Đòn phủ đầu Mỹ – Diệm

Cập nhật: 26-04-2011 | 00:00:00

Luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm và “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đối với miền Nam đã gây không ít khó khăn cho phong trào cách mạng. Giai đoạn 1958-1960, cách mạng miền Nam thoái trào. Trên chiến trường, kẻ thù đang áp đảo. Tuy nhiên, với ý chí kiên cường, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, các nhóm vũ trang cách mạng lúc này không chỉ biết tự vệ, diệt ác ôn ở ấp, xã, mà còn thực hiện trận đánh lớn giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ Phước Thành vào đêm 17 rạng sáng 18-9-1961. Đây là đòn phủ đầu quân Mỹ - Diệm ở miền Nam.

Sau khi thiết lập nền thống trị độc tài trên toàn miền Nam, ngày 23-3-1959, chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố đặt “Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”. Không đầy một tháng sau, chúng bắt đầu mở chiến dịch gọi là “đồng tâm diệt cộng”, mà đỉnh cao là Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam diệt mầm móng cộng sản. Chúng thẳng tay xua quân ruồng bố, bắn giết khắp vùng nông thôn, gây bao đau thương, tang tóc cho đồng bào ta. Nhiều gia đình bị tù đày, không có bản án, không có ngày về; thậm chí rất nhiều bà con ở huyện Châu Thành, Tân Uyên... bị tra tấn chết mất xác trong nhà tù.

Lúc bấy giờ, bà con chỉ có ước nguyện duy nhất là đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève và tổ chức Tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Nhiều xã không còn đảng viên, nếu xã nào còn thì 3 hoặc 4 đảng viên. Cái chính là tinh thần cách mạng của nhân dân không hề suy giảm, ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh.

Ngày 30-1-1960, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một tổ chức hội nghị triển khai Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II tại căn cứ Giếng Chảo, rừng An Điền (Bến Cát) và bàn biện pháp khởi nghĩa toàn tỉnh. Đồng chí Nguyễn Văn Chí (Sáu F) đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông đến dự và khẳng định con đường cách mạng của ta là dựa vào sức mạnh của quần chúng, kết hợp với lực lượng vũ trang đánh đổ đế quốc Mỹ và tay sai, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân...

Tháng 6-1961, tỉnh Thủ Biên được tách ra thành 3 tỉnh Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Phước Thành. Tỉnh ủy Thủ Dầu Một về căn cứ Bông Trang, tỉnh Phước Thành về xã Mỹ Lộc thuộc chiến khu Đ. Cũng năm 1961, địch thành lập tỉnh Phước Thành lấy Phước Vĩnh làm tỉnh lỵ, đưa thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn (con đỡ đầu của Diệm) làm tỉnh trưởng thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” do Tổng thống Mỹ Kennedy nặn ra. Chiến lược nhằm cô lập miền Bắc với miền Nam, giành lại nông thôn miền Nam, đánh bật các lực lượng võ trang cách mạng ra khỏi nhân dân, đánh phá miền Bắc không cho chi viện miền Nam.

Phước Vĩnh nằm trên đường 14 có vị trí chiến lược quan trọng là vành đai phòng thủ trung tuyến bảo vệ đông bắc Sài Gòn. Địch xây dựng tỉnh lỵ kiên cố làm bàn đạp bung ra đánh phá chiến khu Đ, gây không ít khó khăn cho cách mạng. Lợi dụng lực lượng quân đội Sài Gòn, Trần Lệ Xuân (vợ của cố vấn Ngô Đình Nhu) cho xe ủi, xe kéo gỗ mở đường dọc ngang chiến khu Đ, vừa ủi phá căn cứ cách mạng, vừa kéo gỗ kiếm lợi lộc, vừa đưa đồng bào di cư từ miền Bắc vào xây dựng khu dinh điền, khu trù mật, trong đó có dinh điền Hiếu Liêm - cái rốn của chiến khu Đ.

Người Mỹ cho rằng “Chiến tranh đặc biệt” thắng lợi là do kết quả thực hiện quốc sách ấp chiến lược. Chính Ngô Đình Nhu, cố vấn tổng thống đích thân điều khiển quốc sách này theo sáng kiến của Robert Thompson (người Anh) làm cố vấn du kích chiến của Nhà Trắng đã ứng nghiệm thành công tại Malaysia.

Để phá vỡ tuyến phòng thủ quan trọng hướng đông bắc Sài Gòn, đêm 17 rạng ngày 18-9-1961, được sự chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam, Ban chỉ huy miền Đông Nam bộ đã sử dụng Tiểu đoàn 800 (tiền thân là Tiểu đoàn 500), Đại đội 260, đơn vị ĐKZ57 phối hợp với các lực lượng võ trang địa phương hình thành 4 mũi tấn công tỉnh lỵ Phước Thành. Quân và dân địa phương cầm chân địch tại chỗ, đồng thời hỗ trợ quần chúng nổi dậy đào đường, đắp mô làm chướng ngại vật chặn mọi đường ứng cứu của chúng.

Chỉ hơn 10 phút chiến đấu thần tốc, Đại đội 260 đã chiếm lĩnh tỉnh đoàn bảo an, một mũi chiếm nhà tù giải phóng hơn 300 tù chính trị, giết chết tỉnh trưởng, 2 mũi khác đánh vào trại đóng quân của lính biệt động quân. Kết quả, quân giải phóng đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 1.000 tên địch (có 100 tên bị bắt sống); phá hủy 1 khẩu pháo 105 ly; thu hơn 400 súng các loại, 12 xe quân sự, 32 máy truyền tin, giải phóng hoàn toàn tỉnh lỵ Phước Thành đầu tiên ở Nam bộ. Đây là trận đòn Phủ đầu vào chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Diệm, làm choáng váng Nhà Trắng và Phủ đầu rồng Sài Gòn, phá vỡ bàn đạp đánh phá chiến khu Đ, chặt đứt mắt xích quan trọng vùng trung tuyến án ngữ Sài Gòn, đồng thời cũng là dấu hiệu trưởng thành của các lực lượng võ trang cách mạng miền Đông Nam bộ.

TRƯỜNG XUÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=238
Quay lên trên