Đội tuyển Việt Nam rất có thể bị FIFA cấm thi đấu khi mới đây Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chuẩn bị đề án củng cố VFF khiến nhiều người băn khoăn và lo ngại về câu chuyện “Điều 17 FIFA”.
Theo đó, Điều 17 Luật FIFA quy định: “Nếu bất cứ Liên đoàn bóng đá nước nào để Chính phủ can thiệp quá sâu vào hoạt động nội bộ sẽ bị cấm tham gia các sự kiện thể thao quốc tế và bị cắt mọi nguồn hỗ trợ về tài chính từ FIFA”. Dù được phổ biến một cách rõ ràng, đồng thời rất nhiều án phạt được FIFA đưa ra, câu chuyện vi phạm Điều 17 trên vẫn đã và đang xảy ra hết sức thường xuyên.
Trong năm 2017, người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới đã chứng kiến những án phạt dành cho hai Liên đoàn bóng đá Mali (FEMAFOOT) và Sudan do vi phạm Điều 17. Vào tháng 3 vừa qua, đội tuyển Mali đã bị cấm thi đấu trên toàn thế giới sau khi Bộ trưởng Bộ Thể thao nước này đã loại bỏ toàn bộ Ban điều hành của FEMAFOOT, đồng thời chỉ định một Ủy ban tạm thời, tạo điều kiện cho cuộc bầu cử Ban điều hành mới diễn ra. Được biết, án phạt đưa ra sau khi FIFA có những cảnh báo về việc FEMAFOOT cần phải chủ động giải quyết được những vấn đề của mình thay vì có sự can thiệp của bên thứ ba. Lệnh cấm Mali thi đấu ở mọi cấp độ sẽ chỉ được dỡ bỏ khi Bộ Thể thao Mali rút lại toàn bộ các quyết định trước đó của mình.
Đội tuyển Việt Nam đứng trước nguy cơ bị cấm thi đấu từ FIFA. Ảnh: HẢI ANH
Sau Mali, đến tháng 6-2017, Liên đoàn bóng đá Sudan (SFA) cũng bị FIFA đưa ra lệnh cấm sau khi Chính phủ nước này đã có tác động trong việc ông Mutasim Gaafar Sir Elkhatim phải nhường ghế Chủ tịch SFA cho ông Abdel Rahman Sir Elkatim. Tuy nhiên, án phạt này cũng chỉ kéo dài khoảng hơn 1 tháng sau khi các bên đã ngồi lại với nhau để tháo gỡ vấn đề.
Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên phải nhận lấy án phạt này. Bóng đá xứ vạn đảo phải thấm thía điều này nhất khi họ từng bị cấm thi đấu hơn 1 năm do Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) vi phạm Điều 17 của FIFA. Chính phủ Indonesia đã đình chỉ hoạt động của PSSI sau khi họ phớt lờ yêu cầu ra lệnh cấm thi đấu hai câu lạc bộ có chủ sở hữu vi phạm những quy định mới của Chính phủ. Điều này khiến FIFA phải đưa ra án phạt vào tháng 6-2015 sau nhiều lần giải quyết tranh cãi nhưng không thành công.
Mãi đến tháng 5-2016, tại Hội nghị FIFA ở Mexico City, Chủ tịch Infantino thông báo với các đại biểu về quyết định kết thúc lệnh cấm đối với bóng đá Indonesia. Theo đó, FIFA thống nhất cho phép Indonesia được trở lại với các giải đấu quốc tế, sau khi Chính phủ nước này đồng ý hủy bỏ nghị định bị FIFA cho là hành động can thiệp không thể chấp nhận được vào hoạt động của PSSI.
Những ví dụ điển hình vừa được kể trên chỉ là một phần rất nhỏ so với số lượng các án phạt mà FIFA đưa ra sau khi nhận thấy sự can thiệp trên mức cần thiết của Chính phủ một quốc gia tới Liên đoàn bóng đá. Đến thời điểm hiện tại, giới chuyên môn và người hâm mộ bóng đá tại Việt Nam vẫn chưa biết VFF sẽ được “chấn chỉnh” như thế nào sau khi Chính phủ gửi công văn yêu cầu tới Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, trên lý thuyết nếu Chính phủ can thiệp quá sâu vào nội bộ của VFF thì viễn cảnh xấu nhất khi đội tuyển Việt Nam bị cấm thi đấu bởi Điều 17 FIFA là có thể xảy ra nếu như mọi chuyện đi quá giới hạn, không thể cứu vãn.
Theo những thông tin trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chuẩn bị đề án củng cố Liên đoàn bóng đá Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2017.
HÙNG CƯỜNG