Chuyển đổi số (CĐS) đang là xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ số hiện nay. Nhằm thúc đẩy nhanh CĐS đi vào cuộc sống, Bình Dương sẽ thành lập một Trung tâm CĐS do Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quản lý, tập trung các giải pháp, nền tảng phục vụ CĐS địa phương.
Nâng cao chất lượng
Năm 2023 là năm dữ liệu số Quốc gia “Khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị”, mặc dù kinh tế có nhiều khó khăn nhưng Bình Dương đã phấn đấu triển khai công tác CĐS với nhiều kết quả quan trọng. Bước sang năm 2024, thực hiện chủ đề “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững” của Ủy ban Quốc gia về CĐS, Bình Dương xác định năm 2024 là năm “vững vàng, bứt phá, tăng tốc” tập trung nâng cao chất lượng CĐS trên các lĩnh vực. Trong đó, tỉnh thực hiện CĐS theo hướng mang lại kết quả thực chất, bền vững, ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các chương trình, chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, nghị quyết của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về CĐS giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030.
Các đại biểu trao đổi về các giải pháp thành lập chuỗi trung tâm tư vấn CĐS tại tọa đàm “Thành lập chuỗi, mạng lưới tư vấn CĐS” do Sở TT&TT tổ chức
Trong năm 2024, Bình Dương sẽ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng số, nền tảng số, phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo lập, phát triển, kết nối, chia sẻ dữ liệu số tạo tiền đề phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dựa trên kết quả Đề án 06 của Chính phủ, gắn với cải cách hành chính và phát triển thành phố thông minh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền và chất lượng dịch vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN). Tỉnh phấn đấu đạt Top 10 trong các tỉnh, thành phố về chỉ số CĐS. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số mục tiêu trọng tâm, như: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển hạ tầng số, kinh tế số và xã hội số; an toàn thông tin.
Hiến kế thúc đẩy
Nhằm thúc đẩy nhanh CĐS đi vào cuộc sống, Bình Dương sẽ thành lập một Trung tâm CĐS do Sở TT&TT quản lý. Để có thông tin giúp chuỗi Trung tâm CĐS có mô hình tổ chức và cách thức hoạt động hiệu quả, Sở TT&TT đã tổ chức tọa đàm “Thành lập chuỗi, mạng lưới tư vấn CĐS”. Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực CĐS, đại diện các DN thành công trong việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động.
Phát biểu tại tọa đàm, Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam đã khẳng định, 3 yếu tố then chốt quyết định thành công CĐS đó là: Con người, thể chế, công nghệ. Trong đó, khó khăn và thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen, nhận thức và nhận thức đúng về CĐS. Trong khi đó, theo ông Thái Hoàng Tú, Chủ tịch, CEO Công ty Cổ phần Sbusiness, xu hướng công nghệ số tại Việt Nam là Big Data, AI, kinh tế số, chính quyền số, xã hội số, số hóa chuỗi cung ứng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi môi trường, xã hội và quản trị. Ông cho rằng, để CĐS thành công, các địa phương, đơn vị cần chú ý đến xu thế hành vi của người dân trong nền kinh tế số, như: Chưa quen với thực hiện các thủ tục hành chính online, nhiều DN vướng mắc về các rủi ro CĐS, người dân chưa được truyền thông và hướng dẫn trực quan, lo ngại tính bảo mật…
Ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban Chuyên gia CĐS DX Center thì cho rằng, CĐS ở các tỉnh, thành đang trong trạng thái có quá nhiều giải pháp, quá nhiều công nghệ. Vì vậy, chúng ta cần nâng vai trò của tư vấn để có thể giúp DN tiếp cận đúng để có đường đi đúng. Để chuỗi tư vấn đi vào hoạt động hiệu quả, các địa phương, đơn vị cần phải xây dựng được sự tin cậy đối với hoạt động tư vấn. Tư vấn cần đưa ra được giải pháp công nghệ phù hợp, trải nghiệm người dùng tốt, triển khai và khai thác tốt; trong đó, cần chú ý đến chi phí tư vấn thấp.
Theo ông Nguyễn Hữu Yên, Phó Giám đốc Sở TT&TT, những ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm đã làm rõ, cung cấp thông tin để mọi người có nhiều thông tin hơn về CĐS như hiệu quả, cách làm, bước đi và an toàn, tạo lập niềm tin khi tham gia CĐS. Các ý kiến này sẽ đóng góp và bổ sung thêm cơ sở và thông tin để kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của chuỗi Trung tâm CĐS tại Bình Dương. Sau buổi tọa đàm này, Trung tâm CĐS có thêm cơ sở, thông tin để kiện toàn cơ cấu tổ chức, hoạt động của chuỗi Trung tâm CĐS và sẽ tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn cho thành viên mạng lưới để các thành viên sẵn sàng tư vấn CĐS.
Trung tâm CĐS tại Bình Dương sẽ được thành lập vào ngày 26-4-2024. Đây sẽ là nơi phối hợp các DN nền tảng để hỗ trợ 50 DN SMedx theo lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong tỉnh CĐS toàn diện; tổ chức cho các thành viên trung tâm tham quan mô hình DN có giải pháp, CĐS xuất sắc, thành công. Sau khi thành lập, Trung tâm CĐS tỉnh Bình Dương và chuỗi các trung tâm, văn phòng tư vấn, hỗ trợ CĐS tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Văn phòng thành phố thông minh, trung tâm thuộc cấp huyện và DN như Becamex, Viettel, VNPT, MobiFone, VNTT... sẽ kiện toàn nhân sự, thành viên, tiến đến tham gia mạng lưới tư vấn CĐS Quốc gia. |
MINH HIẾU