Thiên nhiên ban tặng vùng đất TX.Tân Uyên hiền hòa, có nhiều tiềm năng về điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch. Phát huy ưu thế sẵn có, trong những năm qua TX.Tân Uyên đã đẩy mạnh phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành một trong các ngành kinh tế quan trọng của thị xã.
Bưởi Bạch Đằng được giới thiệu tại triển lãm thành tựu của tỉnh
Phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh
Bất kỳ ai đến với TX.Tân Uyên nhất định sẽ đến tham quan cù lao Bạch Đằng. Trời phú cho vùng đất này phù hợp với cây bưởi, do đó bưởi Bạch Đằng nổi tiếng khắp cả nước. Những vườn bưởi xanh mát mắt, trái sai trĩu cành như níu chân du khách. Hiện tại, cù lao Bạch Đằng đã đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động phát triển du lịch. Nơi đây có 3 nhà vườn để khách tham quan và mua sắm, như: Vườn ông Nguyễn Minh Công chuyên về bưởi da xanh; ông Dương Văn Minh chuyên về bưởi đường lá cam và các sản phẩm làm từ bưởi như mứt bưởi, rượu bưởi, tinh dầu bưởi…; ông Nguyễn Ngọc Long chuyên về bưởi đường, bưởi ổi, rau mầm đã góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch để thu hút khách đến với địa phương.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin TX.Tân Uyên, cho biết để vận dụng và phát huy tiềm năng sẵn có, Tân Uyên đã 2 lần tổ chức lễ hội “Hương bưởi Bạch Đằng”, thu hút hơn 20.000 lượt khách tham gia. “Lễ hội là điều kiện thuận lợi để quảng bá phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh TX.Tân Uyên và các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đặc trưng, tiêu biểu của địa phương”, ông Phát nói.
Tân Uyên còn có 1 địa chỉ khác có khả năng thu hút khách du lịch, đó là cù lao Thạnh Hội. Cũng như Bạch Đằng, cù lao Thạnh Hội được bao bọc bởi sông Đồng Nai, là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch đường sông, du lịch sinh thái vườn. Cù lao Thạnh Hội hiền hòa, yên ả và rất đỗi thân thiện với những con đường xanh - sạch - đẹp như níu chân du khách khi đến nơi này.
Ngoài 2 cù lao nêu trên, TX.Tân Uyên còn là địa chỉ du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Ở cù lao Bạch Đằng có 2 địa chỉ đáng để tham quan là đình Tân Trạch và nhà cổ Đỗ Cao Thứa. Còn ở cù lao Thạnh Hội, thì đình Nhựt Thạnh được xếp hạng di tích cấp tỉnh, nơi gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất, con người Bình Dương.
TX.Tân Uyên còn nổi tiếng với các di tích lịch sử - văn hóa. Trên địa bàn thị xã có 12 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 1 di tích cấp quốc gia. Hàng năm mỗi di tích đón hàng trăm lượt du khách đến viếng thăm. Riêng Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, đến nay đã đón vài chục ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Điều đó đã góp phần giữ gìn và phát huy giá trị di tích, phát triển du lịch địa phương. Được biết, địa phương đã tổ chức được các tuyến tham quan thí điểm tuyến du lịch tại Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi, đình Tân Trạch, nhà cổ Đỗ Cao Thứa, các vườn bưởi của xã Bạch Đằng.
Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Đánh thức tiềm năng sẵn có, Đảng bộ, chính quyền TX.Tân Uyên quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thị xã. Từ định hướng này, Tân Uyên nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển bền vững. Theo đó, Tân Uyên phát triển các loại hình du lịch như sinh thái vườn, ven sông, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn gắn với sản phẩm đặc trưng. Thị xã cũng định hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh.
Để thu hút du lịch, TX.Tân Uyên đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất. Thị xã tập trung các nguồn lực đầu tư các dự án khu đô thị, dịch vụ ven sông, cũng như đôn đốc nhà đầu tư triển khai hiệu quả dự án khu đô thị sinh thái Mê Kông golf villa Bạch Đằng, hình thành đường ven sông Đồng Nai theo quy hoạch; hình thành các khu nhà ở, thương mại - dịch vụ, du lịch, công viên, quảng trường, phố đi bộ ở một số khu vực ven sông Đồng Nai thuộc các phường Uyên Hưng, Khánh Bình, Thạnh Phước, Thái Hòa.
Đối với cơ sở vật chất phục vụ phát triển du lịch, hiện TX.Tân Uyên có 12 di tích được xếp hạng, trong đó Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được công nhận là điểm du lịch của tỉnh. Trên bước đường phát triển du lịch, một công việc không thể thiếu đó chính là đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Công tác này được địa phương quan tâm thực hiện, cử cán bộ tham gia nhiều lớp tập huấn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Về phía thị xã đã tập huấn triển khai công tác phục vụ tổ chức thí điểm tuyến du lịch trên địa bàn thị xã. Ngoài ra, thị xã còn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khảo sát và chọn 3 chủ vườn của xã Bạch Đằng tham gia tập huấn kỹ năng về “phát triển du lịch sinh thái vườn và tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng cho các hộ nhà vườn trên địa bàn tỉnh Bình Dương”. Ngoài ra, thị xã còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng khác phục vụ cho công tác phát triển du lịch.
Đầu tháng 11-2021, UBND TX.Tân Uyên đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 trên địa bàn TX.Tân Uyên. Theo kế hoạch, TX.Tân Uyên đẩy nhanh tiến độ lập điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới xã Bạch Đằng và Thạnh Hội gắn với chương trình phát triển đô thị và kết hợp xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó, TX.Tân Uyên còn triển khai thực hiện tốt đề án xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu lồng ghép làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng. Trong giai đoạn này, TX.Tân Uyên tập trung huy động các nguồn lực đầu tư các dự án khu đô thị, dịch vụ ven sông... có chương trình hỗ trợ để bảo tồn làng gốm ở Tân Phước Khánh, tạo điểm nhấn cho du lịch. Thị xã còn kêu gọi đầu tư các bến du thuyền trên sông Đồng Nai, đẩy mạnh và thu hút nguồn lực để phát triển du lịch sinh thái, du lịch ven sông Đồng Nai, du lịch về tâm linh, về lịch sử; kêu gọi thu hút đầu tư phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh gần sông Đồng Nai tại một số xã; phấn đấu đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, góp phần đem lại thu nhập bền vững cho người dân trên địa bàn thị xã. |
HỒNG THÁI - VĂN DŨNG