Dự án đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua Bình Dương: Cần sớm bổ sung cát san lấp, hoàn thành giải phóng mặt bằng

Cập nhật: 21-08-2024 | 08:31:10

Theo đơn vị thi công gói xây lắp 3 (đoạn từ Bình Chuẩn, TP.Thuận An đến sông Sài Gòn) Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương, nếu không có đủ nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường, tiến độ thi công công trình sẽ bị chậm so với kế hoạch. Ngoài ra, cần sớm hoàn thành việc di dời, tái định cư đối với các trường hợp trong diện giải tỏa trắng, đặc biệt là trên tuyến trục chính của dự án.

 Những hộ dân trong diện giải tỏa trắng trên tuyến chính của gói xây lắp 3 chưa được di dời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình

 Thiếu cát san lấp

Dự án thành phần 5 - xây dựng đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng chiều dài khoảng 26,6km. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, trong 3 gói thầu xây lắp của dự án thì gói thầu xây lắp 3 sử dụng đắp nền đường bằng cát, các gói thầu còn lại sử dụng vật liệu đắp nền đường bằng đất. Nguyên nhân do địa chất đoạn từ Bình Chuẩn ra sông Sài Gòn nằm trên vùng đất yếu, thường xuyên ngập nước. Thời gian qua, gói thầu xây lắp 3 dự án thành phần 5 chủ yếu sử dụng nguồn cát thương mại. Nhà cung ứng lấy cát từ các mỏ ở tỉnh Bến Tre, Hậu Giang… Tuy nhiên, nguồn cung cấp cát từ các tỉnh này thường xuyên bị gián đoạn, không ổn định dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm.

Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, cho biết mặc dù các nhà thầu đã rất nỗ lực để tìm kiếm nguồn vật liệu cát đắp nền đường nhưng khối lượng cát huy động về công trường chỉ khoảng 1.000m3/ngày chưa đáp ứng nhu cầu, tiến độ thực hiện dự án. Ban Quản lý đang tiếp tục đôn đốc các nhà thầu khẩn trương tìm kiếm thêm nguồn cát san lấp phục vụ thi công gói thầu xây lắp 3 theo tiến độ đã đề ra.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc điều hành dự án gói thầu xây lắp 3, cho biết nhu cầu cát san lấp của gói xây lắp 3 là 600.000m3. Ngoài lượng cát trong nước, đơn vị thi công nhập khẩu nguồn cát từ Campuchia, tuy vậy hiện giá nhập khẩu cát từ thị trường này rất cao so với dự toán ban đầu. Theo hồ sơ dự toán ban đầu, giá cát nhập từ Campuchia là hơn 230.000 đồng/m3, nhưng trên thực tế giá phải mua là 330.000 đồng/m3. Giá cát nhập khẩu cao nhưng đơn vị thi công cũng phải mua để có nguồn cung bảo đảm tiến độ công trình. Đơn vị thi công đang làm việc với 3 đơn vị cung cấp nguồn cát từ Campuchia để đẩy nhanh tiến độ cung cấp cát san lấp. Trước tình hình khó khăn về nguồn cát san lấp, đơn vị thi công mong muốn tỉnh xem xét có những chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi để bảo đảm tiến độ thực hiện gói thầu theo kế hoạch hợp đồng.

Công trình xây lắp 3 cần 600.000m3 cát san lấp nền đường

Ông Trần Hùng Việt cho biết thêm, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải, UBND TP.Hồ Chí Minh tiếp tục làm việc với UBND các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre và các địa phương liên quan sớm giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác cát san lấp theo chỉ đạo tại Thông báo số 283/TB-VPCP ngày 26-6-2024 của Văn phòng Chính phủ: Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với các bộ, địa phương, cơ quan có liên quan về xử lý khó khăn, vướng mắc cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Khẩn trương di dời hộ dân diện giải tỏa trắng

Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương có tổng diện tích đất thu hồi bổ sung khoảng 79,93 ha, ảnh hưởng đến khoảng 1.529 trường hợp. Đến nay, tổng diện tích thu hồi đất của dự án đạt 90,9%; đã phê duyệt phương án bồi thường đạt 88,3%; bàn giao mặt bằng cho các gói thầu đạt tỷ lệ 70,6%...

 Đến nay, gói thầu xây lắp 1 đã hoàn thiện thủ tục thiết kế bản vẽ thi công, đang triển khai dọn dẹp mặt bằng và thi công các cọc thử trụ. Trong khi đó gói thầu xây lắp 2 khối lượng thi công đạt 23,57% so với hợp đồng; gói thầu xây lắp 3 khối lượng thi công đạt 8,32% so với hợp đồng…

Ông Nguyễn Văn Công cho biết phần diện tích mặt bằng đơn vị thi công đã nhận bàn giao chủ yếu là đất vườn của người dân. Trên tuyến chính và tuyến song hành hai bên của dự án còn vướng nhiều nhà dân, riêng tuyến chính còn gần 30 nhà dân. Đại diện đơn vị thi công đã đến nhà các hộ dân có dự án đi qua gặp gỡ, trao đổi, vận động sớm bàn giao mặt bằng. Đơn vị thi công cũng kiến nghị UBND TP.Thuận An đẩy nhanh thực hiện tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, đền bù; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch của UBND tỉnh.

Được biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Dĩ An, TP.Thuận An hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng của dự án trong tháng 8-2024.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1228
Quay lên trên