Dự án Cánh đồng trồng rau màu giá trị kinh tế cao: Nông dân phấn khởi vì hiệu quả, chất lượng cao

Cập nhật: 24-11-2010 | 00:00:00

  Nhiều hộ nông dân ở xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên áp dụng mô hình trồng rau màu mang lại giá trị kinh tế caoSau gần 2 tháng triển khai dự án cánh đồng rau màu giá trị kinh tế (KT) cao, bà con nông dân (ND) xã Tân Vĩnh Hiệp, Tân Uyên rộn ràng bước vào mùa thu hoạch. Mọi người đều phấn khởi vì năng suất, chất lượng cánh đồng rau màu được nâng lên đáng kể so với trước đây. Nhờ thực hiện dự án rau màu giá trị KT cao mà đời sống của nhiều hộ ND Tân Vĩnh Hiệp ngày càng được cải thiện và khấm khá hơn...

 Khá lên nhờ trồng rau giá trị cao

Chúng tôi ghé thăm xã Tân Vĩnh Hiệp vào những ngày bà con ND đang thu hoạch rau màu. Nụ cười rạng rỡ, niềm hạnh phúc thể hiện trên nét mặt của mọi người cho thấy vụ mùa bội thu. Những trái khổ qua, dưa leo mập mạp mới được hái xuống còn xanh mướt. Men theo con đường ruộng nhỏ hẹp chúng tôi thấy dưa leo, khổ qua được bà con chất thành đống, chờ đóng sọt để mang ra chợ đầu mối. Đưa chúng tôi tham quan dự án cánh đồng trồng rau màu giá trị kinh tế cao, một cán bộ xã cho biết: “Những ngày này bà con ND trong xã đều bận bịu với việc thu hoạch rau màu. Ở những cánh đồng áp dụng mô hình mới, vụ mùa này bà con đều bội thu!”.

Đúng như lời anh cán bộ nông nghiệp xã Tân Vĩnh Hiệp, ND Huỳnh Trung Kiêng cho biết chỉ với diện tích canh tác khoảng 7.000m2, đầu tư hơn 40 triệu đồng trồng dưa leo và khổ qua. Sau 35 ngày chăm bón, trừ chi phí gia đình ông lời gần 50 triệu đồng. Ông Kiêng phấn khởi nói: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà cụ thể là chính quyền xã thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn đã giúp cho ND chúng tôi nắm bắt, vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ thực hiện dự án rau màu giá trị KT cao mà đời sống của các gia đình ND như chúng tôi ngày càng được cải thiện và khấm khá hơn”. Không riêng hộ ông Kiêng mà nhiều hộ ND khác như Đỗ Cẩm Tú, Nguyễn Trường Hải, Đinh Quang Thái... cũng áp dụng thành công và đạt năng suất cao từ mô hình trồng rau màu giá trị cao. Theo số liệu của Ban Quản lý dự án xã thì trong số 2,3 ha diện tích rau màu đưa vào áp dụng mô hình, bình quân mỗi ha thu lợi nhuận gần 60 triệu đồng, gấp 4 lần so với cánh đồng rau nằm ngoài dự án.

Trao đổi với chúng tôi về mô hình này, ông Thái Văn Mượn, Phó Chủ tịch Hội ND xã Tân Vĩnh Hiệp, cho biết: “Là vụ đầu tiên áp dụng dự án mới nên người dân không khỏi băn khoăn. Qua sơ kết vụ 1 hầu hết các cánh đồng rau màu áp dụng công nghệ mới đều đem lại năng suất, chất lượng cao. Nhận thức của bà con trong sản xuất nông nghiệp cũng được nâng lên rõ rệt. Một số hộ ND không chỉ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật mà còn tập hợp đông đảo mọi người thành lập tổ hợp tác kinh tế trồng rau an toàn theo hướng hàng hóa, số lượng nhiều chứ không phải manh mún, đơn lẻ như trước!”

Phát huy thế mạnh của địa phương

Tân Vĩnh Hiệp là địa phương có truyền thống trồng rau màu, với ưu thế về điều kiện tự nhiên đã tạo thuận lợi cho các loại rau, quả phát triển. Toàn xã có khoảng 725 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó 50 ha trồng rau màu. Mặc dù KT của xã phát triển theo hướng công nghiệp - dịch vụ nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu KT. Nhu cầu sử dụng hàng nông sản ngày càng cao nên việc duy trì và phát triển KT theo hướng bền vững là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân xã Tân Vĩnh Hiệp. Thời gian qua với sự quan tâm của chính quyền các cấp đặc biệt là Hội ND, bà con xã viên đã tích cực thi đua phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng sẵn có của cánh đồng rau màu.                  

Để thực hiện tốt dự án UBND xã đã thành lập Ban Quản lý (BQL) gồm 5 thành viên là những cán bộ chủ chốt của địa phương có nhiệm vụ theo sát từ khi dự án được lên kế hoạch. Trải qua các khâu như làm đất, xuống giống, chăm sóc đến khi thu hoạch là cả quá trình dài, đòi hỏi người dân không ngừng học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đánh giá quá trình thực hiện dự án, các thành viên trong BQL đều công nhận mô hình được sự hỗ trợ của Nhà nước về vật tư, phân bón, giống, khoa học kỹ thuật đến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm vi sinh giúp ND tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm. Mô hình đã tập hợp các nhóm ND cùng hợp tác trong các khâu làm đất, nhổ cỏ, phủ bạt cũng như học tập kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất và được đánh giá là thiết thực đối với ND.

KIM HÀ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên