Dự án siêu sang vẫn “chuộng” nhà thầu ngoại

Cập nhật: 07-09-2010 | 00:00:00

Ngày 20-10, Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) sẽ khởi công tổ hợp công trình rộng 30.000m2 tại Ciputra (Hà Nội) với sự tham gia của dàn nhà thầu quốc tế danh tiếng.

 

Tổ hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại và dịch vụ cao cấp cao tới 68 tầng của Vietinbank có tổng vốn đầu tư ban đầu 300 triệu USD, được thiết kế bởi hãng Foster + Partners, nhà thiết kế hàng đầu thế giới, tác giả của những tòa tháp đôi hay trụ sở ngân hàng danh tiếng. Sánh đôi với Foster trong dự án của Vietinbank sẽ là Turner, đơn vị tư vấn giám sát đến từ Mỹ, từng tham gia dự án tháp Dubai, tòa nhà đài truyền hình Trung Quốc CCTV...

 Tháp đôi Keangnam hiện giữ kỷ lục về độ cao tại miền Bắc. 

Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết, tới đây ngân hàng sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để chọn nhà thầu xây dựng. Nhiều khả năng các đơn vị đến từ Hàn Quốc như Kumho hay Hyundai... sẽ được lựa chọn.

 

Mời gọi nhà thầu ngoại triển khai dự án đang là xu hướng phổ biến ở Việt Nam, chứ không riêng gì trường hợp Vietinbank. Với các dự án xây dựng hạ tầng, lựa chọn số một là các công ty Trung Quốc. Còn với những dự án dân dụng, đặc biệt là các tòa nhà văn phòng, căn hộ cao cấp do tư nhân triển khai, các công ty Âu, Mỹ hay Hàn Quốc, Singapore... được ưa chuộng hơn cả.

 

"Thẳng thắn mà nói, trình độ thiết kế trong nước còn hạn chế, đặc biệt là khi triển khai kiến trúc cao tầng hiện đại. Khâu xây dựng cũng vậy, các nhà thầu nước ngoài tham gia nhiều công trình 70-80 tầng trở lên, trong khi nhà thầu Việt Nam chưa có kinh nghiệm", Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng lý giải với VnExpress.net.

 

Ông Hùng từng đi nhiều nơi tham khảo mô hình thiết kế cũng như quy trình giám sát, thi công. Và ông thực sự mê hoặc trước các tác phẩm kiến trúc của Foster. Cách làm của Turner hay Hyundai, Kumho... cũng không chê vào đâu được. Họ lên kế hoạch làm việc, biểu bảng thời gian một cách chi tiết, chặt chẽ, đảm bảo thi công chất lượng và đúng tiến độ.

 

"Họ làm cốt pha, bố trí nguyên vật liệu thẳng tắp, gọn gàng. Công trường sạch bong, hiếm thấy rác. Bê tông đổ phẳng lì, chưa cần làm gì thêm đã đẹp rồi", ông Hùng phấn khích kể. Điều mà ông yên tâm nhất là cách làm việc chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, không gian dối của các nhà thầu ngoại. Vì vậy, dù phí thiết kế lên tới 5%, tư vấn giám sát hơn 2% tổng mức đầu tư, lãnh đạo Vietinbank vẫn hài lòng và tâm đắc.

 

Cách tiếp thị của các nhà thầu quốc tế rất bài bản. Đơn cử như hãng Hyundai, vài ngày trước phiên chấm gói thầu xây dựng một dự án khách sạn 5 sao ở Hà Nội, đích thân chủ tịch cùng đoàn lãnh đạo cao cấp bay từ Hàn Quốc sang gặp chủ đầu tư Việt Nam đặt vấn đề. Đương nhiên gói thầu sau đó đã thuộc về họ, một công ty Việt Nam tưởng là ứng viên nặng ký cuối cùng đã phải thua cuộc.

 

Kỹ sư Hải Minh, từng kinh qua các khâu thi công, giám sát và đại diện chủ đầu tư cho nhiều dự án trong cũng như ngoài nước, thừa nhận các nhà thầu ngoại dễ dàng mê hoặc chủ đầu tư trong nước bởi uy tín và kinh nghiệm từng tham gia nhiều công trình tầm cỡ trên thế giới. Bên cạnh đó, hệ thống của họ vận hành chuẩn mực, với các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, công nghệ thi công vượt trội, đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ và chất lượng theo yêu cầu của chủ đầu tư.

 

"Tài chính mạnh cũng là một lợi thế giúp các nhà thầu nước ngoài vượt qua sức ép khi tham gia các dự án siêu sang", anh Minh phân tích.

 

Trong khi đó, các nhà thầu trong nước chưa quen hoặc mới bắt đầu làm những công trình lớn và học theo tiêu chuẩn quốc tế. Bản thân họ cũng chưa tự tin khi trình bày dự án trước chủ đầu tư. Mặt khác, ý thức làm việc của nhiều đơn vị chưa cao, tiến độ thi công chậm, an toàn lao động kém, năng lực tài chính mỏng, nên phần đông chưa lấy được lòng tin của nhà đầu tư. Đó là chưa kể tình trạng bỏ thầu giá thấp để giành cho được dự án, rồi thi công ẩu, rút lõi công trình.

 

Tuy nhiên, theo anh Minh, gần đây một số nhà thầu trong nước đã lớn mạnh hơn, đáp ứng yêu cầu của các dự án mang tầm quốc tế. Hơn nữa, các hãng nước ngoài tham gia vào dự án Việt Nam với tư cách nhà thầu chính, nhưng cuối cùng họ lại thuê các nhà thầu trong nước làm.

 

"Suy cho cùng tất cả các công trình trên đất Việt Nam cũng chỉ do người Việt Nam trực tiếp làm và nhận tiền thù lao ở mức thấp, vì phải tham gia với tư cách nhà thầu thứ cấp. Người nước ngoài chỉ sang đây để quản lý, giám sát và nhận thù lao cao ngất ngưởng", anh Minh trăn trở.

 

Theo anh Minh, các nhà thầu Hàn Quốc hay Nhật Bản có xu hướng liên kết với nhau để công ty đồng hương cùng tham gia dự án. Chẳng hạn nếu công ty Hàn Quốc thi công, họ sẽ chỉ chọn vật liệu xây dựng của nước mình. Ngay như những hạng mục đơn giản nhất trong dự án, nhà thầu B' cũng là Hàn Quốc, sau đó họ thuê lại các công ty Việt Nam thi công.

 

"Lỗi một phần cũng tại các nhà thầu trong nước nên dự án mới tuột vào tay các đối thủ quốc tế. Nhưng nhiều chủ đầu tư không biết điều này. Vì vậy, các nhà thầu nội cần tự tin hơn. Chủ đầu tư cũng cần nâng cao lòng tự hào dân tộc, vì sự phát triển chung của đất nước để tin dùng nhà thầu trong nước", anh Minh nói.

Theo VNE

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=358
Quay lên trên