Đồng chí Võ Văn Minh, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, hiện đại

Thứ bảy, ngày 14/01/2023

(BDO) Vượt lên những thách thức, đạt được những kết quả khả quan trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh tiếp tục cam kết tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, đồng hành, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư để nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và hiện đại. Đó là khẳng định của đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương trước thềm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

 Đồng chí Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm Công ty TNHH SHARP, Khu công nghiệp VSIP II-A

 - Năm 2022, dù gặp không ít khó khăn, kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn tiếp tục phát triển, đồng chí có thể cho biết những thành tựu nổi bật của tỉnh nhà trong năm qua?

- Năm 2022, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức khó lường nhưng với tinh thần chủ động, quyết liệt, kịp thời của Đảng bộ, chính quyền, cùng nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế - xã hội của tỉnh đã phục hồi và đạt nhiều kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tỉnh đạt và vượt 29 chỉ tiêu kế hoạch năm, GRDP ước tăng 8,02%, thương mại và dịch vụ phục hồi nhanh ở tất cả ngành, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát.

Đặc biệt, sản xuất công nghiệp giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,9% so với năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh đạt 154.473 tỷ đồng, tăng 12,9% với năm 2021, đứng thứ 3 cả nước. Quy mô nền kinh tế đạt 459.032 tỷ đồng, đứng thứ 3 trong cả nước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 61,5 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại đạt 10 tỷ đô la Mỹ. Thu hút đầu tư nước ngoài 3,1 tỷ đô la Mỹ và gần 100.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài gần 40 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 2 cả nước (sau TP.Hồ Chí Minh) và gần 630.000 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tương đương 25 tỷ đô la Mỹ. Thu ngân sách 66.028 tỷ đồng, đạt 110% dự toán đầu năm.

Những chỉ số phát triển của năm 2022 thêm một lần nữa khẳng định Bình Dương tiếp tục giữ vững vị thế của mình trong phát triển kinh tế - xã hội sau khó khăn của dịch bệnh Covid-19; đồng thời là nền tảng để Bình Dương tiếp tục vươn mình theo định hướng sẵn có, vượt qua những khó khăn thách thức được dự báo trong thời gian tới.

Trong năm 2022, nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng đã được khởi động, gấp rút thi công và hoàn thành như đường, cầu nối Bình Dương với Tây Ninh, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng Quốc lộ 13, ĐT746, VSIP III… đồng thời khẩn trương triển khai thủ tục đầu tư các dự án giao thông nội tỉnh, liên vùng. Đề án Thành phố thông minh Bình Dương tiếp tục khẳng định chiến lược, tầm nhìn và được ICF vinh danh Top 7. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số được quan tâm, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được triển khai mạnh, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hiện đã có 23/25 dịch vụ công thiết yếu được thực hiện trên nền tảng số hóa. Các dữ liệu số của một số ngành xây dựng, môi trường, tài nguyên, giao thông đã và đang được thực hiện.

Đến nay, Bình Dương đã số hóa được 930.322 triệu hồ sơ hộ tịch, đạt tỷ lệ 100%, vượt tiến độ, yêu cầu đề ra, giảm chi phí thuê máy, tiết kiệm được hơn 45% ngân sách Nhà nước. Dữ liệu “đúng, đủ, sạch” và đưa vào sử dụng ngay, thuận lợi cho công tác cải cách hành chính, là cái gốc để đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến phục vụ nhân dân, doanh nghiệp. Hai nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Đề án 06 vào những tháng cuối năm 2022, chúng ta đã tự chủ động trong việc đăng ký thực hiện nhiệm vụ với Chính phủ. Đặc biệt, Bình Dương là một trong số ít các tỉnh đi đầu triển khai thí điểm thành công mô hình số hóa hồ sơ hộ tịch và an sinh xã hội, đánh dấu bước ngoặt lớn để tỉnh khẳng định mình trong triển khai thực hiện Đề án 06. Tất cả đang tạo ra lực đẩy mới để Bình Dương bước vào năm 2023 vững tin hơn, với nhiều kỳ vọng hơn.

- Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ, kết nối có phải là những định hướng mà Bình Dương sẽ tập trung thực hiện trong năm 2023 và những năm kế tiếp, thưa đồng chí?

- Năm 2023, UBND tỉnh xác định thực hiện 35 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 11 giải pháp trọng tâm. Trong đó, GRDP tăng 8,5-8,7% so với năm 2022. Công nghiệp tiếp tục là ngành kinh tế chủ lực và giữ vai trò thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác của nền kinh tế, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2023 tăng 8,9% so với cùng kỳ. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số.

Trong năm 2023, tỉnh đề ra các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng hành với những khó khăn của doanh nghiệp, UBND tỉnh sẽ lập các tổ công tác tháo gỡ vướng mắc. Thứ nhất là tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó tỉnh cũng thành lập tổ công tác tháo gỡ những khó khăn hiện hữu cho các doanh nghiệp về thị trường, nguyên vật liệu sản xuất, nhân lực… Thứ đến, tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn về thủ tục đất đai, môi trường theo đúng quy định, tạo động lực cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung cải cách hành chính, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Song song đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên nguồn lực thích hợp cho các lĩnh vực như giao thông, chỉnh trang đô thị, cấp thoát nước công cộng, giáo dục, y tế. Tập trung đẩy nhanh tiến độ khởi công đường Vành đai 3 theo chỉ đạo của Chính phủ, đẩy nhanh công tác bồi thường Quốc lộ 13, đường Vành đai 4, triển khai các dự án đường Chơn Thành - Thủ Dầu Một, tuyến đường sắt Bàu Bàng, cảng An Tây... Khởi công nút giao thông Phước Kiến, Sóng Thần - Phạm Văn Đồng… để mở rộng kết nối theo hướng liên vùng, đa phương thức vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hoàn thành và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

- Chuyển đổi số, thu hút đầu tư chất lượng cao, tỉnh sẽ có giải pháp cụ thể nào để hiện thực hóa mục tiêu này, thưa đồng chí ?

- Về công nghiệp, tỉnh sẽ tập trung phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp quy mô lớn, hiện đại nhằm thu hút các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, lựa chọn ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh… Từng bước hình thành chuỗi ngành công nghiệp sạch đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa, tăng năng suất lao động, tạo tiền đề vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Năm 2023 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số 2021- 2025 đã ban hành, trong đó có cả thúc đẩy phát triển về chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; tiếp tục đẩy nhanh Đề án 06 theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân; đồng thời vận hành có hiệu quả Trung tâm Giám sát điều hành thông minh (IOC). Tỉnh chủ động xây dựng nhiều đề án, cơ sở dữ liệu của các ngành về số hóa thông tin doanh nghiệp, đất đai, môi trường, xây dựng, hộ tịch, lao động… làm nền tảng xây dựng nên hệ thống cơ sở dữ liệu phong phú của tỉnh để sử dụng trong nhiều mục tiêu khác nhau, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng như phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Đây là cơ sở hết sức cần thiết, quan trọng để kết nối và khai thác nguồn tài nguyên thông tin chung của quốc gia.

Về xã hội số, Bình Dương nỗ lực tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến; lắp đặt hệ thống camera giám sát bảo đảm an ninh trật tự, ra mắt App "Bình Dương số" để người dân tra cứu thông tin. Đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo sự tiện ích cho người dân…

Về kinh tế số, Bình Dương cũng tập trung đẩy nhanh phát triển mô hình các khu công nghiệp mới ứng dụng công nghệ và kinh tế số, cũng như góp phần nâng cấp những khu công nghiệp truyền thống hiện hữu. Cập nhật những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư kinh doanh của Bình Dương, các chính sách thuế về đất đai, nguồn lao động, năng lượng, chế độ, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh… để đón dòng vốn đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến kinh doanh lâu dài. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hợp tác với các tập đoàn uy tín về công nghệ để đưa ra các giải pháp phát triển công nghệ trong doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TIỂU MY (thực hiện)