Đột phá xây dựng thành phố thông minh giai đoạn mới - Kỳ cuối

Cập nhật: 19-03-2021 | 07:36:56

Kỳ cuối: Lựa chọn mang tính thời đại

Hơn 24 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương đã gặt hái nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực. Đứng trước kỷ nguyên số hóa, tỉnh càng quyết tâm đổi mới, sáng tạo để tiếp tục trở thành điểm sáng trên tiến trình vươn tới mạnh giàu để trở thành một địa phương thông minh, hiện đại.

 Lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp tham khảo mô hình Khu quy hoạch mẫu thành phố thông minh

 Chìa khóa thành công

Đề cập về Vùng Đổi mới sáng tạo và Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, nhiều chuyên gia hàng đầu về ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản trị nhà nước và doanh nghiệp (DN) đánh giá đây là một đề án đầy triển vọng. Đề án hứa hẹn sẽ tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà lên một tầm cao mới. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Mỹ Châu, Giám đốc khu vực Singapore - Philippines và Thái Lan thuộc Tổ hợp giáo dục Topica, cho rằng đây là một quyết sách đúng đắn của Bình Dương. Theo bà Châu, việc nắm bắt xu thế đổi mới sáng tạo và hướng đến phát triển nhóm ngành kinh tế chứa hàm lượng chất xám cao như khoa học, công nghệ là lựa chọn thông minh và mang tính thời đại.

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Châu đã đưa ra nhiều phân tích về sự lựa chọn, định hướng phát triển của các quốc gia, vùng miền. Cụ thể, phần lớn trong số này đều chú trọng phát triển kinh tế - xã hội theo hướng tự động hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và cả hệ thống quản trị nhà nước, quản trị DN… Xâu chuỗi những điểm chung nói trên, các chuyên gia đã khái quát chúng trở thành một khái niệm mang tính dân giã nhưng cũng đầy thuyết phục là “Văn hóa đổi mới, sáng tạo”. Trên thực tế, văn hóa này đã được một số DN lớn ở Việt Nam áp dụng, khai thác một cách triệt để tiềm năng, thế mạnh và sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên.

Để khơi dậy văn hóa đổi mới, sáng tạo, thời gian qua tỉnh đã đưa ra nhiều chương trình hành động cụ thể, thiết thực. Trong đó, nổi bật là việc đưa vào sử dụng Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương (BIIC) từ cuối năm 2019. Đến nay, sau hơn một năm hoạt động, BIIC đã nỗ lực trong việc tìm, tuyển chọn, đào tạo và phát triển những nhân tố mới, có tiềm năng phát triển và ứng dụng rộng rãi về lĩnh vực khoa học, công nghệ, góp phần ươm mầm những DN khởi nghiệp sáng tạo cho tỉnh nhà.

Lấy con người làm trung tâm

Cùng với chính sách tích cực mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng trong quản trị hành chính để thu hút sự tham gia đầu tư của các DN sản xuất theo hướng ứng dụng khoa học, kỹ thuật, thời gian qua tỉnh cũng chỉ đạo các sở ngành và các tổ chức liên quan đẩy mạnh thực hiện việc khích lệ, động viên người dân, đặc biệt là người trẻ tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo. Cụ thể, tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục - Đào tạo, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật, Tỉnh đoàn và các trường đại học, cao đẳng, THPT, THCS… trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai các cuộc thi, hội thi về sáng tạo khoa học, kỹ thuật. Đến nay các hội thi, cuộc thi đã thu hút sự tham gia đông đảo người trẻ với nhiều đề tài, sản phẩm được đánh giá có tính ứng dụng, thực nghiệm và triển vọng phát triển trên thị trường.

Tính đến nay, thông qua các hội thi như Binh Duong Startup Innovation, Sáng tạo kỹ thuật, Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng… đã bước đầu khơi mào khát vọng, đam mê sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong giới trẻ. Cụ thể, tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh đã có hàng chục ngàn lượt thí sang tham gia gửi sản phẩm, đề tài và ý tưởng tham gia dự các cuộc thi nói trên. Ngoài số lượng, chất lượng của các sản phẩm, đề tài, ý tưởng cũng được nâng cao và mang tính ứng dụng thực tiễn sau mỗi lần tổ chức.

Trao đổi với chúng tôi, Phạm Thị Xuân Trúc, đại diện nhóm dự án F-Print Care 4.0, đề tài giành giải nhì trong hội thi Binh Duong Startup Innovation 2020 cho biết, tính đến thời điểm này, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nhóm F-print Care 4.0 cũng đã có những đơn hàng đầu tiên. Bằng việc mang đến một giải pháp hữu hiệu cho thị trường, tin rằng F-Print Care 4.0 sẽ sớm tạo đột phá doanh số trong tương lai không xa nếu nhóm thực hiện tiếp tục kiên trì với dự án và có một chiến lược quảng bá thương hiệu, nhắm thị trường mục tiêu và tiếp cận khách hàng một cách thông minh, hiệu quả.

Ông Nguyễn Xuân Ngàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cho biết, sau nhiều năm thực hiện các cuộc thi, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, liên hiệp đã tuyển chọn và phối hợp các sở ngành hỗ trợ các nhóm ý tưởng, đề tài hiện thực hóa, đưa các sản phẩm ra thị trường. Bước đầu, một số dự án đã thu hút sự quan tâm đông đảo của người tiêu dùng và trực tiếp giúp các cá nhân, đội nhóm thực hiện dự án mang về nguồn thu nhập ổn định để tiếp tục cho sự nghiệp đổi mới, sáng tạo khoa học, kỹ thuật trong tương lai, đóng góp hữu hiệu cho tiến trình xây dựng thành phố thông minh của tỉnh nhà.

 Là chìa khóa để mở ra Vùng Đổi mới sáng tạo với nền kinh tế tri thức, mô hình “Ba nhà” hay còn gọi Triple Helix (3 vòng xoắn) luôn được tỉnh chú trọng từ những ngày đầu tiên khi thúc đẩy xây dựng và phát triển đề án thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình “Ba nhà” áp dụng tại Bình Dương là mô hình thúc đẩy và chính thức hóa sự hợp tác mật thiết giữa chính quyền, các DN, các viện, trường học trong tỉnh và liên kết linh động với các vùng khác. Trong mối quan hệ hợp tác này, Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung; DN, các viện và trường học nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực. Mô hình này tạo ra đầu vào rộng lớn để cùng kiến tạo nên tầm nhìn chung dài hạn và thiết lập các chiến lược, chương trình hành động phù hợp, thúc đẩy Bình Dương phát triển năng động, sáng tạo.

 ĐÌNH THẮNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=679
Quay lên trên