Thời gian qua, sản phẩm an toàn cho sức khỏe luôn nhận được sự quan tâm của khách hàng. Tuy vậy, vì nhiều lý do các sản phẩm này vẫn chưa thể tiếp cận với đại đa số người tiêu dùng.
Nhiều cố gắng
Thực phẩm bẩn có mặt nhiều nơi đang khiến người tiêu dùng hết sức lo lắng. Trong khi đó, giá cả những sản phẩm an toàn, sạch đang ở mức cao nên sức mua còn thấp. Tuy vậy, hiện trên địa bàn tỉnh cũng có những đơn vị, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường với giá thành hợp lý. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Bình Dương (Phú Giáo) là một điển hình. Từ năm 2012, HTX đã triển khai hình thức liên kết ngang: HTX liên kết lại, hỗ trợ thành viên cùng nhau sản xuất, kinh doanh. Theo đó, HTX chịu trách nhiệm cung cấp giống, vật tư, phân bón, khoa học - kỹ thuật chăm sóc cây trồng và đầu ra sản phẩm cho các xã viên.
Nhiều nhà sản xuất mong muốn sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng phải là sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, có chất lượng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Big C Bình Dương. Ảnh: TRÚC HUỲNH
Theo ông Lê Văn Thuận, Giám đốc HTX nông nghiệp Bình Dương, các loại nông sản như hồ tiêu, mít ruột đỏ, sầu riêng, đặc biệt là bơ booth 7 đang được thị trường rất ưa chuộng. Tuy vậy vào vụ mùa nghịch, loại quả này được bán với giá cao (từ 180.000- 200.000 đồng/kg), trong khi đó nguồn cung sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm không nhiều. Nhằm đưa nông sản đạt tiêu chuẩn VietGap đến tận tay người tiêu dùng với giá thành thấp nhất, HTX đang áp dụng mô hình sản xuất mới. Với mô hình này, nông dân tham gia sản xuất hàng hóa cho doanh nghiệp, được doanh nghiệp đầu tư vốn đầu vào, bảo đảm đầu ra. Về phía doanh nghiệp, sẽ có lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cho thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, trường Đại học Thủ Dầu Một, cho biết nhằm phục vụ việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và an toàn sinh học trong nông nghiệp của tỉnh, từ những kết quả ban đầu nghiên cứu việc ứng dụng các kỹ thuật cao trong nuôi trồng nấm dược liệu (đông trùng hạ thảo), các kỹ thuật ứng dụng trong chăn nuôi, bảo tồn thú hoang dã... mới đây trường đã chuyển giao kết quả khoa học đến người dân và công bố kết quả trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Kết quả này bước đầu đã đáp ứng được công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ giữa cơ sở đào tạo và xã hội, đồng thời phục vụ nhu cầu sử dụng sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường của người dân đang ngày càng tăng. |
Đối với nguồn thực phẩm tươi sống, đầu năm 2000, trước đại dịch cúm gia cầm H5N1, sau nhiều ngày tìm hiểu các giải pháp, Công ty Cổ phần Ba Huân đã nhập về công nghệ xử lý trứng và diệt khuẩn đạt chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định và hình thành chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, năm 2013 công ty đã xây dựng trang trại chăn nuôi công nghệ cao tại TX.Tân Uyên. Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân, cho biết hiện nay, quan trọng nhất vẫn là thái độ của người tiêu dùng và cái tâm của nhà sản xuất. Thực phẩm sạch trên thị trường không phải là không có, nhưng nó đang bị trà trộn giữa sạch và bẩn ở khá nhiều nơi. Công ty đi theo xu hướng “sạch từ trang trại đến bàn ăn” thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại mới theo tiêu chuẩn công nghệ tiên tiến nhằm cung cấp nguồn thực phẩm ổn định, chất lượng cho thị trường. Công ty mong muốn chung tay xây dựng chuỗi thực phẩm sạch, góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe cho mọi người.
Tăng cường kết nối cung - cầu
Tại hội thảo “Nâng cao nhận thức tiêu dùng xanh và tiêu dùng bền vững đối với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, do Liên hiệp Các hiệp hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây, tiến sĩ Vũ Duy Quang, Giám đốc điều hành Công ty GrenWord (TP.Hồ Chí Minh), nhận định một khi chúng ta kiểm soát hết được từ đầu vào tới đầu ra, người tiêu dùng sẽ an tâm hơn nhiều về chất lượng sản phẩm mình chọn dùng. Điều này cũng tránh được việc thương lái trà trộn hàng hóa kém chất lượng với hàng hóa chất lượng cao để bán cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, mô hình khép kín này lại chưa thể nhân rộng vì nhiều lý do. Nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất và bảo quản khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cao hơn so với sản phẩm công nghiệp.
“Để sản xuất các sản phẩm sạch, xanh, đặc biệt là sản phẩm hữu cơ, đòi hỏi quy trình sản xuất rất chặt chẽ. Thực tế, sản xuất sản phẩm sạch yêu cầu phải đầu tư hệ thống hoàn chỉnh, khép kín, thời gian nuôi trồng, chăm sóc dài hơn nên chi phí cao hơn hẳn so với các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc khác trên thị trường”, tiến sĩ Quang nói.
Trên địa bàn tỉnh, dù nguồn cung thực phẩm, nông sản an toàn từ các địa phương khá dồi dào nhưng việc triển khai tiêu thụ đến người tiêu dùng còn gặp không ít khó khăn. Ông Thuận cho hay, vừa qua HTX nông nghiệp Bình Dương đã đến chào hàng bơ botth 7 tại siêu thị. Dù sản phẩm đạt chuẩn, ngon nhưng phía siêu thị chỉ đồng ý trưng bày sản phẩm, tiếp đó sau 3 đợt nhập hàng mới thanh toán cho đơn hàng đầu tiên. Với nguồn lực tài chính có hạn, HTX lại phải giải quyết kịp thời đồng vốn cho xã viên và bảo đảm thời gian thu hoạch, lợi nhuận... nên cách giải quyết của siêu thị khiến HTX gặp khó! Vì những lý do này nên sản phẩm an toàn của HTX chưa có cơ hội tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng.
Bên cạnh nguyên nhân nói trên, mối quan hệ giữa các nhà bán lẻ và nông dân cũng còn không ít vướng mắc, như chiết khấu cao, chi phí lớn khi HTX đưa sản phẩm vào siêu thị. Trong khi đó, nhiều loại nông sản của HTX chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm... nên cũng gặp khó khăn trong việc đưa những sản phẩm này đến với đại đa số người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, để giải quyết căn cơ vấn đề nói trên, các địa phương, ngành chức năng cần có những giải pháp kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường... Bên cạnh đó, cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất quy mô lớn, theo hình thức liên kết chuỗi. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho rằng đối với lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp cần tìm và thực hiện chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến đến sản phẩm hoàn thiện. “Dù sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vấn đề là bán ở đâu và giá bán như thế nào, để đại đa số người tiêu dùng có thể thụ hưởng những sản phẩm an toàn và chất lượng. Để sản phẩm an toàn sức khỏe đến với người tiêu dùng, bên cạnh sự nỗ lực của ngành chức năng, trong thời gian tới đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp”, ông Cường nói.
TRÚC HUỲNH