Dự án “Chăm sóc và phát triển trẻ thơ (CSPTTT) tại cộng đồng” được triển khai thực hiện tại Bình Dương từ năm 2009. Theo dự kiến, dự án trên sẽ kết thúc vào tháng 9-2012. Tuy nhiên, theo Ban quản lý (BQL) dự án tỉnh, dự án trên cần được kéo dài thêm về mặt thời gian và nhân rộng tại nhiều địa phương... Với sự hỗ trợ của dự án, các giáo viên, bảo mẫu của các cơ sở nuôi dạy trẻ được trang bị thêm nhiều kỹ năng
Thực trạng
Là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao, trong những năm qua, Bình Dương thu hút rất nhiều lao động nhập cư từ các tỉnh, thành trong cả nước. Từ đó, dân số của Bình Dương cũng tăng lên một cách nhanh chóng. Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), năm 1997, dân số toàn tỉnh là 800.000 dân. Đến nay, đã tăng lên 1.777.000 dân. Số lao động làm việc trong các khu công nghiệp là 285.000 người. Đa số lao động nhập cư đều ở trong độ tuổi lập gia đình và sinh đẻ.
Cũng giống như nhiều đô thị, thành phố lớn khác, dân số cơ học của tỉnh Bình Dương tăng quá cao, khiến đầu tư về giáo dục mầm non dù rất lớn nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu gửi con của các bậc cha mẹ, đặc biệt là người dân nhập cư. Theo số liệu, năm 2012, toàn tỉnh có 197 trường (tăng 15 trường so với năm 2011), trong đó có 96 trường ngoài công lập. Ngoài ra, còn có 148 điểm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư nhân. Bình quân, số trẻ đến trường mẫu giáo hàng năm khoảng từ 9.000 -10.000 trẻ. Vì vậy, các trường mầm non luôn quá tải về sĩ số nhóm trẻ, nhóm lớp. Trước thực trạng đó, các cơ sở trông trẻ tư nhân phát triển rất mạnh, khó kiểm soát. Hơn nữa, do công nhân lao động nhập cư đa phần đều trong độ tuổi lập gia đình và sinh đẻ nên số lượng trẻ em ra đời hàng năm cũng tăng nhanh. Do cha mẹ không có chỗ ở ổn định, nên rất nhiều trẻ dưới 3 tuổi chưa được đến trường, mà thường được cha mẹ gửi tạm bợ ở những nhóm trẻ tự phát. Trong năm 2012, còn 305 cơ sở nuôi giữ trẻ chưa được cấp phép hoạt động, với 6.163 trẻ đang được trông giữ ở đây.
Với sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản thông qua Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), từ năm 2009, dự án “CSPTTT tại cộng đồng” đã được triển khai thực hiện thử nghiệm tại Bình Dương. Theo đó, dự án sẽ kết thúc vào tháng 9-2012. Đối tượng mà dự án hướng đến là trẻ từ 0 - 3 tuổi, con công nhân di cư nghèo tại các khu công nghiệp thuộc tỉnh Bình Dương, nhằm qua đó cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng, phát triển và xã hội cho trẻ. Ngoài ra, dự án còn góp phần nâng cao năng lực, lập kế hoạch, điều phối giám sát và đánh giá các can thiệp, lồng ghép CSPTTT tại cộng đồng cho các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh.
Cần được duy trì và nhân rộng
Mô hình trên đã được triển khai thực hiện tại 3 địa phương: TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và Dĩ An. Với sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế về CSPTTT, BQL dự án trẻ thơ của Trung ương và Bình Dương đã tiến hành khảo sát, xây dựng mô hình CSPTTT phù hợp với địa bàn triển khai dự án. Từ năm 2010-2011, dự án đã hỗ trợ nâng cấp cho 32 cơ sở nuôi dạy chăm sóc trẻ tư nhân và công lập. Những cơ sở này đã được BQL dự án Trung ương, tỉnh, phòng giáo dục mầm non thẩm định và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Bên cạnh đó, 1.800 phần quà đã được trao tặng cho các trẻ dưới 3 tuổi là con của công nhân di cư có hoàn cảnh khó khăn tại 10 xã có dự án vào các dịp lễ tết như: Trung thu, Quốc tế thiếu nhi 1-6...; trang bị 121 bộ nón, ba lô, áo mưa cho các giáo viên, bảo mẫu chăm sóc trẻ ở các trung tâm nuôi dạy trẻ tư nhân và công lập; cấp phát trang bị đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi cho 30 trung tâm nuôi dạy trẻ và đưa vào sử dụng có hiệu quả...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hội, Giám đốc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết, hầu hết các xã, phường, thị trấn được dự án đầu tư, đặc biệt là các chủ cơ sở mầm non tư nhân đều tích cực phối hợp chặt chẽ với đội kỹ thuật các địa phương, BQL dự án tỉnh trong triển khai thực hiện các hoạt động liên quan. Một số chủ đầu tư được dự án hỗ trợ đã đầu tư thêm kinh phí để nâng cấp, sửa sang cơ sở, nhóm lớp khang trang, sạch sẽ hơn, cơ bản đạt theo chuẩn quy định. Ngoài ra, họ còn tự nguyện trang bị thêm đồ chơi cho trẻ nên tỷ lệ gửi vào các cơ sở nuôi dạy trẻ này tăng lên rõ rệt. Người lao động có gửi con ở những cơ sở này cũng thấy tự tin hơn, từ đó yên tâm làm việc để tạo ra nhiều sản phẩm, góp phần mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và tỉnh nhà. Đối với các giáo viên, bảo mẫu, cán bộ cộng đồng... được đào tạo, tập huấn thông qua sự hỗ trợ của dự án đã nắm vững kỹ năng về chăm sóc, nuôi dạy trẻ và có thể áp dụng vào thực tế nuôi dạy nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đặc biệt là nhóm trẻ gia đình, sau khi được dự án tập huấn cho người chăm sóc trẻ đã có nhiều tiến bộ rõ rệt: tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, tích cực hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn phòng chống tai nạn thương tích, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho trẻ khá tốt.
Những hiệu quả thiết thực trên là cơ sở để nhân rộng dự án ra toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo kế hoạch, đến tháng 9 này dự án trên sẽ kết thúc. Theo BQL dự án tỉnh, do thời gian thực hiện quá ngắn nên đối tượng của dự án là trẻ em con của những người lao động di cư nghèo và cha mẹ trẻ chưa thực sự hưởng lợi nhiều từ các hoạt động của dự án. Tại buổi làm việc với đoàn giám sát ADB vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Hội, cho rằng: “Với thời gian ngắn như vậy, rất khó đánh giá tác động và hiệu quả của dự án đối với các hoạt động lồng ghép CSPTTT tại khu công nghiệp. BQL dự án tỉnh mong muốn Chính phủ Nhật Bản và ADB xem xét, gia hạn thêm thời gian thực hiện dự án đến một năm nữa, để có thể đánh giá được hiệu quả và tác động của các hoạt động can thiệp CSPTTT của dự án. Trên cơ sở đó, BQL sẽ tham mưu cho lãnh đạo tỉnh nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh, nhất là tại các khu công nghiệp”. Thiết nghĩ, với những lợi ích thiết thực mà dự án mang lại, dự án trên cần được hỗ trợ để tiếp tục kéo dài và nhân rộng. Có như thế, hiệu quả của dự án mới tiếp tục được phát huy sâu và rộng hơn trong cộng đồng.
HỒNG THUẬN