Đột phá với khoa học và công nghệ

Cập nhật: 20-01-2022 | 08:40:23

 Khoa học và công nghệ là một trong hai trụ cột chính của công cuộc cơ cấu lại ngành nông nghiệp sau 8 năm thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại nhiều thành quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất phát triển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng, sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm.

Khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm của ngành nông nghiệp và các vấn đề mà thực tiễn sản xuất yêu cầu. Đó là, tập trung đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ vào sản xuất và bảo quản chế biến sản phẩm nông nghiệp đã tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh cho hàng hóa nông sản và ngành nông nghiệp. Cùng với đó, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm.

Trong lĩnh vực trồng trọt, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo giống cây ăn quả, bám sát nhu cầu thị trường, tăng cường áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và áp dụng biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý tính kháng thuốc, quản lý dịch hại tổng hợp đã góp phần trực tiếp đưa cây ăn quả tăng về diện tích và sản lượng, năng suất. Trên địa bàn tỉnh có một số minh chứng tiêu biểu như vùng trồng cây ăn trái Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, vùng trồng bưởi Bạch Đằng TX.Tân Uyên, ứng dụng công nghệ nhà lưới, có hệ thống điều khiển tự động và bán tự động; ứng dụng công nghệ thâm canh như trồng dưa lưới, rau và quản lý cây trồng tổng hợp ITM, sản xuất theo VietGAP. Công nghệ tự động hóa trong tưới tiêu, kết hợp dinh dưỡng trong canh tác cây trồng quy mô mạng lưới. Ứng dụng công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển tự động. Ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất trồng cây trên giá thể. Ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh tập trung phát triển ở 4 huyện phía Bắc theo hướng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Công nghệ cao ứng dụng vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất đa dạng với những công nghệ tiên tiến áp dụng vào lĩnh vực chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vắc xin thú y phòng chống dịch bệnh, tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến.

Theo kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, Bình Dương tập trung phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, tiếp tục đẩy mạnh sự chuyển đổi cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái. Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sẽ tạo bước đột phá phát triển ngành nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh nhà, góp phần xây dựng thành công thành phố thông minh Bình Dương.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên