Theo thông báo của Viện địa lý quân sự Chile hôm 26-4, trước vụ động đất hồi tháng 2, Chile đang cùng toàn bộ châu lục dịch chuyển theo hướng đông bắc về phía châu Phi. Nhưng hiện nay, vùng đất này đi theo hướng ngược lại: về phía tây nam ra biển Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đã phát hiện ra sự dịch chuyển 3-4 cm mỗi ngày trong khu vực thành phố Cobquecura và Concepcion (cách thủ đô Santiago 500km), nghĩa là một mét mỗi tháng và cả vùng đất sẽ tiến ra biển”, ông Juan Vidal, Giám đốc của Viện địa lý quân sự Chile, cảnh báo.
Cơ quan này có 50 trạm đo đạc lắp đặt từ miền trung đến miền nam Chile để quan sát sự biến đổi địa lý. Họ cho hay sự khác biệt hiện khó thấy bằng mắt thường nhưng sẽ là cả vấn đề đối với ngành đo đạc bản đồ và tính pháp lý về chủ quyền đất đai.
Các trường đại học kỹ thuật của Mỹ như đại học Hawai, Ohio, Memphis, Viện công nghệ California... cũng vào cuộc để nghiên cứu hiện tượng thú vị này. Nhóm nghiên cứu suy luận sự dịch chuyển của các thành phố bằng cách so sánh vị trí chính xác qua ảnh định vị vệ tinh 10 ngày trước và 10 ngày sau thời điểm động đất.
Hậu quả của vụ động đất này là 486 người chết, 79 người mất tích và ước tính thiệt hại khoảng 30 tỷ USD.
Họ nhận ra một số khu vực khác ở Nam Mỹ, không chỉ Chile, cũng có dịch chuyển về phía tây. Ví dụ Buenos Aires, thủ đô của Argentina, cũng trượt sang phía tây 1 inch (2,34 cm). Thủ đô Santiago của Chile trượt rõ rệt đến 11 inch (25,7 cm) về hướng tây nam. Các thành phố Valparaiso và Mendoza của Argentina, nằm phía đông bắc Concepcion cũng có mức dịch chuyển đáng kể.
Tâm chấn của trận động đất thuộc khu vực được mệnh danh là “vòng lửa” của trái đất - một khu vực xuất hiện nhiều cơn địa chấn lớn bao quanh Thái Bình Dương. Dọc theo “vòng lửa” này, các mảng địa tầng di chuyển va chạm vào nhau ở những vùng đứt gãy. Trong vụ động đất ở Chile hôm 27-2, mảng kiến tạo Nazca bị ép xuống phía dưới mảng Nam Mỹ.
Theo Tuổi Trẻ