Đóng góp khi lành, để dành khi ốm
(BDO) Hiện nay, người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) được xem là hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”. Tấm thẻ BHYT như “phao cứu sinh” cho người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không may bị ốm đau, bệnh tật.
Lãnh đạo TP.Tân Uyên thăm, tặng quà bệnh nhân bảo hiểm y tế điều trị chạy thận tại Trung tâm Y tế thành phố
Giảm gánh nặng kinh tế
Nhờ tham gia BHYT, nhiều trường hợp không may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi có quỹ BHYT chi trả các chi phí khám, chữa bệnh (KCB). Có những người, chi phí KCB lên tới cả tỷ đồng/đợt điều trị. Điển hình như trường hợp bà Nguyễn Thị Lúa (TP.Bến Cát) điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã gần 1 tháng, vừa thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Bà Lúa nhập viện khi bị tai nạn giao thông trong tình trạng đa chấn thương, gãy xương đòn, xương đùi, dập phổi, tràn khí màng phổi.
Nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, Sở Y tế phối hợp với BHXH tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT. Công tác giám định được thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm đúng người, đúng thẻ và kiểm tra, đánh giá chỉ định điều trị. Đặc biệt, ngành đề ra biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, chống thất thoát nguồn kinh phí KCB BHYT, có nguy cơ ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân tham gia”. (Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế) |
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu, mở đặt ống dẫn lưu dịch phổi, cung cấp oxy điều trị dập phổi, mổ cấp cứu xương đòn, xương đùi. Hiện chi phí phẫu thuật xương rất cao, nếu bệnh nhân không được đền bù, gia cảnh lại khó khăn thì đây là một áp lực vô cùng lớn. Tuy nhiên, bà Lúa có thẻ BHYT, mọi chi phí điều trị, thuốc thang đều được BHYT thanh toán. Bác sĩ cũng chủ động hơn trong việc lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân.
Hay như trường hợp ông Lê Đủ ở TP.Tân Uyên nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp. Gia đình ông Đủ có thu nhập ổn định, các con ông có điều kiện kinh tế khá và đều tham gia BHYT. Ông Đủ cho biết: “Tôi vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị trong tình trạng đau tim cấp. Các bác sĩ phải phẫu thuật đặt stent mạch vành. Chi phí ca phẫu thuật mất khoảng 300 triệu đồng nhưng nhờ có BHYT nên tôi được thanh toán chi phí điều trị. Thẻ BHYT đã chia sẻ và đỡ đần kinh tế cho gia đình tôi khi bớt đi gánh nặng, không phải lo tiền chạy chữa nên tôi yên tâm điều trị”.
Hiện đa số bệnh nhân chạy thận tại khoa chạy thận nhân tạo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thành phố đều là bệnh nhân nghèo, mắc suy thận độ 3, độ 4. Để duy trì sự sống, mỗi bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải lọc máu hàng tuần, hàng tháng, chi phí cho mỗi bệnh nhân lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chi trả chi phí điều trị tốn kém, nếu không có chính sách BHYT, không có thẻ BHYT thì không ít bệnh nhân gặp khó về tài chính, thậm chí không có khả năng điều trị. Tấm thẻ BHYT như “phao cứu sinh” cho người dân trong những lúc cần kíp nhất.
Hướng đến bao phủ toàn dân
Thời gian qua, chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn không may bị tai nạn, ốm đau, bệnh hiểm nghèo. Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 92% dân số tham gia. Số cơ sở tham gia KCB BHYT là 173 cơ sở.
Thực tế cho thấy, nguồn thu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh và một số đơn vị KCB công lập chủ yếu từ BHYT. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp nhập viện không có BHYT, chi phí điều trị cao, bệnh nhân không thể chi trả hết. Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết để người bệnh thụ hưởng tốt nhất chính sách ưu việt BHYT, thời gian qua bệnh viện đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, chú trọng nâng cao chất lượng chuyên môn, y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ; tăng cường quản lý tuân thủ phác đồ điều trị và quản lý kê đơn; công khai, minh bạch quy trình KCB BHYT và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Qua đó, bệnh viện từng bước đáp ứng tốt hơn nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân và hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
“Chúng tôi mong muốn BHYT bao phủ toàn dân để bệnh viện chỉ tập trung vào chuyên môn, không phải đắn đo, lựa chọn phương án điều trị cho bệnh nhân và bệnh nhân nào cũng an tâm điều trị, không phải lo về viện phí”, bác sĩ Dương Tấn Tài chia sẻ thêm.
KIM HÀ