Đờn ca tài tử Nam Bộ: Phác họa những chặng đường

Cập nhật: 05-12-2017 | 09:19:46

Trong quá trình khẩn hoang và hình thành vùng đất Nam Bộ, người dân nơi đây đã sáng tạo một dòng âm nhạc vô cùng độc đáo, đó là nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT). Cho đến hôm nay, di sản văn hóa tinh thần này vẫn gắn bó mật thiết với đời sống người dân miền Nam. Nhân kỷ niệm 4 năm ngày tổ chức UNESCO công nhận ĐCTT là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5.12.2013 - 5.12.2017), Báo Bình Dương gởi đến quý độc giả bài viết về những chặng đường phát triển của di sản nghệ thuật độc đáo này.


Đờn ca tài tử trong vườn cây ăn trái

Giai đoạn trước năm 1906

Lần theo những tư liệu của các nhà nghiên cứu, có thể biết rằng, kể từ nửa cuối thế kỷ XIX tới 1906 là giai đoạn hình thành và chính thức ra mắt tên gọi “ĐCTT” ở Nam Bộ. Đặc điểm của giai đoạn này được phản ánh rõ qua hai thời kỳ đó là tiếp thu, kế thừa âm nhạc đờn ca Huế, nhạc vùng Ngũ Quảng do cha con nghệ nhân Nguyễn Liêng Phong (nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam thời Pháp thuộc), Nguyễn Tùng Bá (tức Tư Bá, giỏi nghề đờn kìm, đờn tranh)… truyền dạy và Nhạc lễ dân gian Nam bộ.

Giai đoạn từ 1906 đến 1945

Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho di sản ĐCTT ở giai đoạn này là ban nhạc của ông Nguyễn Tống Triều (tức Tư Triều) ở Mỹ Tho - Tiền Giang được mời sang Pháp trình diễn tại Hội đấu xảo cho các nước thuộc địa tổ chức ở thành phố cảng Marseille từ ngày 15-4 đến 15-11-1906. Ban nhạc của ông Tư Triều được nhà tổ chức đưa lên sân khấu trình diễn. Khi về Việt Nam, ông đã thay đổi phong cách trình diễn bằng cách đưa nhạc tài tử lên sân khấu có kèm điệu bộ, tạo ra hình thức ca ra bộ (cơ sở hình thành sân khấu cải lương) được tồn tại cho đến nay. Thời điểm này, nhạc tài tử hình thành hơi Oán - điệu thức đặc thù được sáng tạo ngay trên quê hương miền Nam và xuất hiện nhiều ban, nhóm nhạc tài tử tiếng tăm khắp vùng Nam bộ như: Nhóm cổ nhạc miền Đông do cố NNDG Nguyễn Quang Đại (tức cụ Ba Đợi) đứng đầu; nhóm tài tử miền Tây do cụ Trần Quan Qườn (còn gọi là Kinh Lịch Qườn) làm trưởng nhóm; nhóm cổ nhạc Bạc Liêu do nhạc sư Lê Tài Khí (tức Nhạc Khị) đảm trách; ban nhạc tài tử của cụ Sư Dung ở đất Thủ - Bình Dương… chẳng hạn. Một số nhạc cụ du nhập từ phương Tây cũng xuất hiện trong dàn nhạc tài tử như: Mandoline, Violon, Guitare Hawienne (còn gọi là đàn Hạ Uy Di, Hạ Uy Cầm), Guitare espagnole… Ngoài ra, bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu được phát triển thành bản vọng cổ (với các loại nhịp: 2, 4, 8, 16 và 32) - làn điệu “vua” trong nhạc mục tài tử - cải lương.

Giai đoạn từ 1945 -1975

Khắp làng quê Nam bộ, các ban, nhóm ĐCTT hoạt động sôi nổi nhằm phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, cũng như thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần động viên tinh thần nhân dân tham gia kháng chiến. Đây là giai đoạn mà rất nhiều đoàn Cải lương chuyên nghiệp được thành lập cùng một số đoàn Văn công Giải phóng ở các tỉnh như: Bình Dương, Cà Mau… chuyên phục vụ đồng bào, chiến sĩ khắp vùng Nam bộ cho đến khi nước nhà thống nhất. Nhạc tài tử miền Nam bắt đầu ghi chép có hệ thống và đưa vào giảng dạy ở trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh). 20 bài bản Tổ được ký âm theo nốt nhạc phương Tây, do các nhà nghiên cứu, các nhạc sư, nghệ nhân lúc bấy giờ góp công thực hiện.

Giai đoạn từ 1975 đến nay

Không chỉ là công cụ tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ĐCTT còn được các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương (trong đó có Đài PT-TH Bình Dương) tổ chức nhiều cuộc liên hoan, hội thi từ cấp cơ sở đến cấp khu vực và toàn quốc; cũng như thực hiện nhiều chương trình ca nhạc tài tử - cải lương phát sóng định kỳ (tường thuật hoặc trực tiếp) phục vụ khán - thính giả trên khắp mọi miền Tổ quốc. Ngày nay, với mục đích bảo tồn và phát triển, rất nhiều ban nhóm, câu lạc bộ ĐCTT được thành lập. Ngoài đất Nam bộ, nhạc tài tử còn phát triển ra tận miền Bắc, miền Trung. Thậm chí còn lan tỏa ra nước ngoài thông qua con đường ngoại giao, giao lưu văn hóa với bạn bè thế giới.

Những điều ghi chép trên đây chỉ là phác họa sơ nét về những chặng đường quan trọng của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, hy vọng người đọc có thể hình dung được phần nào quá trình hình thành và phát triển của di sản đặc thù quê hương Nam bộ.

THẠC SĨ PHẠM THÁI BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3147
Quay lên trên