Đúng 9h15 sáng nay 6-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức đọc lời khai mạc Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á trước 4 nguyên thủ quốc gia và 450 đại biểu đến từ nhiều nước trên thế giới. Trong vai trò là nước chủ nhà, ngay từ lời mở đầu Thủ tướng đã khẳng định: “Đông Á đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Đây là lúc Đông Á có thể tự tin gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu”.
Các nguyên thủ quốc gia cùng đại diện cao cấp.
Bằng thực tế, Thủ tướng chứng minh từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu gây tổn thất to lớn và tác động sâu sắc đến mọi mặt của thế giới, Đông Á tuy gặp nhiều khó khăn nhưng các nước đã đối phó khá hiệu quả và trở thành khu vực có tốc độ hồi phục nhanh nhất.
“Sự hồi phục nhanh chóng này”, theo thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, “đã chứng tỏ sức sống và nền kinh tế năng động của Đông Á, đồng thời thể hiện ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của nhân dân, chính phủ và các nước trong khu vực”.
Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, vững chắc, Thủ tướng thẳng thắn đặt ra 3 câu hỏi lớn để diễn đàn cùng thảo luận và tìm lời giải đáp. Theo đó, ở cấp độ quốc gia, để duy trì được tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, các nước cần có những điều chỉnh gì đối với mô hình phát triển hiện tại?
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mô hình phát triển của Đông Á đã được thử thách và chứng tỏ sức sống qua cuộc khủng hoảng vừa qua, nhưng chắc chắn cần điều chỉnh chiến lược để phù hợp hơn với bối cảnh quốc tế giai đoạn hậu khủng hoảng.
Thủ tướng cho rằng, Đông Á gồm nhiều nước có nhiều chế độ chính trị, trình độ phát triển, tôn giáo khác nhau… vậy “liên kết khu vực cần được thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ cho phát triển kinh tế ?”.
Ngoài ra, Đông Á cần có vai trò và trách nhiệm như thế nào với các vấn đề chung của thế giới?
Tiếp lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Campuchia, Lào, Mianma trong bài phát biểu của mình đều nhấn mạnh đến ý tưởng chung “Các quốc gia Đông Á phải nâng cao hợp tác về mọi mặt vì sự phát triển và vai trò chung của khu vực”.
Thủ tướng Lào, Bouasone Bouphavanh cho rằng, diễn đàn này là cơ hội vàng để lãnh đạo các nước và doanh nghiệp chia sẻ tầm nhìn, cùng nhau phát triển.
Tại diễn đàn, Thủ tướng Mianma Thein Sein bày tỏ trăn trở về tình hình môi trường ngày càng xuống cấp, sự nóng lên của trái đất, biến đổi khí hậu… sẽ kéo các nước lún sâu vào nghèo đói. Theo ông, cần nâng cao ý thức và các hoạt động bảo vệ môi trường để có được sự phát triển bền vững.
Ngoài ra, giới trẻ chính là tương lai của Đông Á. Từng quốc gia cần xây dựng và nuôi dưỡng thế hệ ưu tú vì sự phát triển của cả khu vực. Đại diện chính phủ Thái Lan cũng đem đến thông điệp “Đây chính là kỷ nguyên phát triển của Đông Á nói riêng và Châu Á nói chung”.
Châu Á chiếm 2/3 dân số, 35% GDP toàn cầu và có tốc độ hồi phục sau khủng hoảng đáng ngạc nhiên, chính là tiền đề để các nước trong khu vực hình thành khối kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
Xâu chuỗi ý kiến của các đại biểu tại diễn đàn, ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng trong hai ngày tới, các phiên họp sẽ đi sâu vào việc xem xét vai trò của Đông Á trong bối cảnh kinh tế thế giới có sự chuyển dịch từ Tây sang Đông.
THEO DÂN TRÍ