Dự án cánh đồng có giá trị kinh tế cao: Hiệu quả của ý Đảng, lòng dân

Cập nhật: 02-06-2011 | 00:00:00

Sau thời gian triển khai thực hiện dự án cánh đồng có giá trị kinh tế cao, nông dân xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) đã biết làm giàu trên mảnh đất của mình... thông qua các mô hình mới được xây dựng từ những bàn tay, khối óc từ cán bộ, đảng viên đến nông dân.

 Những nhà nông điển hình

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng Bao Trang thuộc tổ 4, ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm (Tân Uyên), ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã chỉ tay xuống cánh đồng bưởi xanh ngát, chậm rãi kể: “Trước khi dự án cánh đồng có giá trị kinh tế cao được hình thành, bà con nơi đây chỉ có tổ hợp tác với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa tận dụng hết tiềm năng của cánh đồng. Do đó, năng suất chất lượng các loại cây ăn trái ở đây khá thấp. Đảng ủy, UBND xã luôn trăn trở đến việc xây dựng mô hình mới nhằm tận dụng điều kiện thiên nhiên ưu đãi, mở rộng sản xuất, hình thành cánh đồng chuyên canh, tiến tới xây dựng thương hiệu tập thể cho vườn cây ăn trái của xã Hiếu Liêm”.

 

Ông Ba Thắm bên vườn cam trĩu quả

Tiên phong cho phong trào xây dựng cánh đồng có giá trị kinh tế cao, phải kể đến những nhà nông đầu tiên đặt chân đến vùng đất này để khai hoang lập nghiệp. Người dân Hiếu Liêm đến giờ vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của ông Ba Thắm tức Long Thành Thắm ở tổ 4, ấp Chánh Hưng. Quê tận Đồng Tháp, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Ba Thắm lên Bình Dương sinh sống và định cư lâu dài tại Hiếu Liêm. Lúc ấy, cơ nghiệp của ông chỉ có đôi bàn tay nhưng bản tính siêng năng cần cù và nghị lực vượt khó của người trai trẻ đã giúp ông trở thành một chủ vườn cây ăn trái có tiếng.

Quýt, cam sành là sản phẩm chủ lực của vườn cây ăn trái có diện tích hơn 65 ha. Không có điều kiện mua đất canh tác, ông thuê lại đất của người dân rồi tiến hành cải tạo, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt, lấy trái nghịch mùa hoặc phủ bạt cắt nước tạo hoa cho cây... Nhờ đó, chất lượng cam, quýt đạt chuẩn, thương lái ở khắp nơi tìm mua sản phẩm của ông Ba Thắm. Những vụ mùa bội thu nối tiếp nhau, có khi thu nhập hàng năm lên tới 400 triệu đồng/năm. Cuộc sống gia đình ông được cải thiện đáng kể. Không chỉ mua được đất, ông còn có tiền cất nhà và định cư lâu dài tại xã.

Cũng với quyết tâm khởi nghiệp trên cánh đồng Bao Trang, ông Sáu Xê đã xây dựng thương hiệu bưởi da xanh có tiếng trên khắp vùng miền của đất nước. Hiện tại gia đình ông có 7 ha bưởi được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGap, doanh thu hàng năm của gia đình ước tính lên tới hơn 3 tỷ đồng. Ngoài gia đình ông Ba Thắm, Sáu Xê còn có một số gia đình khác cũng nằm trong dự án cánh đồng có giá trị kinh tế cao đang miệt mài lao động, tạo dựng thương hiệu cho vườn cây ăn trái ở Hiếu Liêm.

 Hiệu quả đáng ghi nhận

Nắm được các lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nước tưới tiêu, năm 2006, UBND xã đã cùng 5 hộ dân triển khai xây dựng và thực hiện dự án cánh đồng có giá trị kinh tế cao tại ấp Chánh Hưng với tổng diện tích 42 ha, chủ yếu trồng cam, quýt và bưởi da xanh. Khi dự án được triển khai, cấp ủy đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo UBND xã và các đoàn thể tập trung hỗ trợ cho các hộ tham gia dự án về khoa học kỹ thuật, làm đường, điện, bảo đảm an ninh trật tự... tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã, cho biết lúc đầu cũng có nhiều người e ngại nhưng sau một thời gian cho thấy dự án đã được triển khai phù hợp và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, dự tính lợi nhuận ban đầu là 50 triệu đồng/ha nhưng đến nay đã đạt được hơn 200 triệu đồng/ha trong khi trước đây 1 ha cam, quýt của các hộ nông dân chỉ thu được lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền địa phương là tinh thần lao động cần mẫn, năng động của nông dân, không chỉ dựa vào kinh nghiệm mà còn vận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất để có được những cánh đồng sum suê trĩu quả như ngày hôm nay. Dự án đã tạo việc làm cho lao động địa phương với thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng, là mô hình mẫu để người dân địa phương và các tỉnh bạn đến tham quan học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình.

Trong giai đoạn tới, xã sẽ mở rộng diện tích cánh đồng thành vùng chuyên canh trên 200 ha. Bước đầu tiến hành khảo sát để xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu và thực hiện vườn trái cây theo quy trình VietGap. Mục tiêu của dự án không chỉ tăng thu nhập, tạo việc làm mà còn giúp nông dân có cái nhìn mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là để xây dựng được thương hiệu cây ăn trái Hiếu Liêm.

Thật vậy, dự án cánh đồng có giá trị kinh tế cao đạt hiệu quả... tất cả là nhờ lòng dân, ý Đảng ở Hiếu Liêm luôn đồng thuận.

 

ĐỨC LÊ - KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=254
Quay lên trên