Đưa mô hình hồ bơi di động đến với trẻ em vùng xa

Cập nhật: 26-05-2018 | 08:03:41

Để giúp trẻ em ở vùng nông thôn dễ dàng tiếp cận với hoạt động bơi lội, Huyện đoàn Phú Giáo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện đã phối hợp thực hiện mô hình “Hồ bơi di động”.

Chị Tạ Thị Tố Nga, Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội huyện Phú Giáo, cho biết dạy bơi cho trẻ em, học sinh hiện là một nhu cầu cấp thiết, trong khi đó trên địa bàn huyện, số lượng hồ bơi rất hạn chế. Tại khu Trung tâm Hành chính huyện chỉ có 1 hồ bơi duy nhất đặt tại sân vận động huyện và 1 hồ bơi thuộc Công đoàn Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa. Hồ bơi cấp huyện chủ yếu phục vụ cho trẻ em tại trung tâm, hoặc các xã lân cận. Tại các trường cũng chưa có hệ thống bể bơi cho học sinh tập luyện và môn bơi lội chưa được quy định là môn học bắt buộc trong trường học. Vì thế, trẻ em ở vùng nông thôn sẽ ít có điều kiện học bơi, chưa được tập huấn nhiều về kỹ năng phòng tránh thương tích và đuối nước. Để đáp ứng yêu cầu này, Ban Thường vụ Huyện đoàn, Hội đồng Đội huyện đã phối hợp cùng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện tổ chức mô hình “Hồ bơi di động”, mở các lớp dạy bơi miễn phí cho các em. Trong dịp hè năm 2017, huyện đã mở được 4 lớp dạy bơi miễn phí cho trên 200 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Bước đầu, mô hình đã nhận được phản hồi tích cực từ các phụ huynh, gia đình và nhà trường. Năm nay, mô hình “Hồ bơi di động” tiếp tục được tổ chức tại xã Tam Lập, thu hút đông đảo thiếu nhi đến đăng ký ghi danh học bơi.

Mô hình “Hồ bơi di động” đã tạo sân chơi bổ ích cho học sinh vùng nông thôn trong dịp hè và góp phần phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước.
Ảnh: N.NHƯ

Những ngày qua, tại trường Mầm non Tam Lập (ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập), cứ vào khoảng hơn 7 giờ sáng ngày chủ nhật hàng tuần, đông đảo các em nhỏ trên địa bàn xã đã được phụ huynh đưa đến hoặc tự đạp xe đến để học bơi. Em Nguyễn Thanh Hải, trường THCS Tam Lập nói: “Em thích nhất được đi học bơi, nên cứ trông chờ tới ngày cuối tuần là dậy thật sớm để đến lớp bơi này”. Chị Trần Thị Hạnh, phụ huynh học sinh có con học bơi tại hồ bơi di động nói: “Nhà ở xa nên để đến hồ bơi ở trung tâm huyện cũng khá vất vả, nhưng may mắn năm nay chúng tôi biết có hồ bơi được di chuyển đến địa bàn xã nên đăng ký cho con học ngay”.

Theo chị Tạ Thị Tố Nga, để mô hình này tiếp cận được nhiều hơn với thiếu nhi, các cán bộ Đoàn - Hội - Đội đã tích cực tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chi đoàn, chi hội nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên và học sinh. Đồng thời, Huyện đoàn phối hợp cùng Phòng Văn hóa Thông tin huyện tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa đài, đài truyền thanh, bản tin thanh niên, bảng tin măng non, góp phần tuyên truyền chiêu sinh các lớp học bơi; tuyên truyền trường học an toàn, phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước trong các đợt trọng điểm; tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa trải nghiệm sáng tạo để giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước.

Có thể nói, mô hình “Hồ bơi di động” không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh nông thôn vào những ngày hè mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trong nhà trường. Thông qua các nội dung tuyên truyền và tham gia vào các hoạt động thực hành cụ thể, mô hình đã giáo dục học sinh các kỹ năng phòng chống, bảo vệ, ứng phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Gọi là hồ bơi di động, nhưng kích thước cũng không kém hồ bơi kiên cố; xung quanh hồ bơi cũng trang bị đầy đủ áo phao, phao tập bơi và các dụng cụ cần thiết cho các học viên.

 

NGỌC NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1080
Quay lên trên