(BDO) Cùng với cộng đồng Hồi giáo Islam trên toàn thế giới, đồng bào Chăm ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng (Bình Dương) cũng đang thực hiện Tháng chay Ramadan - Tháng lễ linh thiêng của người Hồi giáo. Năm nay, hơn 130 hộ dân nơi đây thực hiện Tháng chay Ramadan từ ngày 12-3 và kết thúc ngày 11-4.
Bữa ăn tập thể của đồng bào Chăm tại Thánh đường Hồi giáo Al Muttaqin, ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng trong Tháng chay Ramadan năm nay. Ảnh: THƯỢNG HẢI
Độc đáo tháng lễ nhịn ăn
Trong thời gian diễn ra Tháng chay Ramadan, tất cả người dân sẽ bắt đầu nhịn ăn uống từ 4 giờ 40 phút và xả chay sau 18 giờ 11 phút. Ngoài ra, trong ngày còn có 5 lần hành lễ và đọc kinh Koran cầu nguyện tại nhà hoặc thánh đường.
Giải thích về ý nghĩa của việc nhịn ăn uống hay ép xác trong Tháng chay Ramadan, ông Mach.A.Min (74 tuổi), Giáo cả Thánh đường Hồi giáo Al Muttaqin (ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng), cho biết Tháng chay Ramadan hướng đến mục đích tẩy sạch những dục vọng, ham muốn của con người.
Khi nhịn ăn uống, tín đồ sẽ cảm nhận được sự khổ cực, khó chịu mà đồng cảm với những người nghèo đói. Tháng lễ cũng là dịp để xóm giềng chào hỏi, bắt tay xí xóa mọi lỗi lầm cho nhau trong năm qua.
Trước khi xả chay, các tín đồ sẽ đọc kinh cầu bình an cho mọi người và những linh hồn đã khuất. Ảnh: THƯỢNG HẢI
Độ tuổi thực hiện Tháng chay Ramadan bắt đầu 15 tuổi trở lên, riêng người già, trẻ con, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú, người bệnh… có thể ăn uống bình thường để bảo đảm sức khỏe. Đối với những người vì lý do nào khác không thể nhịn ăn uống, có thể nhịn ăn bù để thực hiện tháng chay.
Đồng bào Chăm đã định cư ở huyện Dầu Tiếng từ năm 1992. Những nét văn hóa Hồi giáo cổ truyền vẫn được lưu giữ đến ngày nay. |
Trong suốt 30 ngày thực hiện Tháng chay Ramadan, tại Thánh đường Hồi giáo Al Muttaqin sẽ nấu ăn cho tín đồ xả chay sau 18 giờ 11 phút. Thường là cháo gà nấu với lá cà ri, sữa siro dâu và hai hạt chà là.
Hơn 10 năm nấu ăn trong Tháng chay Ramadan, anh Ismael (48 tuổi) cho biết mỗi ngày anh nấu cháo với hơn 15kg gạo, 16kg gà trong 2 tiếng đồng hồ từ lúc 10 giờ.
“Từ 16 giờ, bà con sẽ đem nồi, hộp, tô chén… đến lấy cháo cho phụ nữ và người thân hành lễ ở nhà, còn lại sẽ chuẩn bị cho buổi xả chay trong thánh đường. Do tôi cũng thực hiện nhịn chay nên cũng không nếm thức ăn trong giờ quy định”, anh Ismael chia sẻ.
Tuy sinh sống ở TP.Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) nhưng mỗi năm, đến Tháng chay Ramadan, anh Ab Dol Azid (44 tuổi) lại trở về xóm đạo Hồi giáo tại xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng để đón lễ.
“Việc nhịn ăn, bên cạnh giúp cơ thể thanh lọc chất bẩn trong thời gian dài, còn dạy mọi người về lòng yêu thương, sự biết ơn và nhẫn nhịn. Trong Tháng chay Ramadan, mọi người sẽ hiểu nhau và bình đẳng hơn, hàng xóm xí xóa những điều không tốt đẹp trong năm qua, con cái bày tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ, người có điều kiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn”, anh Ab Dol Azid cho hay.
Sống tốt đời đẹp đạo
Trước đây, đời sống của đồng bào Chăm ở huyện Dầu Tiếng còn khá khó khăn, lao động chủ yếu làm nghề tự do. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực vươn lên của các gia đình nên đời sống của đồng bào Chăm ở đây đã cải thiện, nâng cao.
Chính quyền địa phương, các cá nhân hảo tâm hỗ trợ bà con đồng bào Chăm nhu yếu phẩm trong Tháng chay Ramadan . Ảnh: AB DOL AZID
Tại xã Minh Hòa, Thánh đường Al Muttaqin được xây dựng hoàn thành vào năm 2007 để bà con đồng bào Chăm tại huyện Dầu Tiếng thực hành tôn giáo. Qua thời gian, nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền địa phương nên thánh đường ngày càng khang trang.
Ông Phạm Văn Hoàng Sang, Trưởng ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, cho biết thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn phối hợp hỗ trợ bà con đồng bào Chăm vươn lên thoát nghèo thông qua các chính sách phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là giúp đỡ người dân tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo. Ngoài hỗ trợ vốn vay ưu đãi, bà con còn được giải quyết việc làm, cung cấp nước sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho con em học tập...
Ông Sang cho biết thêm, đồng bào Chăm trên địa bàn xã tuân thủ nghiêm pháp luật, không có tệ nạn xã hội và cùng chung tay với Đảng bộ, chính quyền địa phương phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Đồng bào Chăm ở đây cũng giao lưu, hòa đồng với đồng bào các dân tộc khác. Đồng bào Chăm luôn thể hiện tinh thần sống tốt đời đẹp đạo...
THƯỢNG HẢI