Để người lao động (NLĐ) gắn bó lâu dài, xem Bình Dương là quê hương thứ hai, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm tổ chức các hoạt động, xây dựng các chính sách thiết thực để chăm lo cho đoàn viên, công nhân cả về vật chất lẫn tinh thần như xây nhà ở xã hội (NƠXH), đào tạo nghề, xây “mái ấm công đoàn”, hỗ trợ khi ốm đau, khó khăn, bệnh tật... Nhờ đó, lực lượng lao động trong tỉnh được quan tâm, chăm lo chu đáo; không ít gia đình sớm ổn định cuộc sống, có điều kiện nuôi con ăn học đầy đủ.
Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm đến đời sống người lao động có hoàn cảnh khó khăn và có các chính sách chăm lo thiết thực
Niềm vui ngày cuối năm
Năm 2023, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều lao động tại Bình Dương tiếp tục gặp khó khăn về thu nhập, việc làm. Vậy là thêm một năm, công đoàn các cấp trong tỉnh trở thành chỗ dựa tinh thần vững chắc cho NLĐ, đặc biệt là lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ngày cuối năm, khi được lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cùng Công đoàn cơ sở (CĐCS) Công ty TNHH Yazaki Eds (TP.Dĩ An) đến thăm, động viên và trao hỗ trợ số tiền 10 triệu đồng từ Quỹ “Hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn” tỉnh, chị Trần Thị Ngọc Châu không giấu được nước mắt. Chị Châu chia sẻ: “Sau những ngày tháng bệnh đau, nếu không được công đoàn các cấp trợ giúp, không biết gia đình phải xoay sở ra sao khi tiền viện phí phải lo là r ất lớn…”.
Trong năm qua, với sự kêu gọi của Công đoàn tỉnh, các cấp công đoàn, NLĐ, doanh nghiệp, các cá nhân trên địa bàn tỉnh cùng chung tay hỗ trợ vào nguồn quỹ trên. Qua đó, hàng trăm lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ, vượt qua những lúc khó khăn nhất. Bên cạnh đó, Công đoàn tỉnh còn thực hiện nhanh, nhạy các chính sách hỗ trợ những lao động mất việc, ngừng việc, giảm giờ làm; hỗ trợ tìm việc mới cho NLĐ cùng hoạt động chăm lo đời sống như tổ chức các phiên “chợ 0 đồng”, các phiên bán hàng giá gốc, giảm giá từ 20 - 40%/sản phẩm, mở thêm nhiều siêu thị bán hàng giá gốc ngay tại doanh nghiệp... giúp NLĐ tiết kiệm được chi tiêu, chăm lo cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó cũng phải kể đến các chương trình chăm lo sức khỏe cho NLĐ, tặng học bổng, hỗ trợ con em công nhân đến trường…
LĐLĐ tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với CĐCS nắm bắt từng hoàn cảnh đoàn viên, công nhân. Qua đó, không chỉ hỗ trợ vật chất mà đơn vị còn phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp tạo dựng nhiều “mái ấm công đoàn”, mang lại niềm vui to lớn cho đoàn viên, công nhân đang khó khăn về chỗ ở. Mới đây, khi được chương trình “mái ấm công đoàn” của LĐLĐ tỉnh gọi tên, chị Tống Thị Ngọc, công nhân Công ty TNHH Fujikura Optics (TP.Thuận An) hạnh phúc đến nghẹn ngào. Không vui sao được khi sau nhiều năm lập nghiệp, vợ chồng chị Ngọc phải nhờ gia đình hỗ trợ thêm mới mua được mảnh đất nhỏ. Hai năm nay, công việc của chồng bấp bênh, đồng lương của chị chỉ đủ lo tiền ăn, tiền trọ, tiền học cho con và chưa biết đến bao giờ mới có đủ tiền xây nhà.... Chị Ngọc tâm sự: “Vậy là gia đình mình từ nay chính thức thoát cảnh ở trọ. Có nhà rồi gia đình sẽ cố gắng nhiều hơn”.
Giúp người lao động ổn định lâu dài
Bên cạnh quan tâm, chăm lo, giúp NLĐ từng bước ổn định trên hành trình lập nghiệp, từ nhiều năm trước, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có chiến lược giúp NLĐ gắn bó lâu dài với Bình Dương. Đó là giúp NLĐ có nhà, sở hữu được ngôi nhà làm “tổ ấm” an cư lạc nghiệp. Và tầm nhìn ấy đã được cụ thể hóa bằng hàng ngàn căn NƠXH ở các địa phương trong tỉnh.
Quỹ “Hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” tỉnh đã giúp cho nhiều người lao động vượt qua được lúc khó khăn nhất
Hiện Bình Dương đã đáp ứng chỗ ở cho khoảng 200.000 người với khoảng 60.000 căn NƠXH. Mục tiêu đến năm 2030, địa phương sẽ xây dựng thêm hơn 170.000 căn, đáp ứng chỗ ở cho 678.000 người, trở thành điểm sáng của cả nước về xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, công nhân. Điển hình như các khu NƠXH kiểu mẫu Hòa Lợi, Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một), hay các khu NƠXH khác tại TP.Thuận An, TX.Bến Cát, huyện Bàu Bàng... đã tạo ra không gian sống lý tưởng cho công nhân lao động xa quê.
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, vợ chồng anh Phạm Hoàng Nam (quê tỉnh Thanh Hóa) trang trí lại “tổ ấm” của mình tại khu NƠXH Hòa Lợi để đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 trong niềm hạnh phúc. Anh Nam cho biết: “Với thu nhập khá thấp của mình, trước đây tôi chưa từng mơ có nhà. Nhưng cách đây 2 năm, vợ chồng tôi mua căn nhà này chỉ 130 triệu đồng, diện tích 30m2 nhưng sống rất thoải mái. Khu nhà tôi ở có đầy đủ các dịch vụ mua sắm, giải trí, sân chơi, công viên, trường học và các trung tâm học tập khác phục vụ cho con em công nhân...”.
Cùng với việc giúp NLĐ sở hữu được nhà, lãnh đạo tỉnh cùng các cấp chính quyền còn hướng đến việc nâng cao thu nhập cho NLĐ, giúp con em của họ có việc làm ổn định. Để làm được điều này, công tác giảng dạy, đào tạo nghề cho NLĐ, con em công nhân không ngừng được quan tâm... Cùng với đó, các hoạt động vui chơi, giải trí cho NLĐ, chăm lo tốt đời sống tinh thần cho công nhân sau giờ làm luôn được tỉnh chú trọng.
“Nhiều lao động xa quê đã chọn Bình Dương làm quê hương thứ hai để sinh sống, học tập và lập nghiệp. Vì thế, các cấp lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương và Công đoàn Bình Dương luôn xem NLĐ như chính những người con của quê hương Bình Dương. Tỉnh luôn thực hiện tốt các chính sách, tạo ra các hoạt động hữu ích, huy động tối đa các nguồn lực để chăm lo đoàn viên, công nhân tốt nhất có thể và luôn mong muốn mọi người có cuộc sống tốt hơn, ổn định về công việc, thu nhập”. (Bà NGUYỄN KIM LOAN, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh) |
QUANG TÁM