Đầu năm 2015, hệ thống quan trắc động thái nước dưới đất được nghiệm thu và chính thức đưa vào hoạt động, phục vụ đắc lực cho công tác quan trắc tài nguyên nước dưới đất, tạo cơ sở cho việc lập quy hoạch, cấp phép khai thác và xây dựng vùng cấm, tạm cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường kiểm tra lắp đặt trạm quan trắc nước dưới đất
Là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những năm gần đây, Bình Dương phát triển nhanh về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, kéo theo nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất ngày càng tăng, đã làm suy giảm mực nước. Chính vì thế, quan trắc động thái nước dưới đất bao gồm đo mực nước và chất lượng nước để có kế hoạch cải thiện và bảo vệ nguồn nước dưới đất là nhu cầu bức xúc mang tầm quan trọng chiến lược đặc biệt trong tiến trình phát triển hiện nay.
Theo đó từ năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Dự án đầu tư hệ thống quan trắc động thái nước dưới đất trên địa bàn tỉnh, với 3 trạm quan trắc chính Sóng Thần, Vĩnh Phú và An Phú. Mỗi trạm gồm 3 cụm giếng ở các tầng nước khác nhau, phân bố trên địa bàn 2 TX.Dĩ An và Thuận An. Đây là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam Bình Dương, có số lượng dân cư tập trung đông cùng với nhiều khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, lưu lượng khai thác nước ngầm lớn, nên rất cần thực hiện quan trắc, với các thông số mực nước, độ mặn và nhiệt độ nước.
Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường cho biết, các trạm quan trắc được đầu tư các thiết bị công nghệ hiện đại, cho phép quan trắc tự động, liên tục các thông số gồm mực nước và nhiệt độ, trong đó riêng trạm Vĩnh Phú có vị trí tiếp giáp sông Sài Gòn, vì vậy trạm còn được lắp thiết bị đo độ mặn để đánh giá mức độ nhiễm mặn từ nguồn nước mặt sông Sài Gòn đến nguồn nước dưới đất. Ngoài ra, hệ thống còn được lắp đặt bộ thiết bị ghi nhận, lưu trữ dữ liệu tích hợp truyền thông không dây GSM/ GPRS truyền số liệu liên tục về trạm điều hành trung tâm. Nguồn điện được cung cấp liên tục từ các tấm panel năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống.
Kết quả đo đạc tại các trạm cơ sở sẽ tự động truyền về trạm điều hành trung tâm với tần suất 2 giờ/lần theo quy định của Thông tư số 19/2013/TT-BTNMT ngày 18-7-2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kỹ thuật quan trắc tài nguyên nước dưới đất. Nhân viên vận hành sẽ theo dõi và cập nhật liên tục kết quả quan trắc qua máy chủ đặt tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, từ đó có thể đánh giá nhanh chóng sự biến động của mực nước ngầm cũng như sự thay đổi nhiệt độ nguồn nước, nâng cao hiệu quả công việc, tiết giảm được thời gian và nhân lực trong quá trình đo đạc. Ngoài ra, nhằm duy trì hoạt động ổn định, liên tục cho hệ thống, định kỳ nhân viên kỹ thuật sẽ đến trạm để kiểm tra, bảo trì các thiết bị quan trắc, bảo đảm số liệu đo chính xác.
P.V