Cuối tuần qua, cộng đồng Hồi giáo đã tiến hành nhiều cuộc biểu tình dẫn tới bạo loạn đẫm máu ở Afghanistan để phản đối việc đốt kinh Koran của những mục sư ở bang Florida của Mỹ. 7 nhân viên LHQ thiệt mạng trong số gần 100 người thương vong. Cơn giận của cộng đồng Hồi giáo ngày càng bùng lên dữ dội.
Đáp trả bằng bạo loạn
Tình hình trở nên căng thẳng từ chiều 1-4, khi hơn 1.000 người biểu tình đổ về Mazar-e-Sharif, thủ phủ tỉnh Balkh (phía Bắc Afghanistan). Vài giờ sau khi biểu tình diễn ra ôn hòa bên ngoài trụ sở phái bộ LHQ, lực lượng biểu tình đã chuyển sang áp đảo nhân viên an ninh tại trụ sở và giết họ. Một quan chức LHQ cho hay, nhóm người quá khích này tấn công vào tòa nhà, chặt đầu 7 nhân viên LHQ (trong khi cảnh sát Afghanistan cho là 8 nhân viên). Đây là vụ sát hại nhiều nhân viên LHQ ở Afghanistan nhất kể từ khi xảy ra cuộc chiến Afghanistan năm 2011. Hãng tin Al Jazeera cho biết, có ít nhất 11 người thiệt mạng (gồm cả nhân viên LHQ và người biểu tình) trong vụ biểu tình ngày 1-4.
Người biểu tình ở khu vực Mazar-e-Sharif bị trúng đạn.
Theo hãng tin RTE, hai nhân viên cấp cao của LHQ đã có mặt tại Afghanistan để chỉ đạo việc thắt chặt an ninh của lực lượng LHQ tại đây. Cảnh sát Afghanistan cho biết đã bắt giữ hơn 20 người bị cho là kích động bạo loạn. Bộ Quốc phòng Na Uy đã xác nhận, trong số những người thiệt mạng hôm 1-4 có nữ phi công đầu tiên của nước này, Trung tá Siri Skare (53 tuổi), một trong những nhân vật nhiều triển vọng của Na Uy. Trong số những người thiệt mạng có cả công dân của Thụy Điển, Romania và Nepal.
Khi vụ việc chưa lắng dịu, một ngày sau đó, nhiều khu vực của Afghanistan đã bị các nhóm Hồi giáo tấn công. Hai vụ tấn công liều chết đã xảy ra khi 2 phụ nữ mang trên mình đầy thuốc nổ đang tìm cách vào doanh trại của NATO tại Kabul. Một doanh trại của Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) ở thủ đô Kabul đã bị tấn công bằng lựu đạn. Thông tin ban đầu cho biết 2 người đàn ông có vũ trang đã bắn rốckét vào doanh trại Fenix, khiến 3 binh sĩ bị thương. Hai tay súng trên sau đó đã thiệt mạng khi bị lực lượng ISAF bắn trả.
Đáng kể nhất là vụ biểu tình bạo loạn ngày 2-4 tại thành phố Kandahar, phía Nam Afghanistan làm ít nhất 10 người chết, 83 người bị thương. AFP cho biết, biểu tình ban đầu chỉ xuất hiện ở khu vực trung tâm, sau đó lan ra trên khắp thành phố. Cảnh sát đã liên tục bắn súng cảnh cáo vào đám đông hơn 2.000 người nhưng vô hiệu. Lực lượng biểu tình ở khắp nơi bắt đầu phóng hỏa các tòa nhà và phương tiện giao thông gần đó. Zalmai Ayoubi, người phát ngôn của thành phố Kandahar cho biết: “Họ ném đá vào lực lượng an ninh, đốt xe hơi, xe buýt và một trường học. Khói bốc lên khắp nơi trong thành phố”. Hiện cảnh sát đang nỗ lực ngăn cản người dân đi lại trong khu vực thành phố.
Cộng đồng quốc tế lên tiếng
Phản ứng về vụ tấn công nhằm vào các nhân viên LHQ tại Mazar-e-Sharif, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án hành động này là “hèn nhát và đáng phẫn nộ”. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ B.Obama đã kêu gọi tất cả các phe phái tại Afghanistan từ bỏ bạo lực và giải quyết bất đồng thông qua đối thoại. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh không gì có thể biện minh cho sự tàn bạo này, đồng thời khẳng định sự có mặt của các nhân viên LHQ tại Afghanistan là cần thiết để giúp người dân nước này xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Trong cuộc họp báo trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner khẳng định hành động đốt kinh Koran tại nhà thờ ở bang Florida của Mỹ chỉ là hành động đơn lẻ của một nhóm người và đi ngược lại những giá trị của nước Mỹ. Canada và nhiều nước châu Âu cũng dùng những từ ngữ mạnh mẽ nhất để lên án vụ tấn công nhằm vào các nhân viên LHQ ở Afghanistan.
* Năm ngoái, mục sư Terry Jones tại một nhà thờ thuộc thị trấn Gainesville, bang Florida (Mỹ) đã “chọc giận” cộng đồng Hồi giáo với lời hăm họa sẽ tổ chức “Ngày quốc tế đốt kinh Koran” để đánh dấu 9 năm vụ khủng bố 11-9. Sau đó, dưới áp lực của cộng đồng quốc tế và chính phủ Mỹ vị mục sư này đã không thực hiện kế hoạch trên. Tuy nhiên, trang web của tổ chức Dove World Outreach Center gần đây đăng thông tin vị mục sư này đã chứng kiến một mục sư khác đốt kinh Koran và lấy ngày 20-3 là “Ngày quốc tế phán xét kinh Koran”. Sự kiện trên đã khiến cộng đồng Hồi giáo vô cùng tức giận, kéo theo những cuộc biểu tình dữ dội. Tuy nhiên, mục sư Terry Jones nói với AFP: “Chúng tôi không thấy có trách nhiệm về điều đó”.
Theo SGGP