Động lực từ 2 tuyến cao tốc liên vùng

Cập nhật: 23-05-2023 | 09:13:15

HĐND tỉnh Bình Dương khóa X đã thông qua nghị quyết đầu tư các dự án hạ tầng kết nối vùng, trong đó có 2 tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành (Bình Phước) và đường Vành đai 4, TP.Hồ Chí Minh (xây dựng thành đường cao tốc). Theo nghị quyết được thông qua, dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành sẽ nối từ TP.Hồ Chí Minh đi qua Bình Dương đến Bình Phước. Dự án có chiều dài 60,4km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 53,3km. Dự án được xây dựng theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). HĐND tỉnh Bình Dương thống nhất giải phóng mặt bằng theo quy hoạch lộ giới 60m và đầu tư thành đường cao tốc với quy mô 6 làn xe cao tốc, 2 làn dừng khẩn cấp (bao gồm cả các nút giao). Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến là 16.196 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 7.388 tỷ đồng, chi phí xây lắp là 8.808 tỷ đồng.

Cùng với đó, HĐND tỉnh cũng thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh (đoạn từ cầu Thủ Biên đến sông Sài Gòn). Dự án có tổng chiều dài 47,8km được xây dựng thành đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h. Dự án có tổng mức đầu tư 18.247 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức PPP loại hợp đồng BOT. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2026.

Với các chính sách đột phá, “đi trước một bước” trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, thời gian qua, Bình Dương đãđạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh hiệu quả với giao thông vùng, giao thông quốc gia, 2 tuyến đường cao tốc này sẽ giúp Bình Dương có điều kiện vừa phát triển đô thị, phục vụ phát triển công nghiệp, vừa kết nối các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương, thúc đẩy sự liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các Khu công nghiệp (KCN) phía Bắc của tỉnh.

Có thể thấy, sự đầu tư phát triển hệ thống giao thông của tỉnh đã giúp hoạt động kết nối giữa các KCN được thông suốt, đẩy mạnh quá trình lưu thông hàng hóa, tạo thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển, tiết kiệm được các chi phí vận chuyển; góp phần thúc đẩy giao thông giữa các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ nhanh chóng hơn; kết nối với hệ thống giao thông của khu vực với các tỉnh miền Tây Nam bộ và Tây nguyên, tạo động lực thúc đẩy kinh tế xã hội cho toàn vùng và các khu vực lân cận phát triển. Các dự án giao thông trọng điểm huyết mạch liên vùng đang và sắp triển khai sẽ tạo sức bật, tiền đề quan trọng để Bình Dương phát triển ngày càng bền vững hơn.

 TRIẾT NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=518
Quay lên trên