Dồn sức hộ đê, cứu lúa
Các huyện đầu nguồn như An Phú, Tân Châu, Tịnh Biên, Châu Phú (An Giang) và Hồng Ngự, Tân Hồng (Đồng Tháp) hôm qua vẫn đang dồn sức cứu đê chống lũ.
Nguy cấp nhất là các tuyến đê bao kênh 8, 9, 10 thuộc xã Ô Long Vĩ, H.Châu Phú. Mực nước lũ đã mấp mé mặt đê. Trên tuyến đê bao kênh 8, sáng 26.9 từ một chỗ rò rỉ nhỏ, một khoảng lớn mặt đê bị nước lũ cuốn trôi. Hơn 700 công an, bộ đội và người dân có mặt dùng cây, bao cát gia cố đê, bảo vệ hơn 900 ha lúa bên trong. Đến sáng 27.9, tình trạng vỡ mặt đê tiếp tục xảy ra tại các tuyến đê bao kênh 9, xã Ô Long Vĩ. Chính quyền địa phương đã dùng xáng Kobe lấy đất đắp lên mặt đê.
Các lực lượng tiến hành gia cố tuyến đê kênh Tha La (TX Châu Đốc) để bảo vệ diện tích lúa vụ 3 đang bị lũ vây hãm
Ở Tân Châu, địa phương đã huy động lực lượng ứng cứu, di dời 20 hộ dân ở 2 điểm sạt lở tại xã Châu Phong, Vĩnh Hòa và bố trí các hộ sống trong vùng nguy cơ sạt lở vào cụm, tuyến dân cư an toàn. Trong khi đó, toàn huyện An Phú cũng có hơn 800 căn nhà xiêu vẹo, 724 căn đang bị ngập chìm trong nước và hơn 1.000 hộ dân cần phải cứu đói. Theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Bí thư Huyện ủy An Phú, hơn 8.000 bà con Việt kiều sinh sống ở Campuchia cũng đang “chạy” lũ về do nước bạn đang ngập nặng…
Tại Đồng Tháp, UBND tỉnh hôm qua đã công bố tình trạng lũ khẩn cấp, yêu cầu các ban ngành, địa phương triển khai các biện pháp cấp bách bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của dân. Hơn 26.800 ha lúa vụ 3 đang trong giai đoạn trổ bông, làm đòng của tỉnh đứng trước nguy cơ bị nhấn chìm. Mong manh nhất là tuyến đê bao dọc kênh Trung Tâm bảo vệ 2.600 ha lúa vụ 3 tại hai xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 của huyện Hồng Ngự. Do áp lực nước quá lớn, một số đoạn đê bị xô lệch vào trong ruộng và “vặn” nứt mặt đê, có nhiều đoạn nước lũ đã rò rỉ vào ruộng lúa. Riêng khoảng 1 km tại khu vực thấp của đoạn đê này bị nước lũ tràn qua, được địa phương dùng nylon và bao cát gia cố mặt đê.
Bão số 5 hướng thẳng vào miền Bắc
Theo ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, trưa qua bão Nesat đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) vào biển Đông, trở thành cơn bão số 5. Chiều tối cùng ngày, bão mạnh cấp 12, giật cấp 13 - cấp 14, tâm bão nằm trên khu vực đông bắc biển Đông. Dự báo 1 - 2 ngày tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20 - 25 km/giờ và có khả năng mạnh thêm. Khoảng sáng sớm ngày 30.9, bão sẽ đi vào vịnh Bắc Bộ, chiều tối và đêm cùng ngày sẽ đổ bộ trực tiếp vào Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trước mắt trong 2 - 3 ngày tới, do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 8 - cấp 9, vùng gần tâm bão cấp 12 - cấp 13, giật cấp 14 - cấp 15, biển động dữ dội rất nguy hiểm đối với tàu thuyền.
Trong khi đó, sáng sớm 27.9, sau khi đi vào bờ biển Quảng Trị - Quảng Bình, bão số 4 nhanh chóng suy yếu thành vùng áp thấp, tiếp tục đi sâu vào đất liền, tan dần trên lãnh thổ Trung Lào. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, bão số 4 gây mưa lớn trên lãnh thổ Trung Lào, thượng nguồn sông Mê Kông được “tiếp” thêm một lượng nước đáng kể sẽ khiến cho diễn biến lũ tại đồng bằng sông Cửu Long nước ta nghiêm trọng hơn. Trong 2 - 3 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long và vùng Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên nhanh…
Nhiều người chết vì bão
Trong ngày 27.9, bão Nesat ập vào đảo Luzon, miền bắc Philippines với sức gió 140 km/giờ, có lúc giật 170 km/giờ. AFP dẫn lời giới chức địa phương cho hay đã có ít nhất 12 người chết do bão. Tuy bão Nesat có phần suy giảm khi quét qua Luzon nhưng vẫn gây mưa to trên đảo và ngập lụt nặng ở Manila.
Tại Quảng Trị, ngập lụt cục bộ đã diễn ra trên tuyến đường liên xã Sơn - Tân - Hòa (H.Hải Lăng), gây ách tắc giao thông, cầu tràn Ba Lòng (H.Đakrông) bị ngập trên 2m gây chia cắt. Có 2 trường hợp chết do mưa lũ vào chiều tối 26.9, là ông Hoàng Trung Trực (35 tuổi, trú thôn Tam Hữu, xã Triệu Trung, H.Triệu Phong, chết khi đang đi ra đồng gặt lúa) và bà Nguyễn Thị Tịnh (67 tuổi, trú thôn 3, xã Hải Thọ, H.Hải Lăng, chết khi dọn dẹp nhà cửa và sẩy chân xuống nước).
Tại Thừa Thiên-Huế, ngoài 2 người chết là vợ chồng ông Phạm Thăng và Nguyễn Thị Chung (Thanh Niên thông tin) còn có 3 người bị thương (1 người ở xã Hương Bình và 2 người xã Hương Phong, H.Hương Trà) khi giằng chống nhà cửa, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế.
Tại Đà Nẵng, mưa lớn cùng 20 dự án công trình đang thi công ở địa phương chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước… khiến hơn 70 hộ dân cùng hơn 300 nhân khẩu ở P.Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) bị ngập nặng, có nơi ngập sâu 1m. Mưa lũ cũng gây xói lở cầu tạm Tân Thanh tại thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang, đe dọa lưu thông trên tuyến đường liên xã Hòa Nhơn và Hòa Phú…
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư, mưa bão cũng làm 1 em bé ở Quảng Nam chết và 1 thuyền viên của tàu PY-6678 bị rơi xuống biển tử nạn.
Theo TNO