Năm 2016, nguồn kinh phí xúc tiến thương mại (XTTM) của tỉnh còn hạn chế nhưng các chương trình XTTM vẫn được duy trì và tăng cường, đặc biệt là chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Tuy nhiên, để hàng Việt đến nhiều hơn với người tiêu dùng vùng nông thôn, theo các doanh nghiệp (DN), công tác tuyên truyền cần được thực hiện sâu, rộng hơn.
Người dân đến tham quan, mua sắm tại phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn ở xã Tân Hiệp, huyện Phú Giáo vừa qua. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Phát huy hiệu quả
Trong năm 2016, Trung tâm XTTM Sở Công thương đã có nhiều hoạt động tích cực hỗ trợ các đơn vị, DN đưa hàng Việt về nông thôn. Theo đó, đã có 16 chuyến bán hàng lưu động (tăng 3 chuyến so với năm 2015) của gần 50 lượt DN về các xã, phường, thị trấn trên địa bàn các huyện Dầu Tiếng, Bắc Tân Uyên, TX.Tân Uyên và các khu, cụm công nghiệp ở TX.Thuận An và TX.Dĩ An. Tại những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, 100% mặt hàng bày bán đều là hàng Việt Nam được bình ổn giá bán, kèm theo đó là nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá.
Theo ghi nhận, hàng hóa tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tập trung vào những mặt hàng nhu yếu phẩm, các nhóm hàng tham gia chương trình bình ổn giá. Với mẫu mã đa dạng, giá hợp lý, các chuyến hàng đã phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân nông thôn trong tỉnh. Ông Nguyễn Tấn Long, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết, các chuyến hàng Việt về Phú Giáo trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn huyện tiếp cận, mua sắm những mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng tốt, giá cả phù hợp. Người dân trong huyện đang chờ đợi có nhiều chuyến xe đưa hàng Việt về địa phương hơn nữa.
Đánh giá về kết quả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn trong năm 2016, ông Phạm Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh khẳng định, việc đưa hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn có thêm cơ hội mua sắm những mặt hàng chất lượng cao, do các DN trong tỉnh và trong nước sản xuất. Từ đó người dân có thêm thông tin để so sánh, đánh giá về chất lượng, giá cả của hàng sản xuất trong nước với hàng nhập ngoại đang được bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường. Còn với DN, việc tham gia các phiên chợ hàng Việt đã giúp họ giới thiệu hàng hóa, nắm bắt thị hiếu, sức mua của người dân khu vực nông thôn nhằm đưa ra được những kế hoạch kinh doanh phù hợp hơn để mở rộng thị trường.
Tuyên truyền cần sâu rộng
Năm 2016, doanh thu của gần 50 lượt DN tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong tỉnh đạt trên 343 triệu đồng. Theo nhiều DN, tham gia các hoạt động XTTM của tỉnh, đặc biệt là hoạt động đưa hàng về nông thôn đã đem đến nhiều thành công trong việc quảng bá sản phẩm do DN sản xuất. Anh Nguyễn Thành An, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV TM-VT Nhã Thy (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, ngoài việc tạo điều kiện cho DN cơ hội tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn còn giúp công ty mở thêm được đại lý tiêu thụ.
Tuy vậy, theo các DN tham gia, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn vẫn chưa đạt được như mong muốn. Khó khăn đầu tiên, trước mỗi phiên chợ, Trung tâm XTTM tỉnh phối hợp với các địa phương thực hiện khá tốt công tác thông tin, chú trọng lựa chọn các DN tham gia. Tuy nhiên, công tác truyền thông về phiên chợ vẫn chưa được phổ biến sâu, rộng đến tận các xóm, ấp. Mặt khác, các chuyến hàng về nông thôn đều diễn ra trong thời gian ngắn (2 - 3 ngày) nên chưa khai thác hết sức mua trong nhân dân. Anh Võ Hoàng Vũ, đại diện DN hàng thời trang Minh Sương (TX.Dĩ An) cho hay, thời gian bán hàng khi tham gia phiên chợ tại các vùng nông thôn quá ngắn (2 - 3 ngày), nhiều người dân đến ngày cuối mới biết có phiên chợ, hoặc khi biết thì phiên chợ đã kết thúc. Nguyên nhân này khiến làm giảm đi ý nghĩa của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn.
Cùng chia sẻ nói trên, anh Nguyễn Thành An cho biết, kinh nghiệm ở một số tỉnh tổ chức chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cho thấy, trước khi diễn ra chương trình các địa phương dùng loa phát thanh di động đến tận các hẻm, khu dân cư để tuyên truyền cho bà con được biết. Để người dân ở vùng nông thôn trong tỉnh đến phiên chợ nhiều hơn, rất cần các cơ quan chức năng, địa phương tuyên truyền sâu rộng hơn. Chỉ khi có khâu tuyên truyền tốt, cung ứng hàng hóa tốt, sản phẩm tốt và giá tốt, chắc chắn cơ hội tiếp cận hàng Việt của người dân nông thôn sẽ gia tăng và DN thâm nhập thị trường nông thôn thuận lợi hơn.
TRÚC HUỲNH