Tổ chức Giám sát Doanh nghiệp Quốc tế (BMI) vừa công bố báo cáo về ngành du lịch Việt Nam, theo đó dự báo năm nay Việt Nam sẽ thu hút được khoảng 5,58 triệu lượt du khách, tăng 8% so với mức của năm ngoái là 5,16 triệu lượt khách.
Du lịch tại biển Nha Trang, Khánh Hòa
Trong báo cáo quý 2-2011 về ngành du lịch Việt Nam, BMI - tổ chức phân tích, đánh giá độ tín nhiệm và rủi ro của các thị trường trên toàn cầu - cho rằng với lượng du khách đến Việt Nam trong năm 2010 tăng 40% so với năm trước, Việt Nam đã trở thành thị trường du lịch hoạt động tốt nhất trong khu vực. Điều này đặc biệt ấn tượng khi trước đây Việt Nam thường đứng sau các nước khác trong khu vực như Ấn Độ và Thái Lan.
BMI cho rằng số du khách đến Việt Nam từ các nước khác thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng 7,74% trong năm 2010 so với một năm trước chứng tỏ Việt Nam đã trở thành một điểm đến tốt trong khu vực và có thể thu hút nhiều du khách không còn thích tới thăm những điểm du lịch lớn hơn.
Báo cáo của BMI cũng nêu rõ Chính phủ Việt Nam đã coi du lịch là một ngành chiến lược chủ chốt và hy vọng ngành này đóng góp 4,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2011.
Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đã tiến hành nhiều chương trình phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển và du lịch sinh thái vì hai loại hình du lịch này còn tương đối kém phát triển so với các loại hình du lịch khác. Việt Nam cũng vừa đề xuất thành lập hãng hàng không mới VNJet nhằm phục vụ đối tượng doanh nhân.
Nhấn mạnh vai trò của ngành du lịch, vừa qua (ngày 8-4), tám cơ quan của Liên hiệp quốc đã nhất trí phối hợp hành động nhằm khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh du lịch vì sự phát triển kinh tế-xã hội toàn cầu. Tám cơ quan đã thỏa thuận thành lập Ban chỉ đạo của Liên hiệp quốc về du lịch vì sự phát triển (SCTD) để thúc đẩy và nâng cao vị trí của du lịch trong chương trình nghị sự phát triển toàn cầu.
SCTD nhấn mạnh hơn một nửa số nước nghèo nhất thế giới đã coi ngành du lịch là công cụ hiệu quả để giúp những nước này tham gia nền kinh tế toàn cầu và giảm đói nghèo. Phát huy cao nhất vai trò của du lịch đang giúp các nước nghèo đạt được những mục tiêu phát triển.
Du lịch ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, việc làm, thu nhập cho các nước đang phát triển và hiện đã trở thành nguồn xuất khẩu lớn thứ nhất hoặc thứ hai của 20 trong số 48 nước chậm phát triển nhất thế giới, đồng thời là nguồn tăng trưởng bền vững ở ít nhất 10 nước khác.
Ngành du lịch đã trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tiến bộ kinh tế xã hội ở nhiều nước và là ưu tiên phát triển đối với đa số các nước nghèo nhất. Như vậy, Việt Nam hiện đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành du lịch hơn nữa trong tương lai gần.
Theo VnMedia