Đã thành thông lệ đầu năm, du khách du xuân thường kết hợp hành hương tại các điểm di tích nổi tiếng về tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tôn giáo là đình, chùa, miếu mạo… Ví dụ như người dân khi đến Nam Định sẽ viếng đền Trần, thăm Tháp bà Ponagar khi du lịch tại Nha Trang (Khánh Hòa). Núi Bà Đen ở Tây Ninh cũng là một trong những điểm du lịch khách đến nườm nượp kể từ lúc giao thừa, đón năm mới. Ở Bình Dương cũng vậy, từ khuya 30 tết, du khách đã đến với các chùa như Hội Khánh, Tây Tạng, miếu Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu (chùa Bà)… Tuy nhiên, người dân cần phân biệt giữa một nét đẹp văn hóa dân gian hay là mê tín dị đoan và những biến tướng dựa vào lễ hội.
Tôi thường hay để ý khi đến tham quan những điểm du lịch tâm linh. Có người đến với một phong thái ung dung, điềm đạm, không nhang khói, không lễ vật hay xì xụp khấn vái, xin xỏ gì. Họ đến những phòng trưng bày của di tích, tìm hiểu lịch sử hình thành, xem vị khai khẩn nào, người có công nào được người dân tôn vinh, thờ tự đời này qua đời khác. Họ đến để tự hào hơn về quê hương, Tổ quốc mình. Có người lại lễ mễ mang lễ vật nặng cả vai và giải thích rằng họ đi… trả lễ (tức là trả cả vốn lẫn lãi đã vay mượn thần thánh). Tôi cũng thầm nghĩ: Không biết nếu có thần, Phật thật thì ai trong số những người khấn vái đến toát mồ hôi hay ung dung tự tại kia được… độ? Chắc là không đâu nhỉ, vì nếu như thế thì thần, Phật cũng có “phân biệt đối xử” mất rồi.
Những ngày đầu năm đến với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo, dân gian tại Bình Dương, chú ý kỹ, bạn cũng sẽ thấy nhiều người không thắp nhang. Họ lặng lẽ cầu nguyện mà thật ra là đang tự nhắc nhở mình sống tử tế, hiền lương rồi thì mọi việc sẽ hanh thông, suôn sẻ hơn trong năm mới. Nhưng đâu đó vẫn còn có những người đốt cả bó nhang (dù đã được nhắc nhở mỗi người chỉ nên đốt một nén nhang để phòng, chống cháy nổ) cho dù vừa cắm nhang xong sẽ có người của cơ sở thờ tự rút ra nhúng vào thùng nước để cạnh đó. Vẫn có người dùng tiền để hốt tro nhang từ miếu Bà đem về. Vẫn có cảnh… nhét tiền vào các bức tượng để cầu mong tài lộc. Tục đốt vàng mã, xin xăm, xin keo… vẫn còn khá nhiều nơi chưa bỏ được dù cho truyền thông vẫn tuyên truyền bài trừ mê tín dị đoan hết năm này qua năm khác.
Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người nhưng tin và xin vào ai khi bạn chưa tin vào chính bản thân mình? Cho dù bạn cầu xin như thế nào mà không làm việc thì của cải ở đâu tự tìm đến với bạn? Năm nay, nhiều nơi đã kêu gọi thực hiện lễ hội thân thiện với môi trường, không xả rác bừa bãi. Đây cũng là cách hạn chế tình trạng đốt vàng mã, nhang đèn quá nhiều. Và chúng ta, du lịch tâm linh hãy như một dịp du xuân, thưởng lãm cảnh đẹp và tìm hiểu thêm về văn hóa tại địa phương nơi mình đến. Thăm viếng, tìm hiểu các địa danh trên đường du xuân để có thêm năng lượng tích cực cho một năm làm việc thắng lợi hơn. Không nên để “rác mê tín” làm cho mình u mê…
QUỲNH NHƯ