Đong đầy yêu thương những chuyến tàu xuân

Cập nhật: 18-01-2023 | 08:34:18

Đến hôm nay, hàng ngàn lao động làm việc tại Bình Dương đã lên “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” về đoàn tụ với gia đình trong ngày tết. Có người 3 năm, 5 năm, thậm chí có người lâu hơn chưa đón tết tại quê nhà cùng gia đình và người thân. Những chuyến tàu chuyển bánh đã chở theo bao nhung nhớ, niềm hạnh phúc và cả hy vọng cho một năm mới tốt lành.

 Cán bộ Công đoàn hướng dẫn gia đình công nhân xuất phát lên tàu về quê đón tết

 Nghĩa tình Bình Dương

 Ngày 13-1, một ngày khó quên của hàng trăm công nhân lao động khi đặt chân lên “Chuyến tàu xuân nghĩa tình” đầu tiên tại ga xe lửa Dĩ An (TP.Dĩ An), khởi đầu cho hành trình về quê đón tết của hơn 5.000 lao động từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc bằng tàu hỏa. Dù phải đến 6 giờ 30 phút chuyến tàu đầu tiên mới khởi hành, nhưng trước đó từ 4 giờ sáng, rất nhiều người đã đến ga tàu.

Được nhận bao lì xì từ lãnh đạo tỉnh, cuốn báo xuân của Báo Bình Dương có nhiều nội dung về thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương một năm sau dịch bệnh, chị Trần Thị Bình, quê tỉnh Hà Tĩnh, làm việc tại một Công ty gỗ tại KCN Rạch Bắp, TX.Bến Cát trân trọng lật từng trang rồi nhỏ nhẹ nói ra những lời tận đáy lòng: “Nghĩa tình của Bình Dương rất lớn, chúng tôi không bao giờ quên. 2 năm qua khi dịch bệnh ập đến, người lao động xa quê như chúng tôi sống nhờ vào trợ cấp từ các nguồn hỗ trợ trong tỉnh, chính quyền địa phương và cả chủ trọ. Nay được lãnh đạo tỉnh trực tiếp đến làm lễ, tiễn đưa về quê, bản thân cảm thấy xúc động vô cùng.

Tôi sẽ quay trở lại làm việc sau tết đúng hẹn”. Ngồi lặng lẽ một góc bên nhà ga cùng đứa cháu nội 5 tuổi, bà Nguyễn Thị Tuân, quê tỉnh Hà Tĩnh, làm tạp vụ tại Công ty Đại Lộc (xã An Điền, TX.Bến Cát) hồi hộp, bồn chồn mỗi khi nghe tiếng còi tàu hụ vang từ xa. “3 tuần nay, đứa cháu của tôi nó cứ đếm lùi từng ngày để chờ đến ngày lên đường về quê. Ba mẹ cháu không hạnh phúc, nên mỗi đứa mỗi đường. Bố cháu về quê đã 2 năm nay, mẹ thì đi lấy chồng khác. Tôi vừa làm bà, vừa làm mẹ để nuôi cháu. Nó mong từng ngày để được về quê gặp ba, làm tôi cũng mong theo”, bà Tuân chia sẻ. 3 năm trước, sau khi chăm lo cho người chồng sau nhiều năm bị tai biến rồi qua đời, bà Tuân vào Bình Dương mong tìm được một công việc để lo cho đứa cháu nội đáng thương.

Do tuổi cao, bà không được làm công nhân, chỉ xin được công việc tạp vụ. Khi vừa có việc thì dịch bệnh ập đến, phải sống nhờ vào sự trợ giúp của địa phương, chủ trọ và nhà hảo tâm tại xã An Điền. Bà trải lòng: “Ngày đó tôi chỉ sống nhờ vào tiền hỗ trợ chính sách, hỗ trợ nhu yếu phẩm từ các nguồn tại địa phương, nhưng bà cháu tôi chưa lúc nào bị đói. Người Bình Dương rất nghĩa tình, lúc thấy người lao động khó khăn là ra tay tương trợ, không tính toán, so đo. Như chủ trọ nơi tôi ở, nhiều tháng liền không lấy của bà cháu tôi đồng nào, hỗ trợ luôn cả điện, nước, gạo và lương thực. Tết đến thì nhận đủ thứ quà từ các cấp Công đoàn, tỉnh và địa phương trao tặng”.

Nhớ mâm cỗ tất niên, hương vị tết quê

Dõi theo “Chuyến tàu xuân nghĩa tình”, P.V ghi nhận bao niềm hạnh phúc của người lao động xa quê khi nhiều năm nay không được về quê đón tết. Với người lớn tuổi, họ nhớ quê, nhớ con, nhớ chồng, nhớ ngôi nhà thân yêu sau nhiều năm tạo dựng. Với người trẻ, họ mong mỏi từng ngày để được đoàn tụ bên mẹ, cha trong ngày tết, trong vòng tay yêu thương của gia đình. Dù là ai, ở bất cứ đâu, cái hương vị tết quê, mâm cỗ tất niên, nồi bánh chưng, bánh tét đêm giao thừa đã hằn in trong tâm trí mọi người.

Và khi tết đến nó lại hiện rõ, nó hối thúc, làm nôn nao cõi lòng mỗi người... Nhìn những đứa bé trong vòng tay cha, mẹ cùng mớ hành trang đặt chân lên toa tàu về quê nội, ngoại mới thấy chúng hạnh phúc làm sao. Ý nghĩa từ những “Chuyến tàu xuân”, “Chuyến xe xuân”, “Chuyến máy bay xuân” là vô cùng to lớn với người lao động xa quê trong những ngày qua. Nguyễn Văn Anh 32 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa, công nhân Công ty TNHH Hóa phẩm Việt Ling (phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, mở lời tâm sự trên đường di chuyển từ Trung tâm Văn hóa phường Dĩ An ra ga tàu: “3 năm rồi em không về quê đón tết. Điều em mong muốn lúc này là về quê thật nhanh. Đến nhà là chạy vào ôm mẹ thật chặt, em nhớ mẹ lắm rồi”. Chỉ nói đến đó, Nguyễn Văn Anh nghẹn ngào, mắt ngấn lệ. “Cứ ngày tết là em nhớ cảnh đi chặt lá, nấu bánh, ngồi làm gà để lo mâm cỗ tất niên. Bố mẹ đã già, không biết sẽ đón được tết bao nhiêu lần nữa với mình. Chỉ nghĩ đến đó thôi là em đã muốn khóc”. Khi được hỏi: Vậy năm sau mình lại tiếp tục xin Công đoàn vé tàu về quê? Nguyễn Văn Anh bật cười trong hạnh phúc: “Không được đâu anh, năm sau phải nhường vé cho bạn khác nữa chứ, ai cũng có quê nhà mà anh”. Ngồi lên ghế toa tàu, vợ chồng Nguyễn Công Tùng, Đào Thị Hiền cùng quê tỉnh Nghệ An đang làm việc tại một công ty sản xuất đế giày tại KCN Mỹ Phước 1, TX.Bến Cát vui vẻ chia sẻ qua ô cửa: “Bây giờ niềm vui rất khó tả, nó cứ lâng lâng trong người làm sao đấy anh ạ. Em nhớ hương vị quê nhà, nhớ mọi thứ. Năm mới em mong muốn người thân, bạn bè bình an.

Chỉ mong muốn vậy thôi. Xin chào! Hẹn gặp lại Bình Dương”. Xin chào! Hẹn gặp lại Bình Dương... Câu nói của Tùng vọng lại khi chuyến tàu rời đi càng thêm ý nghĩa cho “Chuyến tàu xuân” năm nay. Họ ra đi để lại trở về, cùng chung tay, góp sức cho một Bình Dương ngày càng phát triển, phồn vinh.

 NĂM NAY, BÊN CẠNH CHĂM LO CÁC MẶT CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH, LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH PHỐI HỢP VỚI CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN TRONG TỈNH TRAO TẶNG 5.000 VÉ TÀU, 32 VÉ MÁY BAY VÀ HÀNG NGÀN VÉ XE CHO CÔNG NHÂN LAO ĐỘNG CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN SAU NHIỀU NĂM KHÔNG VỀ QUÊ ĐÓN TẾT VỚI TRỊ GIÁ LÊN ĐẾN HÀNG CHỤC TỶ ĐỒNG.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên