Đưa các anh về cùng đồng đội

Cập nhật: 27-07-2017 | 06:08:10

Theo hồ sơ của cơ quan quân sự, trong trận đánh An Điền năm 1974 có 150 chiến sĩ hy sinh tại chiến khu Tam giác sắt. Sau ngày thống nhất đất nước, khoảng năm 1978-1979, các đồng đội của các liệt sĩ đã quay lại tìm kiếm và đã quy tập 75 bộ hài cốt. Đối với số phần mộ của các chiến sĩ hy sinh chưa tìm được là nỗi ray rứt trong lòng các đồng đội cũng như lực lượng tìm kiếm. Rất may, từ thông tin người dân cung cấp, lực lượng tìm kiếm đã quy tập được thêm 42 hài cốt liệt sĩ.

Hành trình đi tìm  hài cốt liệt sĩ

Những ngày này, nhân dân cả nước đều hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Hòa trong không khí đó, người dân vùng chiến khu “Tam giác sắt anh hùng” càng vui hơn khi đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ đã quy tập được hơn 40 hài cốt chiến sĩ thuộc Sư đoàn 7, Sư đoàn 9, trực thuộc Quân đoàn 4 hy sinh trong trận đánh An Điền năm 1974 được chôn cất tạm tại ấp Dòng Sỏi, xã An Tây, TX.Bến Cát.

Ông Đặng Minh Hưng (thứ hai, phải sang), Phó Chủ tịch UBND tỉnh có mặt tại hiện trường, tham gia chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ. Ảnh: M.DUY

Có mặt tại địa điểm tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chúng tôi gặp ông Đặng Văn Hoàng (58 tuổi), người dân ấp Dòng Sỏi, xã An Tây, TX.Bến Cát, một trong những người cung cấp nguồn tin giúp lực lượng tìm kiếm xác định vị trí chôn cất liệt sĩ. Ông Hoàng bồi hồi kể lại, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, từ tháng 6-1975, ông cùng nhiều người được nông trường nhận vào làm đất  trồng điều. Khi đào bới để trồng thì mọi người phát hiện bên dưới có hài cốt nên việc trồng điều ở khu vực này được nông trường trì hoãn. “Từ đó, nông trường không trồng điều ở khu vực mà chúng tôi đã đánh dấu phát hiện hài cốt tính từ chốt canh để tiện việc tìm kiếm về sau. Tuy nhiên, hơn 40 năm đã trôi qua nên địa hình, địa vật thay đổi gây khó khăn cho việc tìm kiếm. Lần tiềm kiếm này tôi luôn khấn vái vong linh các anh phù hộ để chỉ giúp lực lượng tìm kiếm chính xác”, ông Hoàng xúc động nói. Chia sẻ cùng chúng tôi, ông cho biết nhiều năm qua, việc chưa xác định chính xác vị trí các phần mộ liệt sĩ hy sinh trong trận đánh An Điền luôn “ám ảnh” và là nỗi lo đau đáu trong lòng. Việc tìm kiếm luôn thôi thúc ông tìm đến các cơ quan chức năng để xác định lại vị trí các phần mộ. “Lần tìm kiếm này, các anh đã phù hộ cho chúng tôi được tìm thấy. Giờ tìm thấy các anh rồi, tôi cảm thấy thật nhẹ nhõm trong lòng”, ông Hoàng vui mừng cho biết.

Theo Ban Chỉ huy Quân sự TX.Bến Cát, sau nhiều lần tìm kiếm không có kết quả, cuối năm 2016, Ban Chỉ huy Quân sự TX.Bến Cát đã tổ chức cuộc hội thảo và mời rất nhiều người dân, nhân chứng từng thấy các phần mộ để cung cấp thêm thông tin giúp xác định vị trí nơi chôn cất tạm các liệt sĩ. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm, cảnh vật thay đổi, những vườn điều cũng đã bị chặt hạ khiến cho việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn. Thượng tá Vũ Xuân Thảo, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, cho biết thêm, trong những năm qua đoàn quy tập vẫn không ngừng các nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh An Điền vào năm 1974. “Trong quá trình tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ ở ấp Dòng Sỏi dù gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ, cung cấp thông tin từ người dân địa phương, chúng tôi đã khẩn trương tiến hành khảo sát vị trí và tiến hành tìm kiếm”, thượng tá Vũ Xuân Hảo chia sẻ.

Có mặt cùng đoàn quy tập hài cốt liệt sĩ trong những ngày tháng 7 này, chúng tôi mới thấy trân trọng được những nỗ lực vượt qua khó khăn khắc nghiệt của thời tiết mưa bão. Hết những cái nóng của trưa hè, hay những cơn mưa rả rích ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Talas) vẫn không ngăn được các cán bộ chiến sĩ khẩn trương tìm kiếm. Ai cũng mong sớm đưa các anh về cùng đồng đội! Những di vật tìm được dưới các phần mộ từ chiếc dây nịt, chiếc cúc áo, tấm tăng, võng… khiến ai cũng bồi hồi, xúc động trước sự hy sinh của các anh.

Ông Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết sau lễ truy điệu sáng 26-7, hài cốt các anh được đưa về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TX.Bến Cát. Theo ông Đặng Minh Hưng, công việc tìm kiếm cũng sẽ tiếp tục được triển khai; đồng thời mở rộng thêm phạm vi tìm kiếm, nhằm quy tập toàn bộ hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh tại đây. Tại buổi làm việc với Thị ủy, UBND TX.Bến Cát, ông Đặng Minh Hưng lưu ý TX.Bến Cát cần tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tiếp tục việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, trong đó cần đánh dấu vị trí, số thứ tự các hài cốt để phục vụ cho công việc xác định danh tính, người thân của liệt sĩ về sau.

Khu vực tìm kiếm rộng hơn 1 ha...

...và di vật được tìm thấy là nhiều chiếc cúc áo của các liệt sĩ

Thế hệ hôm nay luôn ghi nhớ công lao các anh

Chiến khu Tam giác sắt Tây Nam (Bến Cát) thuộc địa bàn 3 xã An Điền, An Tây, Phú An nằm ở phía tây nam TX.Bến Cát, cách trung tâm TP.Thủ Dầu Một 15km về phía nam. Đây là địa bàn được hình thành bởi 2 con sông Sài Gòn, Thị Tính. Chính vì vị trí chiến lược quan trọng này, Huyện ủy Bến Cát và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định lúc trước đã chọn nơi đây làm căn cứ đóng quân, là vùng căn cứ địa cách mạng, được mệnh danh là “Tam giác sắt”, từng làm cho kẻ địch khiếp sợ. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vùng đất 3 xã Tây Nam Bến Cát sớm nổi danh với Chiến khu An Thành và từng là nơi dừng chân của các cơ quan đầu não kháng chiến Khu bộ miền Đông, Xứ ủy Nam bộ, Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định...

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, kẻ thù đã nhiều lần cày đi xát lại nhưng chúng không khuất phục nổi lòng người dân ở đây. Đến khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào trực tiếp chiến đấu ở miền Nam, năm 1967 bằng đủ loại binh hùng tướng mạnh và những phương tiện giết người hiện đại nhất, chúng mở trận càn Cedar Fall với quy mô lớn gồm 30.000 quân, 400 xe tăng, 80 tàu chiến, 100 đại bác và nhiều loại máy bay ném bom, kể cả máy bay B.52 hòng hủy diệt mục tiêu quan trọng này. Nhưng dựa vào hệ thống địa đạo quanh co, chằng chịt, quân và dân ta lúc ẩn, lúc hiện bí mật bất ngờ mở đợt chống càn quyết liệt. Cuối cùng, giặc Mỹ phải rút lui. Với sự thất bại thảm hại, 3.200 tên Mỹ - ngụy bị diệt, 149 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy, 28 máy bay bị bắn rơi hoặc bị thương, 2 tàu chiến bị bắn chìm, bắn cháy... Sau những thất bại liên tiếp, trước sự chiến đấu kiên cường, anh dũng của quân và dân các xã An Điền, An Tây, Phú An kẻ thù đành bất lực và gọi vùng này là vùng Tam giác sắt.

Chiến tranh đã lùi xa, trên quê hương Tam giác sắt anh hùng ngày nay đã có nhiều đổi thay toàn diện về mọi mặt đời sống văn hóa, kinh tế - xã hội. Những thành tựu nổi bật của vùng đất anh hùng là nhân dân đã có đời sống ấm no, hạnh phúc. Có được thành tựu đó, thế hệ hôm nay luôn khắc ghi công ơn, sự hy sinh của các thế hệ cha, anh đã ngã xuống để giành độc lập, tự do cho dân tộc.

“Trong năm 2016, đoàn quy tập đã tìm được 116 hài cốt liệt sĩ, đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ. Riêng việc tìm kiếm, quy tập hài cốt tại ấp Dòng Sỏi, đoàn đã quy tập được 42 hài cốt liệt sĩ”.

(Thượng tá Vũ Xuân Thảo, Phó Chủ nhiệm Chính trị,
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

 

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=792
Quay lên trên