Đờn ca tài tử - Gìn giữ và phát triển trên đất Bình Dương

Cập nhật: 06-09-2016 | 08:02:32

Đờn ca tài tử (ĐCTT) luôn có sức hút mãnh liệt đối với người dân Nam bộ. Bao thế hệ đã và đang xem ĐCTT như là món ăn tinh thần không thể thiếu và luôn nâng nó lên tầm của sự hào sảng trong cảm xúc mộc mạc, đầm ấm, chân tình của người Nam bộ. Cũng bị cuốn hút bởi những giai điệu chân phương, mộc mạc, gần gũi nhưng không kém phần ngọt ngào và tinh tế của ĐCTT, chúng tôi đã tìm đến với những người đang góp sức mình vào việc bảo vệ, phát triển và trao truyền bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Giữ mãi sự hào sảng

Không ít nghệ sĩ đã nói với tôi rằng: “Cuộc sống này mà không có ĐCTT thì kém thú vị đi. Một ngày không có ĐCTT thì ăn cơm không thấy ngon”. Chính tình yêu mãnh liệt của những con người như thế đã thôi thúc tôi tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật dân tộc này.

Nghệ thuật ĐCTT lan tỏa tình yêu thương trong đời sống hàng ngày của những người con đất Thủ

Trong hành trình tác nghiệp, kẻ “ngoại đạo” như tôi phải thành thực thừa nhận là mình khá “mù mờ” về những “Hò, xự, xàng, xê, cống…và 20 bản tổ với: 7 bài lễ, 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán… trong ĐCTT”. Tuy nhiên, tham dự những buổi sinh hoạt của các anh, chị tại những câu lạc bộ (CLB) ĐCTT trên khắp các huyện, thị, thành phố của tỉnh, trái tim tôi vẫn không ngừng bị thổn thức, bị chinh phục bởi sự mượt mà trong những lời ca mộc mạc nhưng lại rất đỗi sâu sắc và tinh tế.

ĐCTT là bộ môn nghệ thuật vừa mang tính dân gian, nhưng cũng lại vừa mang tính bác học. Dân gian thể hiện rõ sức lan tỏa trong đời sống nhân dân, bác học là ở sự sâu rộng của các bài bản lớn. Cái hay của ĐCTT còn ở chỗ tính không rập khuôn của nó, cả người đờn, người ca thoải mái thêm thắt, điểm tô để lời ca thêm hương vị, thêm đậm đà. Ở đây, chúng tôi chưa đi sâu vào tính bác học của bộ môn ĐCTT, mà chỉ tìm hiểu đến sức lan tỏa mãnh liệt của nó.

Hiện tại trên khắp 9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Bình Dương đều có những CLB ĐCTT hoạt động bài bản. Mới đây, CLB ĐCTT TP.Thủ Dầu Một đã ra mắt địa điểm sinh hoạt mới “hoành tráng” tại quán cà phê Trường Sa, nhằm mang lại một không gian sinh hoạt ổn định, chuyên nghiệp cho anh chị em nghệ sĩ và cả những quần chúng yêu ĐCTT. Ngược về TX.Tân Uyên, ngoài CLB ĐCTT chính thức của thị xã, chúng tôi còn được dịp thưởng thức những bản hòa ca điêu luyện của các nghệ nhân và những bạn trẻ mê ĐCTT, tham gia giao lưu tại CLB ĐCTT Tấn Xuân. NSƯT Tấn Xuân, cho biết: “Hữu xạ tự nhiên hương và những người bạn từ khắp nơi khi đã hiểu được nhau qua lời ca, tiếng đàn sẽ đến với nhau không quãng ngại sự cách trở của địa lý, tuổi tác…”.

CLB ĐCTT huyện Dầu Tiếng thường xuyên tổ chức hội thi để nghệ thuật ĐCTT được gìn giữ và phát triển

Còn tại huyện Dầu Tiếng, có đến 9 CLB ở 9/12 xã của huyện đang hoạt động thường xuyên, bài bản, một phần là vì niềm đam mê cá nhân của người thực hành và một phần là vì khát vọng muốn được hun đúc, gìn giữ và trao truyền cái hay, cái đẹp, cái tình trong ĐCTT cho các thế hệ sau. Có những CLB có hơn 30 thành viên tham gia. Không phân biệt tuổi tác, giới tính nghề nghiệp hay thành phần xã hội, miễn ai có năng khiếu, có tình yêu dành cho đờn ca đều được chào đón. Có những người phải lặn lội hàng chục cây số để tham dự các buổi sinh hoạt của CLB vào một tối cố định trong tuần. Tôi thật sự khâm phục khi biết rằng rất nhiều anh chị bắt đầu công việc của một ngày mới vào lúc 1, 2 giờ sáng của một công nhân cạo mủ. Nhưng họ vẫn nhiệt tình hát hò đến tận 22, 23 giờ mới chia tay nhau với lời hẹn tái ngộ vào buổi sinh hoạt lần sau. Điều đó lý giải phần nào cho sức lôi cuốn mãnh liệt của nghệ thuật ĐCTT.

Kế thừa và trăn trở

Những người đam mê, tâm huyết với nghệ thuật ĐCTT, luôn mong muốn có được đội ngũ kế thừa để tiếp tục gìn giữ và phát triển nó trong tương lai. Chúng tôi theo chân hai cha con Phúc Anh và Hồng Anh trong những cuộc giao lưu ĐCTT. Sinh ra ở xứ dừa (Bến Tre), anh Phúc Anh đang lập nghiệp tại TP.Hồ Chí Minh và ĐCTT đã đưa anh “đầu quân” về CLB ĐCTT của TX.Thuận An. Lan tỏa tình yêu ĐCTT sang cho cả con gái, vậy là cả hai cha con Phúc Anh - Hồng Anh đang cùng đứng chung một sân khấu và đó cũng hạnh phúc lớn nhất của gia đình anh hiện nay. Phúc Anh chia sẻ: “Ngày xưa, câu ca dao của bà, của mẹ bên nôi đã dần ngấm vào máu thịt để ta thêm yêu chính quê hương của mình. Những làn điệu mượt mà của ĐCTT cũng nhắc nhở chúng ta yêu hơn nơi mình sinh ra, lớn lên. Tôi đã dạy con tôi trưởng thành cũng bằng sự mượt mà, nhẹ nhàng, nhưng tinh tế và sâu sắc của những làn điệu ĐCTT”.

Còn tại CLB ĐCTT TP.Thủ Dầu Một, ngày càng nhiều những thành viên nhí, các bạn trẻ tìm đến và tham gia những buổi sinh hoạt của CLB. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng về khả năng phát triển của bộ môn nghệ thuật dân tộc này trong tương lai.

Tuy nhiên, những trường hợp như CLB ĐCTT TP.Thủ Dầu Một không có nhiều. Thực tế là lực lượng kế thừa ĐCTT đang ít đi. Hiện tại, ở hầu hết các CLB, các nhóm chơi tài tử, thành viên tham gia sinh hoạt đa phần là người lớn tuổi. Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Trung tâm VH-TT TX.Bến Cát cho biết: “Những năm gần đây, chúng tôi tổ chức nhiều sân chơi dành cho tài tử cải lương, bao giờ cũng có những giải thưởng động viên, khích lệ dành cho các bạn trẻ. Tuy nhiên, vẫn rất khó tìm được các bạn trẻ cùng tham gia sinh hoạt. Đó là trăn trở, băn khoăn của chúng tôi trong việc gìn giữ và phát triển ĐCTT trên đất Bình Dương...”. Bà Lê Trần Phương Thảo hiện là Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện Dầu Tiếng. Hiện cả mẹ và em trai của Thảo đều tham gia và là những thành viên nòng cốt trong CLB. Đó cũng là động lực để chị Thảo tiếp tục dẫn dắt CLB. Hôm chúng tôi tìm đến, chị Thảo tâm sự: “Tôi và các thành viên trong CLB đã “mất ăn, mất ngủ” cả tháng nay để chuẩn bị chương trình, đại diện tỉnh tham gia liên hoan ĐCTT tổ chức tại Bạc Liêu vào tháng 9 này. Chúng tôi đang chuẩn bị bài vọng cổ nhịp 4 “Ơn thầy” với lời mới bằng cả tâm tư, tình cảm dành tặng cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu…”. Nhân dịp gặp gỡ này, chị Thảo cũng chia sẻ nỗi trăn trở của mình về lực lượng kế thừa ĐCTT, về sự vắng bóng của người trẻ trong sân chơi này. Chị Phương Thảo nói: “Chúng tôi rất mong muốn bộ môn ĐCTT được đưa vào giảng dạy tại các trường tiểu học. Có thể bắt đầu bằng những điệu lý, những bài bản nhỏ tươi vui để các em tìm hiểu, làm quen với nghệ thuật ĐCTT. Chúng tôi sẵn sàng tham gia truyền lửa cho các em để ĐCTT được gìn giữ, phát triển…”.

Vừa qua, tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT ở tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2016- 2020”. Đây là một tin vui cho cộng đồng tham gia thực hành và sáng tạo nghệ thuật ĐCTT trên địa bàn tỉnh. Đề án xác định những mục tiêu cụ thể gồm: Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân có nhiều dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; từng bước nâng cao chất lượng và phát triển phong trào ĐCTT ở các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và phục vụ khách tham quan du lịch trong và ngoài nước; nâng cao năng lực, nhận thức của cán bộ công tác văn hóa, cán bộ các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng, xã hội về công tác bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT; tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật ĐCTT trên các phương tiện truyền thống đại chúng…

Ông Nhan Văn Thanh, xã Long Hòa, huyện Dầu Tiếng nói: “Chúng tôi đã và đang chơi bộ môn này bằng niềm đam mê và sự nghiêm túc của bản thân. Nếu như tỉnh có sự hỗ trợ dành cho chúng tôi thì chắc chắn đây là tin vui, là tín hiệu đáng mừng cho sân khấu ĐCTT…”.

Ông Lê Phan Thuần, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh nói: “Để ĐCTT được gìn giữ và phát triển đúng chất của nó, trên cơ sở đề án bảo tồn và phát triển đã được duyệt, chúng tôi sẽ nhanh chóng có kế hoạch cụ thể ở từng ngành, từng đơn vị có chương trình làm việc riêng nhằm hỗ trợ hết mình cho ĐCTT được phát triển…”.

 

SONG ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=903
Quay lên trên