Thời gian qua, đồn Công an Khu công nghiệp VSIP (TP.Thuận An) đã phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội đến công nhân lao động, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy,” tín dụng đen”, tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Đồn Công an VSIP thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm đến công nhân lao động
Nâng cao nhận thức pháp luật
Thực hiện kế hoạch phối hợp xây dựng mô hình “Công nhân 5 không”, thời gian qua, đồn Công an Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) đã tăng cường phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền phòng, chống tội phạm đến công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp ở KCN VSIP I.
Tại các buổi tuyên truyền, hàng trăm công nhân đã được đại diện đồn Công an VSIP thông tin về việc triển khai thực hiện mô hình “Công nhân 5 không” với 5 tiêu chí cụ thể, gồm: Không tội phạm, tệ nạn xã hội; không vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị; không để xảy ra cháy nổ tại nhà máy, xưởng sản xuất; không mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí - công cụ hỗ trợ, pháo nổ trái phép; không mâu thuẫn, đánh nhau, cố ý gây thương tích trong lao động sản xuất. Đồng thời, báo cáo viên đơn vị cũng cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trong thời gian gần đây, như: Tội phạm về ma túy, trộm cắp, cố ý gây thương tích, mua bán, tàng trữ vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo nổ trái phép; đặc biệt là tình trạng lừa đảo trên không gian mạng... Tại các buổi tuyên truyền, công nhân lao động bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tội phạm sử dụng công nghệ cao đang hoạt động ngày một tinh vi, phức tạp.
Cũng trong khuôn khổ các buổi tuyên truyền, cán bộ đồn Công an VSIP còn thông tin về cách phòng chống tệ nạn xã hội, trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội cũng như cách nhận biết và phòng tránh “tín dụng đen”. Qua đó giúp công nhân lao động nhận biết được những phương thức, thủ đoạn của hoạt động “tín dụng đen” để từ đó nâng cao cảnh giác và tích cực tố giác, không để “tín dụng đen” xâm nhập, tiếp cận đời sống của công nhân, người lao động.
Ông Võ Thanh Phong, Đội trưởng Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự (ANTT) Công ty Showa Gloves Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, Công ty Showa Gloves Việt Nam và đồn Công an VSIP đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức phòng, chống các loại tội phạm cho công nhân lao động. Qua việc phối hợp giữa công ty và đồn Công an VSIP, hiệu quả của việc tuyên truyền pháp luật ngày càng được nâng cao, rất thiết thực với công nhân”.
Phát huy tính tự phòng, tự quản
Không chỉ tuyên truyền pháp luật cho công nhân, thời gian qua, đồn Công an VSIP thường xuyên chủđộng kết hợp với các đội nghiệp vụ, lực lượng bảo vệKCN tuần tra vũtrang. Cũng theo ông Võ Thanh Phong, sắp tới Công ty Showa Gloves Việt Nam sẽ phối hợp với lực lượng đồn Công an VSIP tổ chức tuần tra trong nhà máy. Riêng mô hình “Công nhân 5 không” đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ gìn ANTT, tạo môi trường làm việc lành mạnh, góp phần tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các KCN.
Từ khi triển khai xây dựng mô hình “Công nhân 5 không” trong doanh nghiệp đã góp phần nâng cao nhận thức của công nhân về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mô hình đi vào hoạt động đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về công tác bảo đảm ANTT. Số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong doanh nghiệp giảm đáng kể, ý thức tự phòng, tự quản của công nhân lao động ngày càng nâng cao.
Trung tá Nguyễn Tiến Thiện, Trưởng đồn Công an VSIP, cho biết nắm bắt được diễn biến phức tạp của tội phạm trong thời gian gần đây nên đồn Công an VSIP đã chọn một số công ty trong KCN Việt Hương, VSIP tổ chức tuyên truyền, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các buổi tuyên truyền nhằm vận động công nhân lao động nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng chống tội phạm. Qua công tác tuyên truyền, đa sốcông nhân cósựchuyển biến vềnhận thức vànâng cao ýthức chấp hành pháp luật, góp phần bảo đảm an toàn giao thông, ANTT, an toàn xãhội trên địa bàn, nhờ đó số vụ việc công nhân bị lừa đảo trên không gian mạng đã giảm nhiều. Ngoài ra, các buổi tuyên truyền pháp luật còn phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác của người lao động trong công tác tự phòng, tự quản góp phần giữ gìn ANTT trong công ty, nhà máy, xí nghiệp nói riêng và KCN nói chung.
Mô hình “Công nhân 5 không” đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về công tác bảo đảm ANTT. Số vụ phạm pháp hình sự xảy ra trong doanh nghiệp đã giảm đáng kể, ý thức tự phòng, tự quản của công nhân lao động ngày càng nâng cao. |
TÂM TRANG