Đồng chí Phan Đăng Lưu: “Còn sống còn chiến đấu, còn hơi thở còn xây dựng Đảng”

Cập nhật: 05-05-2022 | 07:57:00

39 tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Đăng Lưu - một người cộng sản kiên trung - đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí là tấm gương sáng về ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, với tinh thần “Còn sống còn chiến đấu, còn hơi thở còn xây dựng Đảng”.

Hiến dâng trọn cuộc đời cho cách mạng

Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5-5-1902 trong một gia đình nho sĩ yêu nước tại một vùng đất giàu truyền thống quật cường cách mạng - xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đồng chí ra đời giữa lúc các cuộc khởi nghĩa nổi dậy chống Pháp ở quê nhà còn để lại những tiếng vang to lớn. Ngay từ nhỏ, ở Phan Đăng Lưu đã thể hiện tố chất thông minh, học giỏi. Kế thừa truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của quê hương, gia đình; chứng kiến nỗi cực khổ, lầm than của người dân dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, đồng chí đã sớm hình thành ý chí cứu nước, cứu dân.

Cuối năm 1925, đồng chí được kết nạp vào tổ chức cách mạng Hội phục Việt ở Vinh. Sau đó về quê, đồng chí xây dựng ngay cơ sở cách mạng, xây dựng chi bộ của Việt Nam cách mạng Đảng (sau đó là Tân Việt Cách mệnh Đảng). Đầu năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời. Cũng thời gian đó, ngày 21-11-1930, Phan Đăng Lưu bị tòa án Nam triều ở Vinh đưa ra xử cùng với 60 đảng viên Đảng Tân Việt và bị kết án 3 năm tù khổ sai đày đi Buôn Mê Thuột. Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục được ý chí sắt đá và niềm tin mãnh liệt của Phan Đăng Lưu. Và ngay chính tại nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí được chi bộ Đảng kết nạp vào Đảng và tham gia ban lãnh đạo nhà tù.

Tại đây, đồng chí đã hăng hái tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại chế độ lao tù phản động; khéo léo tổ chức viết kiến nghị, viết báo đưa thông tin, tố cáo những chính sách tàn bạo của bọn cai ngục ra công chúng rộng rãi, tạo thành dư luận mạnh mẽ lên án chế độ nhà tù, khiến bọn cai ngục phải thực hiện cải thiện phần nào chế độ sinh hoạt của tù nhân.

Tờ báo Dân do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo

Những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù chính là môi trường đặc biệt để đồng chí đi tiên phong cùng với các chiến sĩ cộng sản kiên trung khác thể hiện tài trí và nghệ thuật đấu tranh trong tù, khôn khéo giữ bí mật về tổ chức Đảng và phong trào cách mạng, biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng. Vì vậy, đồng chí đã bị tăng án lên 5 năm tù khổ sai, cầm cố tại xà lim, bị liệt vào “loại nguy hiểm”.

Nhà báo cách mạng tiêu biểu

Giữa năm 1936, đồng chí Phan Đăng Lưu được ra tù nhưng lại bị quản thúc ở Huế. Tại đây, dù bị mật thám theo dõi thường xuyên, đồng chí vẫn tìm cách liên lạc với Đảng. Phan Đăng Lưu lại tiếp tục hoạt động cách mạng và đã có những đóng góp xuất sắc vào các cuộc vận động hợp pháp và nửa hợp pháp ở Trung kỳ như phong trào Đông Dương Đại hội (1936) “đón” Gôđa, hội nghị báo giới Trung kỳ. Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo các báo Sông Hương tục bản, Dân, đồng thời viết nhiều sách lý luận chính trị, lý luận văn học.

Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, năng lực tổ chức tài tình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã chỉ đạo phát huy rất hiệu quả vai trò của báo chí cách mạng, đưa báo chí trở thành công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức lực lượng đấu tranh. Đồng chí vừa là nhà tổ chức, chỉ đạo công tác báo chí cách mạng, vừa là cây bút sắc sảo, một chiến sĩ tiên phong trên mặt trận báo chí, với nhiều bài viết tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống bọn thực dân đế quốc, bọn phản động thuộc địa.

Tháng 9-1939, trước tình hình chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra và chế độ thực dân Pháp tăng cường bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương Đảng chỉ đạo rút vào Nam kỳ hoạt động bí mật và được phân công phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Nam kỳ. Theo đó, tháng 11- 1939, ông được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, được phân công chỉ đạo phong trào Nam kỳ.

Tháng 7-1940, Xứ ủy Nam kỳ hội nghị mở rộng để chuẩn bị khởi nghĩa, đồng chí Phan Đăng Lưu thay mặt Trung ương dự hội nghị. Lúc này, nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam kỳ chủ trương tiến hành khởi nghĩa nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu là một trong những người sớm nhận thức được yêu cầu phải khẩn trương tổ chức tái lập Ban Chấp hành Trung ương và ngăn cuộc khởi nghĩa nổ ra bởi thời cơ chưa chín muồi. Với sự phân tích sâu sắc điều kiện để khởi nghĩa, tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí đã kiên trì đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa, chờ ý kiến chính thức của Trung ương.

Sau hội nghị, đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra Bắc để báo cáo và xin chỉ thị của Trung ương Đảng. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm quyền Tổng Bí thư. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1940 nhận định chưa đủ điều kiện để khởi nghĩa ở Nam kỳ, nên cử ông vào Nam để hoãn cuộc khởi nghĩa.

Tuy nhiên, ngày 22-11- 1940, khi đến Sài Gòn thì ông bị bắt. Khi bị địch bắt lần thứ hai, ông bị tòa án thực dân kết án tử hình. Dù địch đã dùng đủ mánh khóe xảo quyệt và dã man, nhưng ông vẫn nêu cao khí tiết cộng sản, bảo vệ bí mật của Đảng và lợi ích cách mạng. Ngày 3-3-1941, đế quốc Pháp mở tòa án binh xử một số đồng chí, trong đó có ông. Và đồng chí Phan Đăng Lưu bị thực dân Pháp kết án tử hình. Thời gian trong xà lim án chém, đồng chí vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, trở thành tấm gương sáng về ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, với tinh thần “Còn sống còn chiến đấu, còn hơi thở còn xây dựng Đảng”. q

Cuộc đời đồng chí Phan Đăng Lưu là một tấm gương sáng ngời phẩm chất và đạo đức cách mạng của người cộng sản. Nét nổi bật nơi ông là niềm tin tuyệt đối vào Đảng, vào thắng lợi của cách mạng. Một niềm tin sắt đá, mãnh liệt, thấm sâu vào tâm hồn ông, thể hiện ở tư tưởng, lời nói, việc làm, ở toàn bộ lối sống của ông. Phan Đăng Lưu là tấm gương người cộng sản mẫu mực, phấn đấu, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của một người thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=559
Quay lên trên