Đưa hồn Việt đi khắp năm châu

Cập nhật: 19-04-2010 | 00:00:00

Nay thì thương hiệu gốm sứ Minh Long 1 quá nổi tiếng. Gần như sản phẩm “made in Binh Duong” này hiện diện ở tất cả các bàn ăn của những khách sạn 4 đến 5 sao ở Sài Gòn và cả nước ngoài. Thậm chí, hiện nay bước vào nhà hàng hay quán ăn nào ở Sài Gòn hay Chợ Lớn, chỉ cần dọn lên chén, dĩa thương hiệu Minh Long 1, coi như tin chắc đây đúng là nơi có những món ăn khó thể chê!

Thế nhưng mấy ai biết được để có được điều ấy, chủ nhân của nó đã phải trăn trở, hết đi rồi lại đi...

Ông Lý Ngọc Minh (phải) nhận vòng hoa và phần thưởng cao quý "Doanh nghiệp tiêu biểu tỉnh Bình Dương"“Tiêu chí của gốm sứ Minh Long gói gọn trong 4 không và 4 có: không thời gian - biên giới - giới tính - tuổi tác; có văn hóa - nghệ thuật - phong cách - tâm hồn dân Việt”. Ông Lý Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long 1, diễn giải.

Giáo sư Trần Văn Khê kể: khi được cho xem hai bộ đồ trà Sơn Hà Cẩm Tú, tôi vô cùng xúc động trước cái đẹp tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật. Hình thức rất độc đáo. Bình trà phỏng theo hình lu nước, nắp bình hình chiếc nón lá của nông dân miền Nam...

Một mẫu trong bộ Hoàng cungVăn hóa Việt Nam làm nên linh hồn của gốm sứ

“Đã lâu lắm rồi tôi hằng mơ ước làm cho mình một bộ đồ sứ thật đẹp. Làm đồ sứ đẹp đã là khó, nhưng tôi lại thêm cao vọng là nó phải có ý nghĩa và có văn hóa Á Đông.

Tôi chia ra làm hai phần: phần hình thể sản phẩm, tôi gọi là phần xác. Phần hoa văn trang trí, tôi gọi là phần hồn. Mà cả xác lẫn hồn đều phải là văn hóa Việt. Năm 1995, tôi sản xuất đồ sứ với bộ bàn ăn cao cấp, cũng là lúc tôi bắt đầu vào cuộc”, ông Lý Ngọc Minh nhớ lại.

Thế là ông Minh làm chuyến lang thang. Dừng chân ở Cảnh Đức Trấn, nơi nổi tiếng làm sứ lâu đời của vương triều Trung Quốc. Nghệ thuật gốm sứ nơi đây vẫn xa lạ trong tâm tưởng của người thợ gốm đến từ phương Nam. Ông bay sang Ý. Kiến trúc La Mã kỳ vĩ, đền đài chạm trổ công phu. Đây cũng không phải cái mà ông đang đi tìm.

Lại đi và đi. Ngắm nhìn những tòa lâu đài bên dòng sông Seine, rồi sang Đức... “Trở về Paris thăm bảo tàng Louvre, lần thứ hai, ở đây tôi bắt gặp nhiều đồ dùng dành cho vua chúa thời xưa. Tôi nghĩ phải chia ra thành hai loại: một bộ dành cho dân gian, một bộ dành cho trưởng giả. Nhưng tôi vẫn chưa tìm được ý tưởng gì phù hợp cho sáng tác của mình, vì nó quá Tây!”, ông Minh kể.

Rồi ông sang Nhật, đến Hàn Quốc thăm những nơi sản xuất sứ nổi tiếng. Mãi đến năm 2000, sau 5 năm trời tìm kiếm, từ những hội chợ gốm sứ lớn nhất thế giới ở Frankfurt, đến những quê hương cội nguồn của sứ, tưởng là quá đủ. “Vậy mà tôi vẫn cứ thấy thiếu. Những nơi ấy chưa cho tôi ngộ ra cái mà tôi cho là văn hóa nghệ thuật mang tính hiện đại, đậm đà bản sắc Việt Nam. Tôi nghĩ không lẽ tại bản thân dở quá...”, ông Minh đặt cho mình một dấu hỏi lớn.

Bỗng một hôm khi về quê, ông nhìn thấy cái lu chứa nước. Cái lu mái vú thuở nào trông nó đơn sơ mộc mạc, nhưng sao lại rất duyên, rất gần gũi. Ý tưởng bắt đầu nhen nhúm và ông thấy có lý vì nó thân quen với mọi người. Trên hết, nó rất Nam bộ.

“Tôi chụp chiếc nón lá lên miệng lu thấy nó đầy gợi cảm, rất là Việt Nam. Thế là tôi hướng dẫn cho họa sĩ vẽ lại, sửa tới sửa lui rồi cuối cùng thêm vào chân lu cái đế để nó hiện đại hơn. Từ đó, thân xác hình hài bộ đồ sứ ra đời. Sau này tôi đặt tên là dãy Hoàng Cung với hơn 54 sản phẩm khác nhau, phục vụ cho ăn uống”, ông Minh kể về tác phẩm ban đầu của mình.

Bộ sưu tập Camellia: sắc màu, lá xanh, hương biển và quả ngọtCon Rồng cháu Tiên: niềm tự hào của dân Việt

“Vậy thì tại sao hoa văn chạm trổ lại vẽ con rồng và phượng (hoặc hạc) như bình thường?”, ông Minh ngẫm nghĩ. Từ gợi ý của 2 học giả Trần Quốc Vượng và Cao Xuân Phổ, cùng với ghi nhận thực tế đồ gốm mà Hà Nội vừa khai quật tìm thấy Thăng Long thành cổ, ông Minh dựa trên nền con rồng thời Lý Trần, để vẽ ngay con rồng có mỏ phượng.

Trong bộ Sơn Hà Cẩm Tú, không chỉ khác về hình ảnh con rồng mỏ phượng, mà sừng cũng khác: sừng nhọn như sừng tê giác, có mái tóc bờm hất ngược tới trước trông rất oai phong, nhưng lại hiền từ vì ngậm ngọc. Không chầu quả cầu lửa, mà chầu hoa sen tượng trưng cõi tâm linh, một thế giới yên bình.

Không chỉ vậy. Với những thành công bước đầu ấy, đã có doanh nhân nước ngoài đến đề nghị hợp tác với điều kiện: sản phẩm phải mang tên của doanh nghiệp phương Tây đó.

Ông Minh đồng ý... một nửa. Khi đó, thỏa thuận đạt được là gốm sứ do Minh Long làm ra sẽ có thêm cái tên Tây của đối tác kèm theo khi bán ở nước ngoài. “Mình muốn chường mặt ra thế giới nên đành chấp nhận kiểu ghép như vậy!”, ông Minh nói. Dần dà tên Minh Long chinh phục được người tiêu dùng gần xa. Nay thì tuy chuyện “gắn kèm” vẫn còn, nhưng bạn hàng khắp năm châu vẫn thích mua được sứ Minh Long 100% Việt Nam hơn.

Rồng Việt cũng là cảm hứng sáng tạo đưa đến thành công của chiếc cúp dùng để đấu giá ủng hộ người nghèo vào giao thừa 2006: chiếc cúp bằng sứ và lấy biểu tượng rồng Việt Nam để làm thành cúp Rồng Việt.

Cúp Rồng Việt có chiều cao 650mm, bề ngang 500mm, chiều rộng 225mm được đánh giá là tuyệt tác của nghề gốm, với các đặc điểm nổi bật sau: đúc ráp liền một khối (thông thường đều chia làm 3 khúc, nung xong rồi bắt ốc vít và kết dính bằng keo); màu men ngọc tự nhiên sản sinh từ quá trình nung; màu vẽ trên sản phẩm chìm hẳn trong men; họa tiết màu vàng trên sản phẩm là vàng 24K; họa sĩ vẽ là người khéo tay nhất trong số 30 họa sĩ giỏi của Minh Long; do vẽ tay nên đây là chiếc bình có họa tiết không thể trùng với những chiếc bình sản xuất sau đó; sản phẩm duy nhất từ đó đến giờ mà Minh Long làm ra không gặp phải bất kỳ sự cố kỹ thuật nào; trên chiếc bình có lời kêu gọi và chữ ký của Chủ tịch UBMTTQ Trung ương Phạm Thế Duyệt “Hãy vì người nghèo”.

“Để làm được bộ Hồn Việt cũng như Sơn Hà Cẩm Tú, tôi phải cảm ơn vợ tôi, người đã lo hết việc nhà để tôi có nhiều thời gian cho sáng tác; cũng như cảm ơn những cộng sự đắc lực của Minh Long, từ khâu vẽ, tạo mẫu, tạo hình đến trang trí, nung... đã giúp tôi hết mình để hoàn thiện tác phẩm!”, ông Minh ngỏ lời tri ân.

“Những lúc tôi hồi tưởng lại những gì mình từng sống qua, trải nghiệm, từng biết ở những đất nước khác nhau. Diệu kỳ thay là có một điểm rất chung: ở nước nào văn hóa dân gian cũng là làng quê, đất nước, đời sống, con người... Từ đó bộ đồ sứ mang chất dân gian có tên Hồn Việt ra đời...”. Ông Minh tự sự và chuỗi sản phẩm Hồn Việt của Minh Long đang hiện diện ở nhiều gia đình cho thấy hình ảnh cây đa, mái đình, bến nước tưởng xa xăm, nhưng vẫn có sức cuốn hút đến lạ kỳ.

Nay thì gốm sứ Minh Long kể không xuể những sản phẩm vang danh và vẫn đậm đà Hồn Việt, nơi Sơn Hà Cẩm Tú đã hun đúc nên những con người đang làm rạng danh xứ Việt trên thương trường thế giới...

THẢO VY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=424
Quay lên trên