Đồng thuận với chủ trương sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính

Thứ hai, ngày 21/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Cuối tuần qua, các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân về Dự thảo Đề án không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức bộ máy hệ thống chính trị cấp xã sau sắp xếp. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số các ý kiến đều thống nhất cao với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về chính quyền địa phương 2 cấp và tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

 Chuẩn bị công phu, khoa học

Báo cáo tại hội nghị lấy ý kiến các đồng chí nguyên Thường trực, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với dự thảo đề án, đồng chí Nguyễn Lộc Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, cho biết thực hiện chỉ đạo của Trung ương về kết thúc hoạt động của cấp huyện, sắp xếp tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đã họp 7 lần, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp cho ý kiến 7 lần; trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp 2 lần để thực hiện quy trình xây dựng đề án.

Tỉnh ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến các đồng chí nguyên Thường trực, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với dự thảo đề án. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Sau thời gian chuẩn bị công phu, khoa học, Ban Chỉ đạo đã hoàn thành xây dựng dự thảo đề án bảo đảm đúng theo các hướng dẫn của Trung ương, phù hợp với đặc thù của địa phương, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống chính trị. Quá trình xây dựng đề án được thực hiện thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, chặt chẽ, hiệu quả, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phải tính đến các yếu tố về điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Đồng chí Mai Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy đề nghị cần cân nhắc giữ lại một số địa danh, tên gọi đã trở thành một phần của ký ức người dân, trở thành truyền thống văn hóa, lịch sử và được nhân dân thừa nhận, như: Thủ Dầu Một, Bình Dương, Long Nguyên…

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân cũng như bảo đảm yêu cầu về quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc tại các địa bàn trọng yếu; giữ gìn và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc của mỗi địa phương; bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư. Đề án làm cơ sở đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, bảo đảm chính quyền địa phương cấp xã gần dân, sát dân hơn nữa.

Song song đó, đề án cũng hướng đến khắc phục tình trạng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô nhỏ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định, qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn để quy hoạch, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người dân và mở rộng quá trình phát triển đô thị hóa. Việc sắp xếp cũng giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Thống nhất cao về dự thảo đề án

Quá trình xây dựng đề án, Ban Chỉ đạo xác định gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế, mởrộng không gian phát triển của các địa phương, tiếp tục phát triển đô thị hóa, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Mặt khác, việc sắp xếp nhằm cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất.

Tại hội nghị, các đồng chí nguyên Thường trực, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy bày tỏ sự thống nhất cao đối với dự thảo đề án. Ảnh: QUỐC CHIẾN

Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến các đồng chí nguyên Thường trực, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với dự thảo đề án, đồng chí Mai Thế Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng thời gian qua tỉnh đã xây dựng nhiều phương án về sắp xếp đơn vị hành chính và phương án được đưa ra lấy ý kiến lần này là tốt. Theo đó, Ban Chỉ đạo đã bám rất sát các tiêu chí và hướng dẫn của Trung ương, lấy xã, phường làm đối tượng sắp xếp chứ không lấy ranh giới hành chính để sắp xếp. Đây là cách làm rất phù hợp với thực tế, phù hợp với quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch công nghiệp và quy hoạch đô thị của tỉnh trong thời gian tới; từ đó thể hiện được tính hợp lý và tính khả thi cao. Đồng chí Mai Thế Trung đề nghị cần cân nhắc thêm về một số địa danh, tên gọi đã trở thành một phần của ký ức người dân, trở thành truyền thống văn hóa, trở thành một phần của lịch sử và được nhân dân thừa nhận thì nên cân nhắc giữ lại như các tên: Thủ Dầu Một, Bình Dương, Long Nguyên…

Thống nhất với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong dự thảo đề án, đồng chí Đào Ngọc Nữ, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, cho rằng tên gọi các xã, phường sau sắp xếp cơ bản hợp lý. Đơn cử như ở Thuận An, một số ý kiến cho rằng nên có tên gọi Thuận An Hòa, đây là làng kháng chiến kiểu mẫu trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Mặc dù đề án không có tên Thuận An Hòa nhưng việc đặt tên các đơn vị hành chính ở Thuận An như vậy là hợp lý, vừa có Thuận An, vừa có Lái Thiêu. Còn Thuận An Hòa thì đã có trong các tên gọi: Thuận Giao, An Phú và Bình Hòa. Đồng chí cũng đề nghị cân nhắc khi đặt tên đơn vị hành chính mới trên cơ sở một trong những đơn vị hành chính cũ có diện tích, dân số lớn và có nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử cũng như tiềm năng phát triển…

Một số ý kiến của nguyên Thường trực, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho rằng cần cân nhắc đặt tên đơn vị hành chính mới xứng với tầm vóc lịch sử, văn hóa, những tên gọi đã gắn bó lâu đời với người dân, để từ đó các tên gọi mới trở thành sợi dây gắn kết cội nguồn với tương lai; đồng thời cũng cần giữ lại những tên xã, tên phường thân quen, gần gũi, dễ nhớ, tiêu biểu, đã ăn sâu vào tiềm thức, tâm tư, tình cảm của các thế hệ người dân...

Trên cơ sở tỷ lệ giảm khoảng 60-70% theo định hướng của Trung ương, tiêu chí về diện tích và dân số, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch hạ tầng giao thông đã được phê duyệt, dự kiến sau sắp xếp tỉnh Bình Dương còn lại 36 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 24 phường, 12 xã), giảm 55 đơn vị hành chính cấp xã (tỷ lệ giảm 60,4%). Đồng thời, tỉnh xác định 10 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp là địa bàn trọng điểm của tỉnh và các địa phương cấp huyện hiện nay để tạo không gian dư địa phát triển, nâng tầm đô thị trong tương lai...

ĐÌNH HẬU