Đồng chí Nguyễn Văn Linh tham gia hoạt động cách mạng hơn 60 năm, từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong Đảng từ cơ sở đến cấp cao nhất. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn cho cách mạng miền Nam ở những thời điểm đầy khó khăn, thử thách.
Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên Ảnh: P.V
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là người luôn gánh vác và hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách mà Đảng giao phó ở những nơi khó khăn, thời điểm đầy cam go nhất của cách mạng miền Nam. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Trung ương Đảng xác định rõ kẻ thù số một của nhân dân Việt Nam là đế quốc Mỹ và tay sai. Để bảo đảm bí mật, Trung ương Đảng quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam lập lại Xứ ủy Nam bộ, do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh lúc này là Thường vụ, kiêm Bí thư Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Đầu năm 1957, đồng chí Lê Duẩn được Trung ương Đảng điều động ra miền Bắc nhận công tác mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh nhận trách nhiệm Quyền Bí thư Xứ ủy Nam bộ. Đây là thời kỳ rất khó khăn cả trong nước và quốc tế. Lãnh đạo Xứ ủy phải giải quyết vấn đề có nên chuyển lên đấu tranh vũ trang ngay từ cuối năm 1956 đầu năm 1957 hay không? Trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của tổ chức Đảng ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, các tổ chức Đảng đã thực hiện giữ gìn lực lượng, bí mật, tích cực chuẩn bị cho việc chuyển lên đấu tranh vũ trang. Trong hoàn cảnh đó, nếu người lãnh đạo cách mạng nôn nóng hoặc thụ động đối phó sẽ làm cho cách mạng mất phương hướng, phong trào đi đến thất bại. Những chuẩn bị đó đã được thực hiện thành công trong phong trào Đồng Khởi năm 1960.
Trong giai đoạn cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới là đấu tranh vũ trang - đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến tới đánh bại âm mưu của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 23-1-1961, tại Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định tái lập Trung ương Cục, trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Một lần nữa, đồng chí Nguyễn Văn Linh được cử giữ chức Bí thư Trung ương Cục, sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy Miền, Bí thư Thành ủy thành phố Sài Gòn. Đây cũng là thời kỳ hết sức gay go, phức tạp của cuộc đấu tranh giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng.
Sau “cú sốc” Đồng Khởi ở miền Nam, Mỹ lần lượt đưa ra các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (1960-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968) và “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973)... Nhiệm vụ chống lại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai đặt ra những thử thách, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng với các đồng chí, cộng sự của mình đã có mặt ở những điểm nóng nhất như Tua Hai (Tây Ninh), Ba Gia (Quảng Ngãi), Bình Giã (Bà Rịa - Vũng Tàu)… bình tĩnh lãnh đạo, chỉ đạo, đưa cách mạng miền Nam giành những thắng lợi lớn.
Ngoài ra, đồng chí còn để lại nhiều dấu ấn trong việc tìm tòi, sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng nhằm đánh thắng đế quốc Mỹ và tay sai, giải phóng miền Nam. Khi cách mạng chuyển từ xây dựng, củng cố lực lượng; đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và binh vận, đồng chí Nguyễn Văn Linh cùng Trung ương Cục không ngừng phân tích, nghiên cứu nắm vững quan điểm chỉ đạo của Trung ương, mạnh dạn đề xuất những hình thức và phương pháp đấu tranh phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam. Cuối năm 1958, trước nhiều đơn, thư của cán bộ và nhân dân miền Nam chất vấn Xứ ủy về vấn đề có báo cáo với Trung ương Đảng và Bác Hồ không mà để cho địch “đàn áp bừa bãi, muốn giết ai chúng chỉ cần vu cho người đó là Cộng sản”? Với vai trò là Bí thư Xứ ủy, đồng chí một mặt kiên trì tuyên truyền cho quần chúng hiểu chủ trương của Đảng, đồng thời, báo cáo, kiến nghị với Trung ương cần “nâng cao thêm mức độ sử dụng đấu tranh vũ trang”. Sau khi nghiên cứu kinh nghiệm của Làng Rừng (Minh Hải), Trà Bồng (Quảng Ngãi), các trận đánh ở Giồng Thị Đam và Gò Quản Cung…, Xứ ủy đã tập trung lãnh đạo quần chúng ở Bến Tre và Tây Ninh nổi dậy để rút kinh nghiệm chung cho cách mạng miền Nam. Từ những kinh nghiệm đó, Xứ ủy chỉ đạo cho các Đảng bộ toàn miền lãnh đạo quần chúng đấu tranh vũ trang theo các cấp độ khác nhau, phù hợp với so sánh lực lượng ở địa phương, từ đó, đưa cách mạng miền Nam sang giai đoạn tiến công.
Trước nguy cơ thất bại của quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày càng rõ, đế quốc Mỹ và các nước chư hầu can thiệp sâu vào cuộc chiến tranh ở miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Linh với vai trò là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi để đưa đấu tranh vũ trang từng bước lên cao. Đồng chí chủ trương chú trọng xây dựng các căn cứ, chiến khu và các vùng giải phóng ở chiến khu Đ, mở rộng lên sát biên giới Campuchia, đồng thời, chú trọng đúng mức phong trào đấu tranh ở đô thị, kết hợp với đấu tranh ở nông thôn, đấu tranh toàn diện các mặt. Mỗi lần địch thay đổi chiến lược, chiến thuật, Trung ương Cục lại chỉ đạo tập trung lực lượng, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, vừa đánh vừa vũ trang. Chiến thắng trong các phong trào phá ấp chiến lược ở Ấp Bắc, Bình Giã... đều được Trung ương Cục và Quân ủy kịp thời tổng kết, nhân rộng thành những phương châm tác chiến của cách mạng miền Nam.
Tác phong sâu sát, tỉ mỉ lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng đã giúp cho đồng chí Nguyễn Văn Linh nắm chắc, chỉ đạo kịp thời và có nhiều đánh giá sắc sảo về các phong trào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, góp phần đưa cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn mà đỉnh cao là đại thắng mùa xuân năm 1975, thu giang sơn về một mối.
THS. NGÔ HOÀNG KHANH (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)