12 giờ trưa, tiếng chuông điện thoại của Ban chỉ huy Đội xe máy cứu thương tình nguyện (XMCTTN) rung lên từng hồi. Giọng nói gấp gáp của người lạ mặt ở đầu dây bên kia thông báo có vụ tai nạn xảy ra tại đầu dốc Suối Lồ Ồ thuộc ấp Nội Hóa, xã Bình An. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Dĩ An Từ Anh Tuấn nhanh chóng điều phối các thành viên trong đội và có mặt tại hiện trường sau đó chỉ vài phút...
Chứng kiến vụ tai nạn hôm ấy nhiều người có mặt tại hiện trường không khỏi ngỡ ngàng. Điều làm mọi người tò mò không phải ở tính chất nặng, nhẹ của vụ tai nạn mà chính là những chiếc áo trắng tình nguyện của Đội XMCTTN. Họ nhanh chóng đưa nạn nhân vào nơi an toàn và thực hiện quá trình sơ cấp cứu tại chỗ. “Nạn nhân phải nhanh chóng được đưa đi cấp cứu!”, anh Tuấn quả quyết rồi vội vã lấy chiếc xe máy chở nạn nhân vào viện. Tự đóng tiền và thực hiện các quy định liên quan đến người bệnh dù người bị nạn kia hoàn toàn không có quan hệ với anh và thậm chí chưa một lần gặp mặt. “Cứu người là nhiệm vụ cần thiết. Bất kể họ là ai, nếu bị nạn thì chúng tôi sẵn sàng có mặt ứng cứu, chia sẻ và giúp để họ vượt qua khó khăn ban đầu”, anh Tuấn tâm sự.
Được thành lập từ rất lâu, hiện toàn huyện Dĩ An đã hình thành mạng lưới các thành viên tham gia Đội XMCTTN trên khắp các xã; thiết lập 62 chốt sơ cấp cứu được đặt trên các tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông, như: Ngã tư 550, cầu vượt Sóng Thần, ngã tư Tân Vạn, ngã ba Cây Lơn... Để thuận lợi cho việc theo dõi phối hợp giữa các thành viên, cấp đội và các ban ngành liên quan Ban chỉ huy đội đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện quy chế hoạt động. Thường xuyên tổ chức nhiều buổi gặp gỡ trao đổi, sinh hoạt định kỳ theo tháng, huấn luyện kỹ năng sơ cấp cứu. Mỗi tháng một lần các thành viên trong đội được tập hợp về các chốt để thảo luận công việc tình nguyện của mình. Từ những kỹ thuật mềm hỗ trợ quá trình sơ cấp cứu đến thái độ, hành vi ứng xử khi vận chuyển người bị nạn đều được mọi người bàn luận sôi nổi. Người đi trước truyền kinh nghiệm cho người vào sau mọi tình huống mà họ đã từng trải như cách ứng cứu một số tình huống tai nạn giao thông, bảo vệ hiện trường, phối hợp hiệu quả với các thành viên trong nhóm, công an viên để giải quyết vụ việc liên quan đến tai nạn. “Không chỉ làm nhiệm vụ ứng cứu tai nạn đôi khi các thành viên còn trở thành người đỡ sinh bất đắc dĩ cho một số ca sinh nở khẩn cấp hay trở thành người hòa giải cho bà con lối xóm”, một thành viên trong đội cho hay.
Do đội hoạt động phụ thuộc vào Quỹ nhân đạo nên các trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu thương còn nhiều hạn chế. Một số dụng cụ thiết yếu như áo, mũ, cờ, lô gô, túi, cáng cứu thương, tủ thuốc và dụng cụ y tế được trang bị đầy đủ. Thành viên của đội chủ yếu dân nhập cư ngoài tỉnh nên số lượng tình nguyện viên gắn bó lâu dài chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi điều kiện hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm tai nạn của Ban An toàn giao thông đối với các tình nguyện viên là 2 năm khiến cho hoạt động của đội gặp không ít khó khăn. Vì vậy các cấp, ngành liên quan cần có chính sách hỗ trợ cho các thành viên trong đội để họ yên tâm tham gia công tác xã hội và gắn bó lâu dài với đội”, Anh Tuấn cho biết.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng với tấm lòng nhân ái “Thương người như thể thương thân” các thành viên trong đội đã để lại nhiều ấn tượng đẹp với các hành khách và người dân địa phương. Nhiều thân nhân, gia đình người bị nạn đã đến cảm ơn, hậu tạ về nghĩa cử cao đẹp của các anh. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm đội đã thực hiện sơ cứu cho 99 lượt người bị nạn, chuyển bệnh viện 42 trường hợp với tổng giá trị hàng triệu đồng. Ngoài công tác ứng cứu, trợ giúp nạn nhân các thành viên trong đội còn tham gia nhiều hoạt động khác như hiến máu nhân đạo, tham gia ngày lao động công ích để sửa nhà tình thương, làm đường giao thông nông thôn...
KIM HÀ