Dự án Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương: Còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh

Cập nhật: 14-12-2012 | 00:00:00

  Thi công lắp đặt đường ống thoát nước trên đường Bạch Đằng, phường Phú Cường, TP.TDM 

 Vì một thành phố văn minh, sạch đẹp

Đô thị hóa, ngoài các lợi ích tích cực làm thay đổi cuộc sống con người, thì phía sau đó là những “căn bệnh nan y” cứ thầm lặng diễn tiến nếu chúng ta thiếu kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn ngay từ đầu. Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng khi xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, mặc nhiên được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm quý báu, kể cả những bài học xương máu mà những nước phát triển, những thành phố hiện đại trên thế giới để lại. Đây chính là lợi thế của người đi sau, nhằm phát huy tối đa những thành tựu, lợi ích mà các nước đi trước đã đạt được; đồng thời phải tránh những nguy cơ có thể làm chậm hoặc cản bước phát triển trên mọi lĩnh vực.

“ Bằng cảm quan có thể nói độ nén của mặt đường sau khi hoàn trả chưa đạt yêu cầu. Tất nhiên phải qua kiểm định mới có thể kết luận cụ thể, lúc đó nếu không đạt thì phải cào lên, làm lại theo quy định mà hợp đồng đã ký kết. Tôi nói điều này là vì đã tận mắt chứng kiến xe đổ nhựa nóng đến công trình đổ xuống, ban ra, nhưng xe lu thì bỏ đi đâu mất, đến cả giờ sau mới quay lại làm việc. Khi nhựa còn nóng xe lu chỉ cần lu 1 lần sẽ bằng lu 10 lần lúc nhựa đã nguội, vì khi nguội nhựa đã “chết”, tính kết dính không còn, lu lèn sẽ không hiệu quả. Qua đây cho thấy đơn vị tư vấn giám sát chưa làm hết trách nhiệm, cần phải thay đổi để bảo đảm hiệu quả, chất lượng công trình ”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước và Môi trường Bình Dương Nguyễn Văn Thiền, từng nói: “Theo quy luật tự nhiên thì nước chảy từ trên cao xuống thấp, nếu chúng ta không có kế hoạch xử lý tốt thì sông Sài Gòn sẽ là nơi hứng chịu mọi thứ nguy hiểm từ khắp nơi đổ về và chúng ta lại lấy nước từ sông lên để dùng. Chưa kể thói quen từ lâu của chúng ta là mọi thứ chất thải sinh hoạt đều cứ đổ ra môi trường hoặc cho ngấm xuống lòng đất làm cho hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm. Sống trong môi trường bị ô nhiễm thì bệnh tật sẽ phát sinh, không chỉ cản bước phát triển chung của toàn xã hội mà còn làm suy yếu giống nòi. Thảm họa môi trường không loại trừ một ai”. Cũng theo ông Thiền, dự án trên sẽ góp phần bảo vệ nguồn nước cho các tỉnh, thành phía hạ lưu sông Sài Gòn...

Dự án Cải tạo môi trường nước Nam Bình Dương không chỉ làm thay đổi thói quen “cái gì của đất trả về cho đất” mà góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội, cộng đồng của một thành phố mới xanh tươi, sạch đẹp. Nếu Bình Dương làm tốt thì mô hình này sẽ được tiếp tục mở rộng đến nhiều địa phương khác trên cả nước.

Bộc lộ những vấn đề cần chấn chỉnh

Nằm trong khuôn khổ dự án, công trình xây dựng nhà máy xử lý nước thải đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị và hoàn thành các hạng mục cuối cùng, chuẩn bị vận hành chạy thử. Song song đó, hệ thống thu gom nước thải nối từ nhà dân ra đường ống chung từ cấp I đến cấp III với chiều dài đã lắp đặt là 169.859m, cùng với 11 trạm bơm nâng, 12.360 hộp đấu nối vào hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay việc đấu nối từ nhà dân ra đường ống chung vẫn còn khá lúng túng, khiến nhà máy sẽ không có nước thải để vận hành chạy thử!    Hoàn trả mặt đường sau thi công tại đường Lê Thị Trung, phường Phú Lợi, TP.TDM

Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thành Liêm, ông Lê Văn Gòn, Phó Tổng Giám đốc công ty, nói: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, công ty đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng quy chế đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước chung thuộc dự án và tổ chức triển khai đến các phường để nhân dân đóng góp ý kiến. Thực tế có nhiều hộ gia đình xây nhà đã lâu, muốn lắp đặt, kết nối phải tốn kém. Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, quyền lợi chung nên đấu nối sớm thì được miễn tiền xử lý nước thải trong 2 năm theo quyết định của UBND tỉnh, còn hộ nào chần chừ, thì cứ để… từ từ!”.

Mặc dù đánh giá cao những cố gắng của chủ đầu tư dự án nói trên, nhưng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cũng chưa hài lòng với cách làm của đơn vị này bởi quy chế chưa được ký ban hành đã đem triển khai, góp ý nên mới có chuyện “ai muốn đấu nối thì đấu nối, không đấu nối cũng không sao”! Từ đó cho thấy có sự chưa thống nhất trong tư tưởng, dẫn đến mỗi người tuyên truyền theo mỗi cách. “Đọc quy chế tôi còn phát hiện tại khoản 2, điều 10 dự thảo ghi: Hộ thoát nước trong phạm vi đấu nối có điểm xả thấp hơn điểm đấu nối thì được miễn đấu nối! Như vậy, trong quá trình khảo sát, thiết kế các anh đã làm gì mà để xảy ra tình trạng này?”, ông Trần Thanh Liêm nêu thắc mắc.

Góp ý chỉ đạo về cách làm trong thời gian tới, ông Trần Thanh Liêm cho rằng, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải là để cải thiện môi trường nước, bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của toàn dân, nên mọi người, mọi ngành phải cùng nhau thực hiện. Không thể nói với dân là “bắt buộc phải đấu nối”, mà phải tìm cách giải thích, thuyết phục. Khi người dân đã hiểu được mục đích, ý nghĩa của vấn đề thì dù có mất thời gian, tốn kém họ vẫn vui vẻ thực hiện. “Một lần nữa tôi yêu cầu đây là nhiệm vụ chính trị, nhằm xây dựng đô thị Bình Dương văn minh, xanh tươi, sạch đẹp nên phải chọn lựa, chuẩn bị thật tốt những người am hiểu, có năng lực truyền đạt với tinh thần xung kích để tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân. Phương châm thực hiện là chỗ dễ làm trước, chỗ khó làm sau, phát huy tính tiên phong gương mẫu, từ đó dấy lên phong trào toàn dân chung sức bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

 DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=222
Quay lên trên