Sáng nay, 5-8, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, cho ý kiến vào Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009. Quốc hội cũng thảo luận về việc ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Mở đầu phiên họp, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) nêu nhận xét về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009. Ông đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện việc phát hành trái phiếu, để có biện pháp chấn chỉnh. “Tôi cho rằng vừa qua việc phát hành trái phiếu còn tràn lan, hiệu quả chưa như mong muốn”, đại biểu Trần Du Lịch phát biểu.
Ngành Thủy sản- một trong những ngành được xem xét miễn giảm thuế nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất khẩu.
Cũng về nội dung quyết toán ngân sách nhà nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này và yêu cầu Chính phủ nghiêm túc thực hiện các đề xuất của kiểm toán. Ông nhấn mạnh: “Một thuận lợi lớn là nguyên Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ - người ký Báo cáo kiểm toán, vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Như vậy, anh Huệ nắm rất vững vấn đề này, đề nghị anh theo dõi kiểm tra sát sao việc thực hiện khắc phục những sai phạm đã nêu”.Sau khi bày tỏ sự đồng tình với những giải pháp miễn giảm, giãn thuế do Chính phủ đề xuất, đại biểu Trần Hoàng Ngân tiếp tục có ý kiến: “Số tiền miễn giảm thuế gây hụt thu ngân sách không lớn, chỉ vào khoảng 4.200 tỷ đồng; tôi hy vọng sau này khi quyết toán ngân sách, Chính phủ không coi việc miễn giảm này là lý do để tăng bội chi”.
Liên quan đến các đối tượng, lĩnh vực cụ thể được đề xuất hỗ trợ thuế, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đồng tình với nhiều kiến nghị của Ủy ban Tài chính Ngân sách. Ông băn khoăn: “Đối tượng được miễn thuế thu nhập cá nhân như đề nghị của Chính phủ, trong đó có tôi và nhiều người trong chúng ta đang ở đây, chưa phải là những người thực sự khó khăn. Mức hỗ trợ đối với mỗi người không đáng kể, mà lại làm giảm thu ngân sách”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý của việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp – là loại thuế trực thu. Ông lo ngại: “Các doanh nghiệp thuộc diện miễn thuế mà có tham gia hoạt động xuất khẩu thì có thể bị kiện là được Nhà nước trợ giá, vi phạm các quy định của WTO hay không”?. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã phủ nhận khả năng này.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị Chính phủ lưu ý hỗ trợ đối tượng là doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân: “Chống lạm phát bằng bình ổn giá cũng tốt, nhưng là từ ngọn. Trong bối cảnh lương thực thực phẩm tăng giá cao như thế này thì chống lạm phát từ nguồn bằng cách hỗ trợ nông nghiệp, nông dân mới là giải pháp căn cơ. Nhưng tôi chưa thấy có chính sách ưu đãi thuế nào cho đối tượng này”.
Trong khi đó, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) và một số đại biểu khác cho rằng, việc yêu cầu các đối tượng chủ nhà trọ, cung cấp suất ăn cho học sinh sinh viên, công nhân... giữ mức giá như cuối năm 2010 (như một điều kiện để được hỗ trợ thuế) là không khả thi. “Tôi chắc người ta tăng giá từ đầu năm đến nay rồi chứ đâu đợi đến bây giờ. Làm sao yêu cầu họ quay lại mức giá cuối năm 2010 và làm sao kiểm soát được việc này?!”, ông nói.
Là người phát biểu cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã tập trung làm rõ nhiều băn khoăn của các đại biểu. Trên cơ sở phân tích tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, Phó Thủ tướng giải thích thêm, tính về con số tuyệt đối thì số tiền miễn giảm thuế năm 2011 đúng là không quá lớn, nhưng đồng thời với việc khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân, ở tầm vĩ mô vẫn phải đảm bảo cân đối ngân sách quốc gia.
“Nhiều đại biểu cho rằng về lâu dài doanh nghiệp cần vốn, thiếu vốn đã ảnh hưởng đến tăng trưởng, giảm tính thanh khoản của nền kinh tế, hạn chế công ăn việc làm... Tất cả những điều đó là đúng; nhưng khi đặt ra mục tiêu ưu tiên là chống lạm phát, ổn định vĩ mô thì Chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 11 và tiếp tục thực hiện quyết liệt. Việc giãn thuế thu nhập doanh nghiệp mà Chính phủ đề xuất chính là một giải pháp để doanh nghiệp bớt phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao”, tân Phó Thủ tưởng Vũ Văn Ninh phân tích. Ông công nhận rằng, việc kiểm soát hoạt động của các nhà trọ, cơ sở cung cấp suất ăn... là không đơn giản, nhưng kinh nghiệm từ TPHCM vừa qua (vận động hàng chục ngàn nhà trọ không tăng giá cho thuê trọ) cho thấy đây là việc khả thi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều giải pháp theo hướng hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng khó khăn để đảm bảo an sinh xã hội như hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, nâng định mức tiền ăn cho công an, bộ đội, nâng hạn mức cho vay đối với sinh viên...
Theo SGGP