Đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm

Cập nhật: 25-11-2023 | 08:14:00

(BDO) Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, cùng với dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành, vì vậy ngành thú y cần phải tăng cường tuyên truyền, chủ động phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.

 

Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật tỉnh được đầu tư hiện đại, phục vụ tốt yêu cầu phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi

 Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030”. Kế hoạch đặt ra những mục tiêu từng bước xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) đối với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; kiểm soát thuốc, vắc xin thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý chuyên ngành...

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản, cho biết để triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3833/UBND-KT về việc triển khai các văn bản chỉ đạo lĩnh vực NN&PTNT, giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản là cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng giúp Ban Giám đốc Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chăn nuôi, thú y, thủy sản; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản đã khẩn trương tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Theo đó, chi cục tăng cường kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB; kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y bảo đảm ATDB. Đồng thời, tổ chức triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm chứng nhận ATDB, ATTP. Chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý chăn nuôi bảo đảm ATDB. Mặt khác, xây dựng hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Áp dụng công nghệ mới trong nghiên cứu, quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật.

Chi cục phối hợp với các đơn vị, trường đại học, cơ sở chăn nuôi… tập huấn, phổ biến kiến thức liên quan đến ATTP trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, ATTP. Cùng với đó, đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác xét nghiệm các đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP. Thực hiện giám sát vệ sinh thú y, ATTP (vi sinh vật, tồn dư hóa chất, thuốc thú y, chất cấm...) tại các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh trong chuỗi thịt gia súc, gia cầm. Xây dựng và triển khai chương trình thông tin, tuyên truyền về vệ sinh thú y, ATTP.

Thực hiện đồng bộ giải pháp

Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng các ngành, các cấp cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tại địa phương, đồng thời báo cáo khi có khó khăn, vướng mắc cho Sở NN&PTNT để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh có giải pháp kịp thời tháo gỡ.

Trong đó, các cấp, cơ quan chuyên môn, cơ sở chăn nuôi, doanh nghiệp cần kiểm soát tốt các loại dịch bệnh, tổ chức, tham gia xây dựng vùng, cơ sở ATDB. Hàng năm, bố trí kinh phí triển khai kế hoạch chủ động của địa phương để giám sát dịch bệnh, tiêm phòng, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh cơ sở, vùng ATDB; xây dựng hồ sơ, thẩm định công nhận vùng ATDB.

Các ngành, các cấp tổ chức kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng ATDB, vùng đệm; kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y trong vùng. Ưu tiên đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch tễ, chẩn đoán xét nghiệm của địa phương. Các địa phương cần ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách kêu gọi đầu tư, bố trí quỹ đất để xây dựng, nâng cấp mạng lưới các cơ sở giết mổ động vật tập trung...

Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác thú y; tổ chức xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y của địa phương, bảo đảm kết nối liên thông với Trung ương. Ngoài ra, hàng năm, chỉ đạo xây dựng dự toán kinh phí thực hiện các nội dung của kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền của địa phương phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn. Tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các lực lượng của địa phương để triển khai các nội dung của kế hoạch trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền về các nội dung kế hoạch của địa phương; phát triển các bộ công cụ truyền thông; xây dựng tài liệu, in ấn, phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền các nội dung kế hoạch của địa phương để bảo đảm tiến độ thực hiện…

 Ngành tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác thú y, giai đoạn 2023-2030. Cụ thể, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, chỉ đạo điều hành của ngành thú y. Xây dựng kho dữ liệu số dùng chung của ngành thú y; dữ liệu chuyên ngành; chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật; kiểm dịch vận chuyển trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật... Rà soát, nâng cấp hệ thống trực tuyến báo cáo dịch bệnh động vật (VAHIS), phục vụ công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP.

 THOẠI PHƯƠNG - KIM CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên