Đồng bằng sông Cửu Long tất bật đón lũ

Cập nhật: 16-08-2011 | 00:00:00

Những ngày qua, mực nước lũ ở ĐBSCL lên nhanh, hiện đang xấp xỉ mức báo động 1. Tại các địa phương đầu nguồn lũ như An Phú, Tân Châu, Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình… của 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp đâu đâu cũng thấy không khí tất bật hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, đê bao bảo vệ hàng trăm ngàn hécta lúa vụ 3, vùng cây ăn trái đặc sản, đưa dân đến nơi an toàn. Đặc biệt, nông dân đang đón lũ rất rôm rả, các mô hình sản xuất, khai thác lợi thế mùa nước nổi đang được ráo riết triển khai…

Chủ động ứng phó

Đi kiểm tra hệ thống đê bao bảo vệ vùng sản xuất lúa vụ 3 và rau màu, ông Huỳnh Thanh Phong, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Phú, tỉnh An Giang tự tin nói: “Nếu như 5 - 10 năm trước, thời điểm này phải tất bật lo chống lũ, còn bây giờ chỉ lo tập trung sản xuất, khai thác lợi thế mùa lũ. Tại các xã chưa hoàn chỉnh hệ thống đê bao, ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân xuống giống sớm nên đến nay đã thu hoạch dứt điểm an toàn 9.000ha lúa hè-thu, né được lũ tháng 8. Tuyến bờ Tây được bảo vệ an toàn trong vùng đê bao khép kín, đang xuống giống hơn 60% trên tổng diện tích 3.571ha lúa vụ 3”.

  An Giang bố trí người và phương tiện đưa rước học sinh đến trường an toàn tại vùng lũ đầu nguồn.

Đến nay, huyện đầu nguồn lũ An Phú, tỉnh An Giang vừa hoàn tất kiên cố hệ thống đê bao, 85 cống đập, lắp đặt 125 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu, chống úng cho gần 100% diện tích lúa vụ 3. Trước tình hình mưa nhiều, mực nước lên nhanh, huyện An Phú đề nghị nâng cấp tuyến tỉnh lộ 957 nhằm ngăn lũ từ sông Bình Di, bảo vệ lúa và hoa màu cho 5 xã: Khánh An, Khánh Bình, Quốc Thái, Đa Phước, Phước Hưng.

Ông Mai Văn Lập, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCLB tỉnh An Giang cho biết: “Năm 2011, tỉnh An Giang mở rộng diện tích lúa vụ 3 lên 135.000ha, lớn nhất từ trước đến nay. Mỗi hécta lúa vụ 3 mới mở, ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng đầu tư xây dựng hệ thống đê bao chống lũ”.

Năm nay, huyện đầu nguồn Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác 4.000ha lúa vụ 3. Trong số này có 2.600ha lần đầu tiên làm vụ 3 tại 2 xã Thường Thới Tiền và Thường Phước 2 được đầu tư hơn 12 tỷ đồng làm đê bao chống lũ khép kín, gia cố cống đập, lắp đặt các trạm bơm điện để chống úng.

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Đến nay, các địa phương trong tỉnh đã hoàn tất việc gia cố, nâng và xây dựng mới hệ thống đê bao khép kín, đảm bảo an toàn cho hơn 99.000ha lúa vụ 3 và hơn 25.000ha vườn cây ăn trái đặc sản…”

Để bảo vệ an toàn cho người dân trong mùa lũ, Ban chỉ huy PCLB tỉnh An Giang đang cùng lực lượng quân đội, biên phòng, hội chữ thập đỏ tập huấn nâng cao năng lực PCLB, tìm kiếm cứu nạn tại 5 địa bàn trọng điểm gồm: An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành, Châu Phú. Đồng thời diễn tập cứu hộ, cứu nạn tại 52 điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở, dông lốc vào mùa mưa lũ.

Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp tổ chức 336 nhóm giữ trẻ cộng đồng, đảm bảo an toàn cho gần 6.000 trẻ trong vùng lũ. Các địa phương đã xây dựng 462 đội cứu hộ cứu nạn với 4.267 thành viên, trong đó có 247 đội cứu hộ cứu nạn túc trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu với hơn 1.600 thanh niên xung kích tham gia.

Đặc biệt, trước diễn biến lũ năm 2011, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCLB tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các địa phương khẩn cấp di dời 2.690 hộ dân trong khu vực sạt lở nguy hiểm vào các cụm tuyến dân cư vượt lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, không cần đợi phải hoàn thành công trình hạ tầng.

Lũ đẹp đang về

Các nhà chuyên môn cũng như nhiều nông dân vùng lũ có cùng nhận định: Một mùa lũ đẹp thật sự đang về ĐBSCL. Ngày 10-8, trên sông Tiền tại Tân Châu, mực nước lũ đạt 3m; trên sông Hậu tại Châu Đốc đạt mức 2,28m; lần lượt cao hơn cùng kỳ 1,8 đến 1,8m. Bình quân mỗi ngày, mực nước lũ tăng khoảng 5cm.

  Thu hoạch đặc sản ốc bươu vùng lũ cung cấp cho các đô thị lớn.

Ông Võ Thạnh, Giám đốc Trung tâm khí tượng - thủy văn An Giang nhận định: “Nhờ cơn bão số 2 và số 3 vừa qua làm cho gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, tạo lượng mưa rất lớn trên thượng nguồn. Do đó lượng nước tương đối dồi dào đổ vào sông Mê Công làm cho mực nước lũ năm nay cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo vào giữa cuối tháng 10, đỉnh lũ ở ĐBSCL sẽ xấp xỉ mức báo động 3 (4,5m). Thực tế nhiều năm cho thấy, khi mực nước thượng nguồn tại Kratie (Lào) đạt mức hơn 20m (hiện nay 21,79m) thì đỉnh lũ ở ĐBSCL sẽ đạt 4m trở lên. Có thể nói đây là mùa lũ rất đẹp, đem lại lượng nước đủ lớn cho cuộc sống, để vệ sinh đồng ruộng, mang phù sa, nhiều sản vật cũng như thuận lợi cho việc sinh kế mùa lũ của người dân trong vùng”.

Người dân đầu nguồn ĐBSCL đang phấn chấn làm ăn trong mùa nước nổi. Nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ đang ráo riết triển khai hàng ngàn hécta nuôi tôm càng xanh, ếch, cá lóc, cá rô, cua đồng…

Tại vùng đê bao khép kín ở 3 xã Khánh Bình, Khánh An, Vĩnh Trường huyện Phú An, tỉnh An Giang người dân đang thu hoạch 1.500ha rau màu với hiệu quả khá cao; cung cấp cho nhiều địa phương ở ĐBSCL, TPHCM và xuất khẩu qua Campuchia. Khi thu hoạch dứt điểm, địa phương cho xả lũ vào vệ sinh ruộng rẫy, bồi đắp phù sa.

Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân ấp An Khánh, xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang phấn khởi nói: “Nhờ có đê bao khép kín, tôi trồng 2 công khổ qua ăn chắc trong mùa lũ. Hiện đang vào vụ thu hoạch, thương lái vào tận rẫy thu mua với giá khá cao: 5.000 - 7.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi công khổ qua thu hoạch khoảng 5 tấn, sau khi trừ chi phí, cầm chắc lời hơn 30 triệu đồng”.

Trong khi đó, người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trong mùa nước nổi rất vui mừng vì lũ đẹp, lượng tôm cá dồi dào. Ông Nguyễn Hữu Bảy (xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang) có 20 năm trong nghề đánh bắt cá linh phấn khởi nói: “Nước lũ thế này tốt lắm rồi, cá về rất nhiều. Giàn đáy trên sông của tôi mỗi ngày thu được 150 - 200kg cá linh non, gần gấp đôi so với các năm trước. Thương lái ra tận nơi thu mua với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/kg vẫn không đủ bán”.

Tại xã biên giới Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, 8 chành vựa ốc đang làm ăn tấp nập, thu hút 50 lao động địa phương với thu nhập mỗi ngày 100.000 - 150.000 đồng/người. Hàng ngày nơi đây cung ứng cho thị trường Cần Thơ, TP.HCM và Hà Nội hơn 30 tấn ốc bươu khai thác từ vùng lũ, gấp 2 lần so với mùa lũ năm rồi.

Tại vùng đầu nguồn Đồng Tháp, sản vật mùa lũ cũng rất dồi dào. Hàng tấn chuột đồng, rắn nước, rắn bông súng, hổ hành, ri cá, ri voi, rắn mối, cá rô non, cá linh non… được khai thác đưa về chợ huyện Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự tiêu thụ mỗi ngày.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên