Đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh: Đời sống văn hóa, tinh thần ngày càng được nâng cao

Thứ bảy, ngày 19/04/2014
Theo dõi Báo Bình Dương trên

   Liên hoan Văn hóa - Thể thao đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động ý nghĩa góp phần lưu giữ bản sắc từng dân tộc trong tỉnh Ảnh: T.LÝ

 Kinh tế ổn định, phát triển

Đến các địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống như An Bình (Phú Giáo), Minh Hòa (Dầu Tiếng)… sẽ thấy bộ mặt nông thôn ở đây đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Những ngôi nhà tranh, vách đất được thay bằng những căn nhà khang trang. Đường đổ bê tông dài đến tận nhà dân. Gia đình nào cũng có xe máy để đi lại, nhiều hộ còn có xe hơi. Tính đến năm 2013, tổng số hộ DTTS sống rải rác tại 91/91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh là trên 4.500 hộ, với hơn 17.000 nhân khẩu (chiếm gần 1% dân số toàn tỉnh). Trong đó, người Hoa, Khmer, Tày, Nùng, Chăm chiếm số dân đông nhất. Địa bàn cư trú của đồng bào chủ yếu tại 6 huyện, thị: Dầu Tiếng, Phú Giáo, TX.Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, TX.Bến Cát. Người Hoa, Khmer, Stiêng cư trú tại vùng đất Bình Dương từ nhiều thế hệ, còn lại các thành phần DTTS khác có nguồn gốc từ miền Bắc, Trung di cư đến đây sau năm 1975.

Đồng bào DTTS sống theo nhiều ngành nghề khác nhau, tại TP.Thủ Dầu Một chủ yếu làm nghề sản xuất gốm sứ, thương mại và dịch vụ; các huyện phía bắc của tỉnh sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi và trồng trọt) và công nhân xí nghiệp, công ty cao su… Ngoài ra, một số hộ là cán bộ công chức, giáo viên. Mức sống của họ ngày càng được nâng cao. Với sự hỗ trợ của chính quyền, cộng với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất mới, nhiều hộ đã trở thành nông dân sản xuất giỏi, với mô hình hay, đem lại thu nhập “khủng”.

Cụ thể, từ mô hình trồng trọt, chăn nuôi hộ Thạch Thị Ngọc (Dầu Tiếng), thu nhập 2,5 tỷ đồng/năm; hộ Kho Sanh (Dầu Tiếng), Ngưu Điền (Phú Giáo), Kim Mỹ (Bến Cát)… đều trên 100 triệu đồng/năm. Ông Kho Sanh, người Chăm (Dầu Tiếng), tâm sự: “Tại quê nhà (Sóc Trăng), đời sống chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Để thoát khỏi cảnh nghèo đói, chúng tôi rủ nhau đến Bình Dương, nơi được xem “đất lành chim đậu” để mưu sinh. Ban đầu, chúng tôi khai hoang trồng cây ăn trái, sau đó được hỗ trợ vốn, kỹ thuật chuyển đổi sang trồng cao su. Hiện nay, đời sống người Chăm tại Bình Dương đã ổn định. Nhà nhà có xe máy, tivi, con cháu được đi học”.    Đồng bào Chăm giúp nhau phát triển kinh tế Ảnh: T.LÝ

Để đời sống kinh tế đồng bào khởi sắc, tỉnh đã cấp đất định canh định cư, hỗ trợ cây con giống, tập huấn khuyến nông. Trưởng phòng Dân tộc tỉnh Lê Đình Ngọc, cho biết: Hiện nay, theo khảo sát, toàn tỉnh không còn hộ dân tộc nghèo theo tiêu chí Trung ương. Để người DTTS có cuộc sống ổn định, thời gian qua, tỉnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản; giao rừng cho 9 hộ, với 2,7 ha để bảo vệ và chăm sóc; cấp hơn 100 ha đất sản xuất cho người Khmer tại An Bình (Phú Giáo), bình quân mỗi hộ 1 ha. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giải ngân cho gần 500 đồng bào vay để sản xuất, kinh doanh (từ năm 2000 đến nay).

Lưu giữ bản sắc văn hóa

Kỷ niệm 5 năm thực hiện Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17-11-2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” (19.4.2009- 19.4.2014). Để những nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa đồng bào DTTS không bị mai một theo thời gian, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo tồn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền để đồng bào hiểu và tự giác giữ gìn bản sắc. Đồng thời, gắn kết việc bảo tồn văn hóa dân tộc với các phong trào thi đua, phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Đặc biệt, cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc đã được phát động rộng khắp ở các khu dân cư và đã thu được hiệu quả thiết thực. Nhiều huyện đã thành lập đội văn nghệ, thể thao đồng bào dân tộc... Các phong trào không chỉ giữ lại “hồn” cho đồng bào mà còn giúp phát triển đến thế hệ mai sau. Ngoài ra, hoạt động bảo tồn còn được thể hiện qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, hội thao đồng bào dân tộc như: Giải vô địch kéo co - đẩy gậy tỉnh; Liên hoan văn hóa - thể thao đồng bào DTTS tỉnh; thành lập các câu lạc bộ kéo co, đẩy gậy, bi sắt tại các huyện có đông người dân tộc…

Để nâng cao đời sống, phát huy bản sắc văn hóa cho đồng bào DTTS, năm 2014, Phòng Dân tộc tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS”; tổ chức 8 lớp phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS ở 9 huyện, thị, thành phố; tổ chức 5 lớp tập huấn khuyến nông cho đồng bào DTTS; tiến hành Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bình Dương lần thứ II, Hội nghị điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi và giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao cho đồng bào DTTS; điều tra hộ đồng bào nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ trong năm 2015.

Trước nỗ lực của chính quyền, đồng bào đã chung tay lưu giữ giá trị văn hóa dân tộc mình. Tại Minh Hòa (Dầu Tiếng), nơi tập trung nhiều người Chăm, người dân đã ý thức lưu giữ tiếng nói, trang phục, tín ngưỡng. Người Khmer (Phú Giáo), sử dụng trang phục truyền thống khi đi lễ, tết, hay lưu giữ bộ cồng chiêng, hướng đến khôi phục tết cổ truyền của dân tộc. Người Sán Chỉ (xã Tam Lập, Phú Giáo), mùng 6 tết hàng năm tổ chức Ngày hội dân tộc. Người Tày (Tân Hiệp, Phú Giáo) nỗ lực giữ lại tiếng nói cho thế hệ mai sau… Ông Kim Minh Thành, người Khmer, bộc bạch: Hiện nay, sống với người kinh, con cháu người Khmer dần quên đi bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do đó, những người già phải nêu gương lưu giữ giá trị, từ đó khuyến khích con cháu học tiếng, chơi nhạc cụ, may trang phục, hay nấu những món ăn truyền thống.

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa phi vật thể, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể cũng được tỉnh quan tâm, triển khai có hiệu quả. Ông Ngô Bảo Quốc, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hiện nay, bảo tàng đang lên danh sách các dân tộc, sau đó khảo sát những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nhạc cụ, trang phục… sưu tầm và lưu giữ. Bảo tàng sẽ ghi nhận những khó khăn trong quá trình “tiếp lửa” cho đồng bào DTTS phát huy bản sắc, trình lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có hướng đi đúng, giữ bản sắc cho đồng bào DTTS.

Đặc biệt, việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ở các xã có đồng bào DTTS được tỉnh coi trọng. Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm thực hiện chính sách cử tuyển dành cho con em là người DTTS được học tập tại trường đại học, cao đẳng để tạo nguồn nhân lực cơ bản cho địa phương. Theo đó, hơn 60 học sinh con em người DTTS học tại các trường đại học, cao đẳng đã được hỗ trợ kinh phí học tập. Hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp được bố trí công tác tại địa phương.

 THIÊN LÝ