Trong 2 năm gần đây, khoảng 10 con đường, tuyến hẻm nhỏ tại xã Phú An, TX.Bến Cát được người dân đồng thuận đóng góp xây dựng. Việc làm này không chỉ tạo thuận tiện cho người dân đi lại, phát triển kinh tế địa phương mà còn góp phần thay đổi diện mạo, hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bà Dương Thị Tân (thứ 2 bên phải), Bí thư Chi bộ ấp Bến Giảng cùng các hộ dân đi kiểm tra chất lượng mặt đường Phú An 075 sau 2 tháng đưa vào hoạt động
Biến ước mơ thành hiện thực
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân ở ấp Bến Giảng ai nấy đều phấn khởi khi tuyến đường Phú An 075 vốn lầy lội, bụi bẩn nay đã trở nên thông thoáng với mặt bê tông rộng 4m, láng bóng kéo dài hơn 1,6km ra hết cánh đồng thuộc địa phận xã. Tuyến đường này còn được thắp sáng bởi hơn 40 bóng đèn cao áp bằng điện năng lượng mặt trời, giúp người dân thuận tiện đi lại đêm hôm, vận chuyển cây trái mùa vụ. Theo bà Dương Thị Tân, Bí thư Chi bộ ấp Bến Giảng, đây là tuyến đường đê giáp sông Sài Gòn, thông với xã An Tây. Mỗi ngày, có rất nhiều phương tiện lưu thông đến các vườn cây trái trong vùng. Tuyến đường được 21 hộ dân đóng góp xây dựng với số tiền lên đến 1,3 tỷ đồng. Nếu tính luôn hệ thống chiếu sáng, đường điện có thể lên đến hơn 2 tỷ đồng, tất cả đều do người dân đóng góp trong từng giai đoạn.
Ông Trần Văn Thiên, chủ vườn cây trên tuyến đường này chia sẻ: “Bao năm qua, tất cả người dân trong ấp đều mong muốn có một tuyến đường sạch đẹp để đi lại. Để xây dựng thành công như hôm nay, thật sự không dễ, vì nguồn kinh phí quá lớn”. Dù biết khó, nhưng khoảng 4 năm trước, ông Thiên và những người có tâm huyết đã lên kế hoạch làm đường. Họ tìm đơn vị tư vấn, thiết kế, lên dự trù kinh phí, vận động. Khi lòng dân đồng thuận, ông Thiên và một số hộ có tiếng nói đề ra phương án thực hiện.
“Chúng tôi kêu gọi đóng góp dựa trên nhiều khía cạnh. Nhà nào có diện tích đất lớn, mặt tiền nhiều hay hộ kinh doanh thì đóng nhiều hơn những hộ ít đất. Cũng có người đồng thuận nhưng vì kinh tế khó khăn, vậy chúng tôi đóng luôn cho họ, nhưng vẫn đưa tên vào danh sách đóng góp. Riêng gia đình tôi đóng góp 140 triệu đồng và đóng quàng luôn cho 2 hộ khác với số tiền hơn 20 triệu đồng. Ở đây, có hộ đóng nhiều nhất là 680 triệu đồng”, ông Thiên cho biết.
Cuối năm 2023, khi tuyến đường được khánh thành đưa vào sử dụng, nhiều gia đình không giấu được niềm vui. Chị Nguyễn Thị Dung, hộ dân sinh sống trên tuyến đường này chia sẻ: “Ngày được Ban Điều hành ấp thông báo mức đóng góp làm đường là 11 triệu đồng, thêm một phần của người con trai là tổng cộng 22 triệu đồng, bản thân tôi khá bất ngờ vì số tiền đóng khá ít. Qua tìm hiểu, tôi được biết Ban Điều hành ấp, các hộ có điều kiện đã tính toán chu đáo, chia sẻ với những hộ còn lại. Nói thật, lúc đầu tôi dự tính phần đóng góp của gia đình khoảng 50 triệu đồng và sẵn sàng tham gia. Có được con đường sạch đẹp như hôm nay, tất cả người dân đều vui, đó là niềm mơ ước bấy lâu”.
Tiếp tục xây dựng nông thôn giàu đẹp
Đến xã Phú An hôm nay, điều mà mọi người dễ nhận thấy là bộ mặt của xã nông thôn mới này đã đổi thay nhanh chóng từng ngày. Đó là các trục đường giao thông chính qua địa bàn được nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa. Hệ thống công viên, cây xanh, chiếu sáng phục vụ nhu cầu sinh hoạt người dân ngày càng được đồng bộ.
CHỈ TRONG 2 NĂM 2022 VÀ 2023, XÃ PHÚ AN ĐÃ THỰC HIỆN HOÀN THIỆN 10 TUYẾN ĐƯỜNG TRÊN CÁC ẤP BẾN GIẢNG, AN THUẬN, PHÚ THỨ... VÀ ĐANG TIẾP TỤC VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN CÁC TUYẾN KHÁC TRONG NĂM 2024 NÀY. |
Qua thống kê, địa phương có khoảng 40 tuyến giao thông là các đường cụt, tuyến hẻm nhỏ có mặt đường từ 3 đến 4m và dài chỉ vài trăm mét, tuyến đường không nằm trong hạng mục sử dụng kinh phí Nhà nước để xây dựng. Tuy nhiên, qua 3 năm phát động, người dân chung tay đóng góp, xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn. Đặc biệt chỉ trong 2 năm 2022 và 2023, địa phương này đã thực hiện hoàn thiện 10 tuyến đường trên các ấp Bến Giảng, An Thuận, Phú Thứ....và đang tiếp tục vận động thực hiện các tuyến khác trong năm 2024 này.
Chị Vương Thị Ngọc Hương, người dân sinh sống lâu năm trên đường ĐX96, ấp An Thuận, tâm sự đây là tuyến hẻm nhỏ chỉ có trên dưới 30 hộ dân sinh sống. Đường chỉ rộng 3m, đi lại rất khó khăn vào mùa mưa, sình đất dính đầy sân khi dắt xe vào nhà. Ai cũng mong muốn có được con đường sạch sẽ vào đến tận nhà, nhưng không nghĩ ra cách đóng góp làm đường. Năm rồi, khi được chính quyền địa phương kêu gọi chung tay đóng góp, lên kinh phí, tất cả các hộ dân ở đây đều đồng ý. “Để xây dựng tuyến đường này, hộ đóng ít nhất là 500.000 đồng, cao nhất là 10 triệu đồng, đều trong khả năng của mỗi gia đình nên không khó thực hiện. Mỗi hộ chúng tôi còn tự nguyện đóng góp ít nhiều để mua bóng đèn, kéo dây thắp sáng làng quê nên bây giờ khang trang hơn trước rất nhiều”, chị Hương nói.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, địa phương đang tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa. Bên cạnh vận động xây dựng hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn đến từng hộ gia đình, địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao các mô hình tuyến đường hoa, camera an ninh, các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, mô hình tổ tự quản an toàn giao thông, phân loại rác tại nguồn... xây dựng lối sống văn hóa, văn minh đô thị, giữ gìn nét đẹp văn hóa của địa phương.
QUANG TÁM