Đờn ca tài tử trong đời sống người dân

Cập nhật: 27-03-2017 | 10:14:09

Đờn ca tài tử (ĐCTT) đã có mặt tại Bình Dương hơn 100 năm nay v à sức sống mãnh liệt của nó đang được thể hiện rõ nét trên nhiều phương diện xã hội. Loại hình n ghệ thuật này hầu như có mặt tr ong mọi dịp lễ hội, các sự kiện quan trọng tr ong đời sống hàng ngày như đám cưới, đám hỏi, tang gia hay chỉ là những khoảng thời gian nhàn rỗi. Dù ở cấp độ nào, ĐC TT vẫn thể hiện được giá trị, tinh thần đặc trưng không thể pha lẫn.

Mô hình biểu diễn ĐCTT trong đời sống sinh hoạt người dân của Bình Dương xưa tại Nhà truyền thống Dĩ An

Nhu cầu quan trọng

Quay ngược về quá khứ, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Tấn Xuân (TX.Tân Uyên), kể rằng ông được nghe ông bà, ba mẹ kể lại, trong giai đoạn sơ khai của công cuộc khai phá đất đai, người dân chân lấm tay bùn cần lắm một vài thể loại nghệ thuật để làm vui cho đời sống. Và, ĐCTT là một trong số ít những loại hình nghệ thuật có mặt lúc đó. Do đó, mọi người biết, yêu ĐCTT như là lẽ đương nhiên. Trầm ngâm một hồi, NNƯT Tấn Xuân nói tiếp, có lẽ khi con người đối mặt với bao la, bát ngát của thiên nhiên thì khó mà kìm được cảm xúc, họ bất chợt trở thành những người nghệ sĩ, ca lên những tiếng hát của tâm hồn, hòa mình vào muôn trùng sóng nước. Lời ca lúc đó đi cùng với nhịp mái chèo, vung cao nhát cuốc, hòa vào làn sóng nước mênh mông. Và cứ thế thời gian trôi đi, lời ca tiếng hát vẫn mãi theo bước chân người đi khai hoang mở cõi. Ca riết, nghe riết đâm ghiền, cũng từ đó, ĐCTT đi vào tâm hồn người dân Bình Dương một cách tự nhiên, bền bỉ đến lạ thường.

Thời nay, thời buổi của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin bùng nổ, kéo theo đó là sự giao lưu, hội nhập văn hóa diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Lúc này, người dân không mất công tìm đến “nghệ thuật” mà “nghệ thuật” đang tìm đến từng nhà, từng người. Song, vượt lên tất cả ĐCTT vẫn chứng tỏ được giá trị đích thực của mình. Việc ra đời của 71 câu lạc bộ ĐCTT với gần 1.000 hội viên tham gia là một minh chứng xác thực cho vai trò của nó trong đời sống tinh thần của người dân Bình Dương. Đó là điều các nghệ nhân gạo cội khẳng định với chúng tôi.

Là tiếng nói tâm hồn

Trong một bài nghiên cứu của thạc sĩ Tống Phương - Đức Thuận, thành viên Hội Khoa học lịch sử Bình Dương có viết: “Quả thực không ngoa khi nói rằng, ĐCTT là tiếng nói của tâm hồn người dân Bình Dương cũng như người dân Nam bộ. Đó là tiếng của tình mẫu tử, tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, sự ca ngợi công đức sinh thành, ngợi ca các bậc hiền tài đã góp công cho dân, cho nước. Không biết rằng con đường nào mà từ một loại âm nhạc cung đình người ta lại có thể biến nó trở nên đa dạng và phong phú đến vậy”.

Cũng từ nghiên cứu đó mà chúng tôi, những người đang trên con đường tìm hiểu ĐCTT không chỉ nghe mà còn suy ngẫm lời ca chất chứa tiếng nói tâm hồn của người ca tại các buổi liên hoan, hay đơn thuần là buổi sinh hoạt CLB. Cũng từ đó càng cảm nhận sâu sắc cái tình, cái tâm của mỗi tài tử ca gửi vào âm nhạc. Giải thích về lời ca trong mỗi bản tài tử, NNƯT Cao Thị Thắng (TX.Dĩ An) cho biết, nếu thể hiện tình yêu bao la cho những đứa con của mình thì có những bản viết theo điệu thức Nam xuân nghe thật tình cảm, ngọt ngào. Các đôi trai gái yêu nhau thì thường dùng điệu lý để bày tỏ tình cảm của mình. Lý là bộ đầu tiên trong hệ thống bài bản tài tử, có rất nhiều điệu lý như Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý giao duyên… Thể hiện không khí hào hùng, trang nghiêm với 7 bài lớn: Long đăng, Long ngâm, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Vạn giá, Tiểu khúc, Xàng xê. Với những thể thức này, soạn giả thường dùng viết về các đề tài lịch sử như ca ngợi các bậc anh hào đã có công với quê hương, đất nước, ca ngợi các anh hùng liệt sĩ, ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Muốn giải bày tâm can, người ca lại sử dụng điệu oán. Khi nghe điệu oán làm cho “héo tim gan, đứt từng khúc ruột” mới thể hiện được cung bậc đau xót của cõi lòng khi phải xa cách, nhớ nhung, phải mất đi người yêu quý hay phải lâm vào những hoàn cảnh khốn cùng, bi đát…

Hiện nay, khi Festival ĐCTT Quốc gia lần thứ II được tổ chức tại Bình Dương đang đến gần, thể hiện niềm vui đó những người mộ điệu lại chọn cho mình những bản Bắc. Bản Bắc thuộc hơi Bắc mang điệu nhạc vui tươi. NNƯT Tấn Xuân nói: “ĐCTT là tiếng nói tâm hồn, giờ đây tâm hồn chúng tôi đang rất vui, hạnh phúc chờ đón ngày khai mạc Festival để được gặp gỡ, giao lưu ca hát. Cũng từ ngày hội đó sẽ là bước đệm để ĐCTT tiếp tục được “chắp cánh” bay cao, bay xa hơn. Do đó, những bản Bắc là lựa chọn đầu tiên tại các buổi liên hoan, giao lưu mà chúng tôi tham gia”.

Cũng chính vì xem ĐCTT là tiếng nói tâm hồn mà người dân Bình Dương, nhất là những gạo cội luôn nỗ lực gìn giữ, phát huy. Nhiều câu lạc bộ ĐCTT gia đình luôn xem môn nghệ thật này như một niềm kiêu hãnh, một thứ tài sản quý giá.

 

 T.LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=876
Quay lên trên