Ấn tượng đầu tiên về ông Phùng Bá Lực, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim (quận Bình Thạnh, TP HCM), chính là sự thân thiện, dễ gần. Phong cách giản dị, nhất là sự khiêm tốn trong giao tiếp, ít ai ngờ kỹ sư trẻ này là một người dám nghĩ, dám làm. Giải pháp lắp đặt đường ống áp lực cho Nhà máy Thủy điện Đăk-psi 4 (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) trên mặt phẳng nghiêng bằng cầu trục, đã khẳng định tên tuổi của ông Lực.
Ông Phùng Bá Lực (phải) tận tình hướng dẫn nghề cho thợ trẻ
Khẳng định bản lĩnh, trí tuệĐến thời điểm này, giải pháp dùng cầu trục để lắp ráp đường ống áp lực cho Nhà máy Thủy điện Đăk-psi 4 được giới chuyên môn đánh giá là giải pháp tiết kiệm và an toàn nhất. Năm 2010, Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim đảm nhận lắp đặt hơn 200 tấn thiết bị cơ khí, quan trọng nhất là đường ống áp lực, cung cấp nước cho các tổ máy làm quay tua bin biến cơ năng thành điện năng. Việc lắp đặt đường ống dài 218 m (mỗi đoạn nặng 12.800 kg) trên triền núi hiểm trở không hề đơn giản, đòi hỏi sự chính xác cao và an toàn cho hệ thống thiết bị lẫn công nhân (CN) thi công. Trong khi đó, 2 phương pháp thường dùng tại Việt Nam là cẩu hoặc xe goòng đều bộc lộ những hạn chế như kéo dài thời gian thi công, chi phí tốn kém và không bảo đảm an toàn.
Bỏ công khảo sát hiện trường và tính toán các điều kiện kỹ thuật, cuối cùng, ông Lực đã tìm ra phương án thích hợp để thi công là dùng giàn cầu trục chạy trên mặt phẳng nghiêng. Đề xuất táo bạo nhưng hết sức khả thi này nhận được sự nhất trí cao từ ban giám đốc. Ngay sau khi thống nhất ý kiến, giàn cầu trục chạy trên hệ thống ray được lắp đặt và chỉ 2 tháng sau, đường ống áp lực đã hoàn thành trong sự vui mừng của đội ngũ CN thi công. Giải pháp này làm lợi cho công ty gần 1 tỉ đồng. “Tôi rất hạnh phúc khi ý tưởng của mình đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và bảo đảm an toàn tính mạng CN” - ông Lực chia sẻ.
Giải pháp trên được các đơn vị thi công công trình thủy điện như Công ty Lilama 7 - Đà Nẵng, Công ty Sông Đà 5 - Hà Nội… học tập và áp dụng thành công cho các công trình ở địa hình phức tạp. Không chỉ riêng công trình Nhà máy Thủy điện Đăk-psi 4 mà tại nhiều công trình lớn khác như Nhà máy Xi măng Tây Ninh, Nhà máy Xi măng Bình Phước… với vai trò là cán bộ phụ trách kỹ thuật, ông Lực luôn khẳng định đam mê nghề nghiệp và khả năng sáng tạo không mệt mỏi.
Phấn đấu không ngừng
Không chỉ được đánh cao về chuyên môn, ông Lực còn được tập thể CN nể phục bởi nỗ lực tự thân, phấn đấu không ngừng. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội (trước là Hà Tây) nên từ nhỏ ông Lực sớm xác định học tập chính là con đường duy nhất để thoát nghèo. Ước mơ trở thành một người thợ cơ khí được ông thể hiện qua việc săn lùng phế liệu và lắp ráp thiết bị sử dụng trong nhà, kể cả chiếc xe đạp đi học. Với mong muốn trở thành một người thợ lành nghề, ông Lực quyết định thi vào Trường Trung cấp Cơ khí (nay là Đại học Công nghiệp Việt - Hung).
Tốt nghiệp năm 1999, ông Lực xin vào làm CN cơ khí tại Công ty Cơ khí Xây lắp Hà Nội. Do công việc bấp bênh, thu nhập không đủ sống nên đến năm 2002, ông xin nghỉ việc. Không đầu hàng số phận, ông Lực quyết định rời quê vào TP HCM kiếm việc làm và theo đuổi việc học. Đó là khoảng thời gian chật vật nhất, bởi ông Lực vừa làm CN vừa đi học trong khi phương tiện đi lại là chiếc xe đạp cũ kỹ. “Thời điểm ấy, tôi tự dặn lòng phải cố gắng thì mới mong có được tương lai tươi sáng” - ông Lực kể. Nỗ lực ấy cũng được đền đáp khi năm 2003, ông Lực thi đậu Khoa Cơ khí chế tạo máy Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Trưởng thành trong gian khó nên ông Lực luôn biết cách động viên, khích lệ thợ trẻ. Với sự dìu dắt tận tình của ông Lực, nhiều CN trẻ đã trưởng thành, khẳng định được năng lực chuyên môn. “Tâm huyết của người thợ đàn anh ở ông Lực giúp anh em CN có thêm kiến thức và động lực làm việc” - CN Ngô Văn Trị nhận xét.
Tấm gương cho thợ trẻ
Dù tuổi đời khá trẻ nhưng ông Lực đã khẳng định sự nhạy bén, đặc biệt là tư duy sáng tạo trong nghề. Nhiều công trình thủy điện lớn do doanh nghiệp thi công có dấu ấn không nhỏ của ông Lực. Sống hết mình với nghề, ông Lực xứng đáng là tấm gương cho thợ trẻ noi theo” - ông Nguyễn Quốc Tiến, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Xây dựng Tháp Kim, nhìn nhận.
Theo NLĐ