đi dạo quanh hồ. Những đêm trăng sáng, hồ sen ở bên cạnh tượng Phật nhập Niết bàn càng đẹp, thanh tịnh vô cùng...”.

Theo thầy Giác Hoằng, hoa sen tượng trưng cho việc tu hành, giải thoát. Cuộc sống, việc tu tập  của một tăng, ni mang ý nghĩa như sự “xuất thân”, trưởng thành của một đời sen vậy! Việc tu tập giúp cho tăng, ni đi từ khổ đau, đi từ... bụi trần đến giải thoát để nhận ra chân hạnh phúc. Hoa sen, hương sen còn thể hiện ánh đạo giải thoát huyền diệu của Phật giáo nên sen được trồng ở đây thật là hợp tình, hợp cảnh. Trao đổi với người viết, tất cả những tăng, ni sinh đang theo học tại trường Trung cấp Phật học Bình Dương đều cho rằng, việc chọn sen làm quốc hoa là điều rất ý nghĩa, nên làm và họ rất ủng hộ điều này.

Thượng tọa Thích Huệ Thông cũng cho rằng, hoa sen vô cùng gần gũi bởi rất bình dị. Nó không dành riêng cho ai mà từ người giàu có đến bình dân đều có thể thích và trồng hoa sen, thưởng thức sen. Rõ ràng loài hoa này được chọn làm quốc hoa là hợp lý, bởi ở Việt Nam, vùng nào cũng có thể trồng sen được. Hoa sen cũng đi vào văn thơ hội họa từ ngàn xưa. Thượng tọa nói thêm: “Tôi nhớ Bảo Định Giang có bài thơ (nguyên bản) với 4 câu rất hay nói về sen: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ/ Bông sen dành để lễ chùa/ Cụ Hồ mãi mãi tôn thờ trong tâm”. Sản phẩm từ sen còn làm nhiều vị thuốc quý... Sen lại dễ chăm sóc, hết lớp này tàn lại đến lớp hoa khác mọc lên.

Thượng tọa Thích Huệ Thông còn nói về việc mình quyết định đào ao thả sen bên cạnh bức tượng Phật nhập Niết bàn. Để khung cảnh của chùa hài hòa, thanh khiết, trong khuôn viên cần có một hồ sen. Thế là thầy cho đào ao, thả bùn, thả sen. Ban đầu, nhiều người “nghi ngờ” rằng sen sẽ không mọc được ở nơi đất phèn này nhưng không ngờ, sen lại sinh sôi, cho hoa khá nhanh. Trước Tết Nguyên đán Canh Dần (2010), cả hồ sen lác đác vài chiếc lá. Mà là... lá úa, màu nâu chứ không phải màu xanh! Nhiều người buột miệng: “Chắc là thả sen... cho vui chứ hồ này, nước này, đất này làm sao sen sống được?”. Thế rồi xuân đến. Lá sen không úa nữa mà bắt đầu xanh. Nhưng cũng chỉ mới có mấy lá trên mặt hồ nước thấm mùi bùn! Rồi qua tết, những ngày chuẩn bị khánh thành tượng Phật nhập Niết bàn - bức tượng hoàng tráng, dài nhất Việt Nam được ghi sách kỷ lục cho đến thời điểm này, hồ sen vẫn như ẩn mình, như khiêm nhường... Nhưng rồi thật bất ngờ, một sớm mai sen tự vươn mình lên và... tự nở hoa! Không cần ai chú ý. Không cần ai chăm sóc. Sen âm thầm, lặng lẽ, bám bùn đất, lá ken dày cả mặt hồ. Từng nụ hoa vươn lên mặt nước. Từng cánh hoa phớt hồng nở bung và tỏa ngát hương. Trước một hồ sen đẹp, ai cũng trầm trồ thú vị...

Theo thầy Huệ Thông, mở rộng ra, sen có mặt ở các chùa và nên được trồng ở các chùa. Chùa Một Cột ở Hà Nội cũng mang biểu tượng của hoa sen... Với những người theo tư tưởng Phật giáo, sen biểu hiện cho “cư trần bất nhiễm” là sự thanh khiết, là “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Khi ta nhìn ngắm hoa sen sẽ thấy được an nhiên tự tại...

Trong kinh Diệu pháp Liên hoa, hoa sen sánh với các loại hoa khác có 5 điều đặc biệt: 1. Có hoa là có gương (biểu thị nhân quả đồng thời); 2. Mọc trong bùn lầy mà vẫn trong sạch, thơm tho; 3. Cọng hoa từ gốc tách riêng không chung cành với lá; 4. Ong và bướm không bu đậu; 5. Không bị người dùng làm trang điểm (là bởi, xưa, phụ nữ Ấn Độ thường có thói quen dùng hoa kết thành tràng để đeo, đội cho đẹp). Với những điều này, hoa sen trong Phật giáo là biểu tượng của sự thuần khiết và sinh hóa hồn nhiên. Phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh bởi bùn. Còn theo Phật giáo Mật tông, trái tim con người giống như đóa sen hàm tiếu, khi Phật tính phát triển bên trong thì đóa sen sẽ nở. Đây chính là ý nghĩa của việc Phật ngồi trên tòa sen. Sen còn biểu thị nguyên lý âm trong vũ trụ… Bởi thế, hoa sen có mặt từ các công trình Phật giáo đến những cây sen được trồng trong các hồ ở chùa. Hình ảnh hoa sen có mặt ở các tòa sen của các vị chư Phật, chư thần, nâng bước chân Đức Phật khi đản sinh...

Ý nghĩa của hoa sen cũng khác nhau tùy thuộc vào màu hoa: Sen trắng tượng trưng cho sự thuần hóa của nhân tính, bồ đề tâm hay còn gọi là giác tâm, thường có 8 cánh ứng với bát chính đạo. Sen đỏ tượng trưng cho bản chất nguyên thủy của trái tim, là đóa hoa của tình yêu, đam mê và năng động. Sen xanh: biểu tượng của trí tuệ, tri thức của chiến thắng của tinh thần đối với các cảm quan. Sen hồng là loại sen tối thượng, thường được dành cho các vị tối cao, là đóa sen của vị Phật lịch sử. Sen tím thẫm là đóa sen huyền diệu, biểu thị những ảnh tượng của phái Mật tông.

Quỳnh Như

 

Kỳ 3: Về Bến Cát ngắm sen vua

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=873
Quay lên trên