Đóng góp giải pháp phòng ngừa nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế

Cập nhật: 07-11-2024 | 09:13:17

Sở Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh: “Giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế góp phần phục hồi, phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là đề tài). Đề tài do Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì nghiên cứu; Trung tướng, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Yêm, Viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, làm chủ nhiệm đề tài. Tại buổi nghiệm thu, Hội đồng Khoa học tỉnh đã đánh giá đề tài thực hiện đạt xuất sắc, thống nhất thông qua đề tài.

 Công an huyện Dầu Tiếng phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống tội phạm cho công nhân tại các khu nhà trọ trên địa bàn xã Minh Hòa

 Đề xuất nhiều giải pháp

Thời gian qua, Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5-1-2017 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế” (gọi tắt là Chỉ thị số 12-CT/TW). Công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện thống nhất, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, giữ vững sự tăng trưởng và ổn định nền kinh tế tỉnh nhà.

Bên cạnh những thuận lợi, hiện vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh, như các nguy cơ đe dọa đến an ninh nội bộ, tài chính tiền tệ, nguồn lực lao động, đứt gãy đơn hàng, đứt gãy chuỗi sản xuất, lưu thông và xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là tình hình tội phạm vềtham nhũng, kinh tế, buôn lậu... Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết công tác chủ động phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh là vấn đề rất cấp bách cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh giao Công an tỉnh, các sở, ban ngành, địa phương của tỉnh phối hợp với Viện An ninh phi truyền thống, Trường Quản trị và Kinh doanh Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ: “Giải pháp phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế góp phần phục hồi, phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Dương”. Mục đích của đề tài nhằm nhận diện các nguy cơ đe dọa kinh tế đã và đang xảy ra tại Bình Dương; đánh giá thực trạng; dự báo và đề xuất xây dựng các phương án, kịch bản khung phòng ngừa, ứng phó với các thách thức, mối đe dọa an ninh kinh tế, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Nhóm nghiên cứu đề tài đã làm rõ tình hình an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào một số loại an ninh kinh tế, như: Phòng ngừa, ứng phó nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế và bẫy thu nhập trung bình trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, ứng phó nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực, đứt gãy chuỗi sản xuất trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, ứng phó các nguy cơ đe dọa an ninh doanh nghiệp và phát triển các khu công nghiệp, đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh… Để phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhóm nghiên cứu đềtài đã đưa ra 3 giải pháp chung: Thực hiện các giải pháp kinh tế - xã hội; thực hiện các giải pháp cơ chế, chính sách, pháp luật, tuyên truyền, giáo dục; thực hiện các giải pháp quan hệ phối hợp các lực lượng và hợp tác quốc tế.

Bảo đảm có tính thực tiễn cao

Phản biện đề tài, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, đánh giá cao kết quả nghiên cứu đề tài; khẳng định đề tài đạt xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, có tính thực tiễn, ứng dụng cao. Theo ông, đây là công trình tổng hợp được nhiều nguồn tài liệu, tiến hành khảo sát các bên có liên quan đến an ninh kinh tế. Đề tài đã đưa ra 2 sản phẩm rất quan trọng, đó là bộ tiêu chí đánh giá mức độ rủi ro an ninh kinh tế và khung giải pháp về phòng ngừa ứng phó mức độ rủi ro...

“An ninh kinh tế là vấn đề rất quan trọng trong phục hồi, phát triển kinh tế bền vững của Bình Dương trong thời gian tới. Theo tôi, đối với khung giải pháp về phòng ngừa ứng phó mức độ rủi ro, tỉnh Bình Dương có thể nghiên cứu áp dụng triển khai ngay. Tôi tin tưởng, sau khi triển khai, đề tài sẽ góp phần xây dựng trụ cột kinh tế của tỉnh bền vững hơn”, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài nói.

Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: “Chúng tôi đánh giá rất cao đề tài này, đề tài vừa mang tính lý luận sâu sắc vừa gắn với thực tiễn của tỉnh Bình Dương nói riêng cũng như cả nước nói chung. Đề tài phân tích, đánh giá thực trạng tình hình, từ đó đề ra những giải pháp để triển khai ứng dụng. Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai những chương trình, kế hoạch để bảo đảm an ninh kinh tế trên địa bàn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Ban Giám đốc Công an tỉnh cũng sẽ ban hành chương trình, kế hoạch để triển khai phân công lực lượng thực hiện đồng bộ các phương án bảo đảm an ninh, an toàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà”.

 Trung tướng - Tiến sĩ Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.Hồ Chí Minh: Để đề tài được ứng dụng, sớm phát huy hiệu quả vào thực tế, theo tôi cần biên tập công trình nghiên cứu khoa học này theo các cấp độ khác nhau và sử dụng làm tài liệu trong giáo trình quốc phòng - an ninh tại địa phương. Thông qua đề tài giúp người dân nâng cao nhận thức, nhận diện kịp thời những nguy cơ đe dọa về an ninh kinh tế. Nhân dân là những pháo đài không bị lôi kéo, tấn công trước những thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.

 PHƯƠNG LÊ - QUANG TRÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=137
Quay lên trên