Đồng hành cùng những người “đầu sóng ngọn gió”

Thứ ba, ngày 11/05/2010

“Dù không phải là địa phương có biển nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương vẫn luôn hướng về biển, đảo nhằm kịp thời động viên các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ đất trời quê hương”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Vũ Minh Sang đã nói như vậy tại Lễ kỷ niệm 55 năm truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng (7.5.1955 - 7.5.2010) vừa diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao tặng tượng trưng chiếc xuồng Trường Sa ký hiệu CQ-01 cho Quân chủng Hải quân

Quỹ nghĩa tình biển đảo

Minh chứng cho điều mà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương Vũ Minh Sang nói, Bình Dương đã có những hành động thiết thực nhằm động viên các chiến sĩ hải quân, như: Triển khai cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, tổ chức các đoàn cán bộ ra đảo để hiểu hơn về con người và vùng đất xa xôi nhưng rất đỗi thiêng liêng của Tổ quốc; kết nghĩa với đơn vị quân đội tại đảo Nam Yết... Đây là dịp để thế hệ trẻ hôm nay nhận thức được sự thiêng liêng của biển đảo, tự hào về những người lính biển Việt Nam và nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão về bảo vệ Tổ quốc.

Tại buổi giao lưu kỷ niệm 55 năm ngày Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Minh Sang cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể luôn đồng hành cùng Hải quân Việt Nam bằng những việc làm cụ thể, như thành lập quỹ nghĩa tình biển đảo để vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng góp sức ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần, kịp thời động viên những chiến sĩ hải quân đang ngày đêm canh giữ đất trời, nơi “đầu sóng ngọn gió”. Ngoài việc tặng Quân chủng Hải quân một chiếc xuồng Trường Sa, ký hiệu CQ-01 với trị giá hơn 3 tỷ 9 triệu đồng để hỗ trợ việc tuần tra, canh gác biển đảo, nhiều tổ chức đoàn thể của Bình Dương cũng đã có những món quà ý nghĩa như tặng máy vi tính, ti vi, máy in và hàng ngàn tem, thư cho cán bộ chiến sĩ hải quân...

Ước mơ được một lần ra đảo

Cô Lê Thị Kiều Oanh, giáo viên trường THCS Nam Kỳ Khởi Nghĩa của huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, người đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi tìm hiểu về “Biển, đảo quê hương và truyền thống 55 năm Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng” cho biết ước nguyện: “Tôi mong ước một ngày nào đó sẽ được ra đảo để tận mắt chứng kiến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, chứng kiến những chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, đang canh giữ sự bình yên cho Tổ quốc”. Tại lễ trao giải của cuộc thi, cô giáo Oanh (đoạt giải nhì, không có giải nhất), cho biết đây là lần đầu tiên cô tham gia một cuộc thi mang ý nghĩa sâu sắc, bởi ngay từ những ngày còn nhỏ, cô giáo Oanh đã rất mê bài thơ nói về chú hải quân đứng canh ngày canh đêm ngoài biển cả. Sau khi cuộc thi tìm hiểu về biển đảo được phát động, cô đã không ngần ngại đăng ký tham gia. Càng tìm hiểu về biển đảo, về những vùng đất xa xôi của Tổ quốc, cô càng thấy sự thiêng liêng, cao quý và tự hào về những người lính. Tình thương yêu của cô đối với những con người nơi đây vì thế cũng luôn dâng trào.

Là một giáo viên, ngoài sự quan tâm của cá nhân về biển đảo, cô cũng hứa sẽ giới thiệu,

giảng dạy cho các em học sinh hiểu biết nhiều hơn về những vùng biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam; về sự anh dũng, quả cảm và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền đất nước của hải quân Việt Nam. Từ đó, góp phần khơi gợi thêm tinh thần yêu quê hương, đất nước trong giới trẻ, tạo hành trang cho thế hệ trẻ trên con đường học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

KỲ TÂN