Trạm cấp nước xã Phước Hòa (Phú Giáo) được xây dựng từ tháng 7-2007 đến nay, đã cung cấp cho 1.211 hộ dân với công suất thiết kế đạt 80%
Nước sạch về, vệ sinh môi trường khá ổn
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Thìn, Trưởng bộ phận kinh doanh Trung tâm Đầu tư, khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường NT trực thuộc Chi cục Thủy lợi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết đến cuối năm 2012, trung tâm đã quản lý và khai thác 30 công trình cấp nước sạch NT trên 29 xã thuộc 4 huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bến Cát và Tân Uyên. Để nguồn nước về với người dân NT sạch và an toàn, những năm gần đây, trung tâm đã đầu tư gần 7,5 tỷ đồng để thay mới, sửa chữa và khắc phục những hạng mục xây lắp, máy móc, thiết bị công nghệ hư hỏng, xuống cấp không còn hoạt động trong thời kỳ địa phương quản lý, nhằm khôi phục và nhanh chóng đưa các công trình hoạt động trở lại bình thường, để cung cấp nước sạch liên tục cho người dân sử dụng.
Năm 2013, Trung tâm Đầu tư, khai thác nước sạch và vệ sinh môi trường NT tăng cường công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo đảm cung cấp nước sạch sinh hoạt đầy đủ đạt tiêu chuẩn quy định cho các hộ dân NT, phấn đấu số hộ NT sử dụng nước sạch ngày càng tăng; tỷ lệ thất thoát nước bình quân đạt 19%; sản xuất nước sạch thương phẩm là 3.483.200m3; thu tiền nước 14.000 triệu đồng…
Ông Thìn đã đưa ra con số thống kê, với số vốn đó, trung tâm đã thổi rửa, bảo trì 73 giếng khoan khai thác; thay thế, sửa chữa 110 máy bơm cấp I, 50 máy bơm cấp II, 24 tủ điều khiển; thay 24 hệ thống châm hóa chất, clo; bảo trì và thay mới 20 trạm biến áp, 6 hệ thống chống sét; thay 1 đường dây trung thế cho trạm Lạc An… Đồng thời, thực hiện công tác chống thấm, sơn sửa lại các hạng mục xây lắp gồm nhà quản lý, nhà trạm bơm, nhà hóa chất, tường rào, đài nước bị thấm, bong tróc sơn của 24 công trình cấp nước sạch tập trung NT; thường xuyên thay thế các van công nghệ, sửa chữa rò rỉ trên tuyến ống, khắc phục thay thế các van xả cuối tuyến ống cấp nước. Nhờ vậy, chất lượng nguồn nước được cải thiện, tạo niềm tin cho người dân khi sử dụng nước sạch.
Ngoài sửa chữa, trung tâm còn đưa công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước, châm hóa chất, clo đúng liều lượng bảo đảm chất lượng nước đạt tiêu chuẩn nước sạch sinh hoạt luôn đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, trung tâm đã thành lập 1 tổ xét nghiệm nước đặt tại văn phòng trung tâm. Tổ này được trang bị cơ bản các máy móc thiết bị, đủ năng lực để hàng tháng, xét nghiệm 14 chỉ tiêu lý, hóa, vi sinh cơ bản như về độ đục, độ pH, mùi vị, độ cứng tổng cộng, nồng độ sắt tổng cộng, mangan, clorua, nitrit, nitrat… Hàng năm, trung tâm còn hợp đồng với Viện Paster, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lấy mẫu ở 30 trạm cấp nước xét nghiệm 22 chỉ tiêu để đánh giá chất lượng nước sinh hoạt cho các công trình cấp nước tập trung ở NT. Nhờ quản lý chặt chẽ, nên tỷ lệ chống thất thoát nước từ 50% năm 2010 giảm còn 20% năm 2012; chi phí điện năng bình quân 1m3 nước sạch từ 0,70Kw/m3, tiết kiệm được 94 triệu đồng năm 2010 giảm còn 0,67kW/m3, tiết kiệm được 40 triệu đồng năm 2012.
Cũng theo ông Thìn, song song với việc cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường NT chỉ dừng lại việc vận động tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của người dân cùng thực hiện theo phương châm xã hội hóa vấn đề này. Chính vì vậy, số liệu thống kê của trung tâm cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 142.210 hộ dân NT có hố xí hợp vệ sinh đạt 89% tổng số hộ; 5.780 chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 68%. Ngoài ra, có 349 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và 60 trạm y tế có công trình cấp nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 100%.
Cần hướng đến an toàn và bền vững
Đánh giá hiệu quả của chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường NT, ông Thìn cho rằng, sau nhiều năm triển khai thực hiện, chương trình đã góp phần đáng kể cho việc quy hoạch và tốc độ phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị thương mại, dịch vụ và các khu dân cư tập trung ở NT; góp phần nâng cao đời sống của người dân, tăng cường sức khỏe cho cộng đồng.
Để đạt hiệu quả cao hơn nữa, năm 2013 này, trung tâm tiếp tục trình UBND tỉnh để bố trí vốn thực hiện đầu tư các dự án hệ thống cấp nước tập trung 2 xã Minh Tân, Long Tân (Dầu Tiếng); bể lắng Lammella cho cụm xử lý công trình cấp nước sạch tập trung xã Định Thành; phấn đấu đến cuối năm có 97% hộ dân NT sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 91% hộ dân có hố xí hợp vệ sinh; 72% chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải… Cùng nhiều công trình nối tiếp nhau, hy vọng Bình Dương sẽ sớm đưa tiêu chí sạch về NT, bảo đảm nguồn nước cũng như chất lượng vệ sinh môi trường ngày càng an toàn và bền vững, xứng đáng là một tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
M.HUY - H.ÁI