Dự kiến 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế khi kiểm soát được COVID-19

Cập nhật: 15-05-2020 | 16:00:11

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 45, sáng 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020.

Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Đây là năm thứ hai liên tiếp nước ta hoàn thành toàn bộ 12/12 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội giao và tốc độ tăng trưởng GDP đạt trên 7%.

Bước vào năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, lây lan nhanh tới các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, kết quả phát triển kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Quý 1/2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm.

Một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải…

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, Chính phủ dự kiến có hai kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Theo kịch bản 1, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và thời gian kiểm soát dịch tại các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý 3/2020.

Dự kiến, GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kinh tế-xã hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Về kịch bản 2, thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và thời gian kiểm soát dịch tại các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý 4/2020.

Dự kiến, GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra), trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Khẳng định cuộc khủng hoảng dịch tễ COVID-19 hiện nay tác động và phạm vi ảnh hưởng nặng nề, mạnh mẽ hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, Chính phủ cho rằng yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết, phù hợp với tình hình thực tế khách quan.

Dự kiến những chỉ tiêu cần điều chỉnh là tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn.

Trong trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi thì phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%).

Tổng số thu ngân sách nhà nước giảm 163.000 tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra).

Rà soát, đánh giá kỹ

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song trong năm 2019 nền kinh tế nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với kết quả đã báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế đề nghị trên cơ sở dự báo thời gian khống chế được dịch bệnh, mở cửa lại nền kinh tế của nước ta cũng như trên thế giới, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế-xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra về kinh tế-xã hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Trên cơ sở đó Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh những nội dung, chỉ tiêu thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đề ra các phương án, giải pháp cụ thể, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành thời gian tới, chú trọng các chỉ tiêu như CPI, thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước, các chỉ số nợ công, nợ Chính phủ...

“Tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn như dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,” Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Thảo luận tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực, hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng một số vấn đề cần tiếp tục quan tâm để có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong năm 2020.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành việc xuất khẩu gạo, giá thịt lợn.

“Nhân dân nói giá thịt lợn giảm trên ti vi còn giá thịt lợn ở chợ không giảm. Điều này thể hiện sự không thống nhất trong điều hành,” ông Nguyễn Hạnh Phúc chỉ rõ.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, cải cách hành chính cần thực chất hơn, tránh tình trạng nhà đầu tư nước ngoài phải đi “xin”;  “phong bao phong bì”; đi gặp “chỗ nọ chỗ kia”...

Về vấn đề điều chỉnh chỉ tiêu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Quốc hội không “ngại” điều chỉnh nhưng cần làm rõ quy trình, vì việc này cần xin ý kiến Trung ương, trong khi chỉ còn vài ngày nữa Quốc hội đã khai mạc Kỳ họp thứ 9.

“Phải có cấp thẩm quyền cho phép và có thời gian để thẩm định, đánh giá thật kỹ,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Quốc hội, giờ mới là giữa tháng Năm, chưa đủ cơ sở để đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu ở mức nào, vì thế cứ đặt mục tiêu là nỗ lực cao nhất. Mặc dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định, tăng trưởng chắc chắn không đạt chỉ tiêu, thu ngân sách cũng giảm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cân nhắc kỹ thêm về việc điều chỉnh các chỉ tiêu.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều quan trọng nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh để đạt mức cao nhất có thể, còn điều chỉnh thế nào thì Chính phủ cần nghiên cứu, cân nhắc thật kỹ đồng thời, lựa chọn vấn đề nào cần thiết thì có Tờ trình cụ thể, phân tích rõ để Quốc hội nắm rõ tình hình.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ chưa đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020 mà đang dự báo dựa trên hai kịch bản bản xấu và tốt, với các giả định về diễn biến dịch COVID-19. Theo đó, dự kiến điều chỉnh tăng GDP ở mức 4,5% để chủ động điều hành.

Bộ trưởng cũng thông tin thêm ngày 14/5, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị Đề án về chủ động ứng phó dịch bệnh và phục hồi kinh tế trong tình hình mới, có dự báo tình hình và dự báo điều chỉnh chỉ tiêu. Nếu Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ sẽ trình xin ý kiến Quốc hội.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát, dự báo, đánh giá tình hình năm 2020 một cách sát nhất và có thể xây dựng kịch bản thứ 3 với tình hình dịch bệnh có thể kéo dài sang năm 2021, kéo theo kinh tế gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam chỉ khoảng 3%; các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn gặp khó khăn.

Đối với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh chỉ tiêu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng chưa đủ căn cứ pháp lý để xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh này.

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về một số nguyên tắc trong điều hành; nếu có biến động thì sẽ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10, để đảm bảo sự linh hoạt, chặt chẽ.

Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công

Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 nêu rõ: Tổng thu ngân sách thực hiện 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 32,5% dự toán, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, phần lớn các khoản thu đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, thu nội địa giảm 3,7%; thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 19% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng thu từ dầu thô tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiêm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng các biện pháp ưu đãi về thuế của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, như gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19… là rất cần thiết, nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới số thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm 2020.

Về chi ngân sách 4 tháng đầu năm 2020, Ủy ban Tài chính-Ngân sách chỉ rõ nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân vốn đầu tư phát triển rất chậm. Do vậy, đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất-kinh doanh, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, thực hiện quyết liệt việc cắt giảm vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân nhưng thiếu vốn.

Đề cập nhiệm vụ những tháng cuối năm, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nêu rõ việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2020 như Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra là không khả thi. Đồng thời, dự kiến hụt thu ngân sách năm 2020 khá lớn (khoảng 130.000-150.000 tỷ đồng) trong khi nhu cầu chi tăng cao để ứng phó với dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn, cân đối ngân sách bị ảnh hưởng rất lớn.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 để chủ động có phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế sát với thực tế hơn, tạo cơ sở để tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tài chính ngân sách tương ứng với tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở đó kiểm soát có hiệu quả những nhiệm vụ chi cần thiết; thực hiện tiết giảm mạnh hơn chi thường xuyên trong các hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1731
Quay lên trên