Bài 2: Ông Cao Văn Lầu và những giai thoại
Trong chuyến công tác tại Bạc Liêu, phóng viên Báo Bình Dương may mắn được gặp nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận, người có thể được xem là “chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về đờn ca tài tử (ĐCTT) Bạc Liêu và Nam bộ”. Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận đã khái quát rằng: Nhạc sĩ Cao Văn Lầu có cuộc đời thật kỳ lạ, có những chuyện đã trở thành giai thoại lưu truyền. Nhìn về quá khứ, nhớ về những người có công rất lớn trong việc đặt nền tảng cho ĐCTT cũng là cách để chúng ta biết ơn cội nguồn văn hóa nghệ thuật của dân tộc…
Tuổi thơ đầy cơ cực
Trong căn phòng ấm cúng tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận chia sẻ cùng chúng tôi rất nhiều thông tin quý giá về nhạc sĩ Cao Văn Lầu (sinh ngày 22-12- 1892, nhằm ngày mùng 4 tháng 11 năm Nhâm Thìn, mất năm 1976 - Bính Thìn) tại xóm Rạch Cây Cui, thôn Thuận Lễ, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông Cao Văn Lầu có tuổi thơ hết sức cơ cực, vất vả và cũng rất đặc biệt. Từ năm 4 tuổi, ông Cao Văn Lầu đã theo cha là ông Cao Văn Giỏi (ông Chín Giỏi) rời mảnh đất Long An đi tha phương cầu thực, khai khẩn đất hoang làm ruộng. Sau 2 lần bị bọn địa chủ cướp trắng gần 60 công đất khai khẩn được tại vùng Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang) và Họng Chàng Bè (huyện Giá Rai, Bạc Liêu), gia đình ông Chín Giỏi quyết định từ giã nghiệp cấy cày mà dọn về chợ Bạc Liêu để tìm kế sinh nhai. May được một người tốt bụng là Hương Sư Chơn ở làng Vĩnh Lợi, tổng Thạnh Hóa cho cất một căn chòi để ở trên đất công điền của gần chùa Vĩnh Phước An (nay thuộc phường 2, thành phố Bạc Liêu, theo chỉ dẫn của nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận với người viết thì chỉ cách khoảng 400m so với Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngày nay). Đây cũng là ngôi chùa có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời, cũng như sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sau này.
Bức tượng nhạc sĩ Cao Văn Lầu bằng silicon được trưng bày tại Khu lưu niệm ĐCTT Nam bộ và Cao Văn Lầu tại TP.Bạc Liêu
Nhà nghiên cứu Trần Đức Thuận nói tiếp: Do hoàn cảnh gia đình quá nghèo túng, gia đình ông Chín Giỏi đành để cho ông Cao Văn Lầu vào làm chú tiểu tại chùa Phước Vĩnh An. Ban ngày tụng niệm kinh kệ, ban đêm học chữ Nôm, chữ Hán. 3 năm sau, ông Cao Văn Lầu được cha đón về để học chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, do cha bị mất sức lao động nên cậu bé Cao Văn Lầu đành bỏ học nửa chừng ở năm thứ ba của bậc tiểu học. 15 tuổi, Cao Văn Lầu đã trở thành trụ cột của gia đình, lo tất cả việc trong việc ngoài, nhất là chuyện đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi cha mẹ.
Lúc bấy giờ ở Bạc Liêu có thầy đờn nổi tiếng tên là Lê Tài Khí, mọi người thường gọi là Hai Khị hoặc Nhạc Khị. Nhạc sư này mù cả 2 mắt và có tật một chân, nhưng trong cái thân thể khuyết tật này lại tiềm ẩn tài năng hiếm có. Nghề đờn của ông có thể nói là có một không hai ở đất Bạc Liêu nên xin cha đến theo học. Năm 1908, lúc 16 tuổi, ông Chín Giỏi dắt con trai Cao Văn Lầu đến nhà Nhạc Khị xin thụ nghiệp và nhờ tư chất thông minh, siêng năng và kiến thức từ những năm học chữ Nho, chữ Quốc ngữ nên Cao Văn Lầu học hành tiến bộ vượt bậc. Chẳng mấy chốc mà tài nghệ của ông Cao Văn Lầu vượt bậc nhiều người đi trước và không bao lâu Cao Văn Lầu đã trở thành nhạc công nòng cốt của ban cổ nhạc của nhạc sư”.
Theo tài liệu ghi chép của ông Cao Văn Bỉnh, là con trai của ông Cao Văn Lầu, lúc đó ông Sáu Lầu được nhạc sư tín nhiệm trao quyền thay ông chỉ huy Ban Nhạc Lễ đầu tiên của Bạc Liêu và cũng là lớn nhất địa phương này. Trong quá trình theo học tại đây, ông Cao Văn Lầu và cô Hai Sang, là con gái lớn của nhạc sư Hai Khị đã nảy nở tình cảm sâu đậm. Đây cũng là khởi đầu cho câu chuyện tình ngang trái, hết sức cảm động, đã đi vào lịch sử của ĐCTT Bạc Liêu và Nam bộ sau này.
Ai cũng nghĩ mối tình của chàng học trò tài hoa và cô con gái rượu của nhạc sư Hai Khị sẽ có kết thúc như mơ. Tuy nhiên, theo quan niệm của người xưa, cha mẹ cho rằng tuổi của ông Cao Văn Lầu và cô Hai Sang là xung khắc nên việc hôn nhân của 2 người bị từ chối. Giai thoại kể lại rằng, mặc dù biết vậy nhưng cô Hai Sang vẫn im lặng chờ đợi đến gần 2 năm sau mới lấy chồng theo lệnh của người lớn. Trong ngày đám cưới, ông Cao Văn Lầu dù được mời nhưng không đến. Vậy mà, ông Cao Văn Lầu vẫn bị bạn bè và người mộ điệu đến tận nhà đưa đến tiệc cưới để biểu diễn, cho dù ông chưa kịp thay trang phục tươm tất. Chiếc áo bà ba trắng rách vai của ông mặc đến tiệc vu quy, vắt trên thành ghế tựa khi biểu diễn đã được cô Hai Sang bí mật vá lại tươm tất, đẹp đẽ mà chủ nhân cũng không hay. Mãi sau này dò hỏi mới biết là đó nghĩa cử của người yêu không thành thực hiện khiến ông rất xúc động. Đó cũng là chất liệu để ông viết thành bản ngắn “Chiếc áo rách vai” với sự ngẫu hứng dâng trào.
Duyên nghiệp và những giai thoại
Năm 1913, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Cao Văn Lầu vâng lệnh cha mẹ đi cưới vợ. Đó là cô Trần Thị Tấn, một cô gái nết na, hiền lành ở điền Tư Ô (Chung Bá Khánh) gần đấy. Đáng chú ý là người vợ hiền thục, đẹp người đẹp nết này lại không thể có thai sau 3 năm chung sống, phạm vào tội “thất xuất” theo quan niệm phong kiến, nên đành phải bị trả về nhà bố mẹ đẻ. Ông Cao Văn Lầu dù rất thương vợ, nhưng vì chữ hiếu đành phải ngậm ngùi chịu rẽ thúy chia loan với người bạn đời. Không kiềm chế được nhớ thương, hai người đã bí mật hò hẹn nhau. Mặc dù chỉ gặp nhau lén lút sau chùa Bà Vãi (nay thuộc địa bàn khu dân cư phường 5, thành phố Bạc Liêu), nhưng những lần gặp gỡ vội vã này đã mang lại kết quả bất ngờ vượt trên sự nguyện ước của cả 2 người. Khoảng nửa năm sau, người vợ trẻ lại báo tin đã có thai và được gia đình chồng đồng ý cho trở lại sống chung với ông Cao Văn Lầu. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, 2 người có với nhau 7 người con (5 trai và 2 gái) nên Sáu Lầu hoạt động văn nghệ tích cực hơn. Ông sáng tác thêm được 10 bản nữa nhưng đa số chỉ lưu hành ở Bạc Liêu, chỉ riêng bài Dạ cổ hoài lang được phát triển thành bản vọng cổ làm thay đổi một phần lớn bộ mặt cải lương.
Ông Nguyễn Vũ, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Bạc Liêu kể cho chúng tôi nghe chi tiết thú vị ít người biết: “Gia đình ông Cao Văn Lầu sớm giác ngộ cách mạng, 4 người con trai của ông đều tham gia bộ đội, riêng con trai cả, là Cao Kiến Thiết, từng là Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ. Bản thân ông Cao Văn Lầu cũng là một người hết lòng với cách mạng, năm 1947 đã tham gia sứ mạng giải cứu thành công 6 cán bộ Việt Minh ra khỏi nhà tù thực dân Pháp tại địa phương. Ông Trần Văn Sớm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu có nói rằng: “…Những đồng chí được thoát hiểm năm ấy không hề biết đến nguyên nhân sâu xa việc mình được cứu thoát, càng không biết đến sự đóng góp thầm lặng của bác Sáu Lầu…”.
Bài 3: Bản Dạ cổ hoài lang và những điều chưa biết
CHÍ THANH